- Tác giả,Andrew Harding, Khuê Lưu & Patrick Clahane
- Vai trò,BBC News
- Đưa tin từ Dunkirk, Pháp
Từ bóng tối của một cánh rừng thưa gần bờ biển miền bắc nước Pháp, kẻ vận chuyển trái phép người Việt xuất hiện, dáng vẻ lưỡng lự.
“Tránh xa mấy người khác ra. Lại đây, nhanh lên,” ông ta nói, vẫy tay từ phía bên kia của một đường ray bỏ hoang với một người trong nhóm chúng tôi, người đã nhập vai một khách hàng tiềm năng vài tuần nay.
Một lát sau, người đàn ông kia – với dáng vóc cao lớn cùng mái tóc nhuộm vàng – quay ngoắt đi, như một con cáo bị giật mình, và biến mất dọc theo lối mòn dẫn vào rừng.
Trong những tháng đầu năm nay, Việt Nam đột ngột trở thành nước có nguồn di dân lớn nhất tìm cách vượt eo biển Manche vào Anh trái phép trên những con thuyền nhỏ.
Số lượng di dân tăng vọt từ 1.306 người trong cả năm 2023 lên 2.248 trong nửa đầu năm 2024.https://flo.uri.sh/story/2681674/embed?auto=1
Cuộc điều tra của chúng tôi – gồm các cuộc phỏng vấn với những kẻ buôn người và khách hàng người Việt, cùng cảnh sát, công tố viên và các tổ chức từ thiện của Pháp – phát hiện ra rằng di dân người Việt đang trả giá cao gấp đôi để nhận suất “ưu tiên” qua eo biển Manche nhanh và gọn hơn.
Trong khi số người chết trên eo biển Manche đạt mức cao kỷ lục vào năm nay, cũng có những dấu hiệu cho thấy việc vượt biển có vẻ an toàn hơn.
Để thâm nhập vào các hoạt động của người Việt, chúng tôi đã gặp một kẻ buôn người lão luyện đang hoạt động tại Anh với công việc làm giả tài liệu cho dân di cư tìm đường tới châu Âu.
Đồng thời, một phóng viên ngầm của chúng tôi – vào vai di dân người Việt – được bố trí, qua các cuộc gọi và tin nhắn, tới gặp một băng vận chuyển người trái phép hoạt động ở khu rừng gần Dunkirk để tìm hiểu quy trình cụ thể.
“Dịch vụ thuyền nhỏ tốn 2.600 bảng Anh (hơn 85,4 triệu VND). Khoản thanh toán sẽ được thực hiện sau khi đã tới Anh,” kẻ vận chuyển, tự xưng là Bac, nhắn tin lại.
Chúng tôi đã được nghe con số tương tự từ những nguồn khác.
Chúng tôi tin rằng Bac là thành viên của một băng đảng ở Anh có ông trùm là Tony, người đàn ông tóc vàng ban nãy ở bìa rừng.
Bac gửi cho chúng tôi những chỉ dẫn về cách đi từ châu Âu tới Anh, giải thích cách mà nhiều di dân trước hết đã bay từ Việt Nam đến Hungary – nơi hiện có vẻ khá dễ để xin thị thực lao động hợp pháp, thường là xin được bằng giấy tờ giả.
Bac nói rằng sau đó những người di cư này sẽ tới Paris và rồi Dunkirk.
“Tony sẽ đón cô ở ga [Dunkirk],” ông ta mời gọi trong một tin nhắn.
Di dân người Việt được coi là miếng mồi ngon cho những mạng lưới của các nhóm buôn người.
Những nhóm này sẽ tìm cách đưa họ vào bẫy nợ và ép họ trả nợ bằng cách làm việc ở các trang trại trồng cần sa hoặc các công việc khác ở Anh.
Sau vài chuyến đi gần đây tới những khu trại quanh Dunkirk và Calais, có thể thấy một điều rõ ràng là các băng người Việt và khách hàng của họ vận hành tách biệt với các nhóm khác.
“Họ thận trọng và kín kẽ hơn nhiều so với những nhóm khác. Hiếm khi chúng tôi thấy họ,” Claire Millot, một tình nguyện viên của Salam – tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người di cư ở Dunkirk, nói.
Một tình nguyện viên của một tổ chức từ thiện khác kể với chúng tôi rằng gần đây đã thấy một cảnh hiếm hoi khi có khoảng 30 người Việt tới mua áo phao tại một chi nhánh ở Dunkirk của chuỗi cửa hàng đồ thể thao Decathlon.
Không chỉ giữ khoảng cách, khách hàng sử dụng dịch vụ tinh gọn của các băng người Việt có thời gian chờ ở các khu trại ngắn hơn.
Nhiều người châu Phi và Trung Đông phải sống nhiều tuần, có khi hàng tháng trời, trong điều kiện khắc nghiệt tại bờ biển nước Pháp.
Vài người không đủ tiền mặt để mua một suất trên một con thuyền nhỏ, và cố kiếm một tấm vé lên thuyền bằng cách làm việc cho các băng vận chuyển người trái phép.
Nhiều người bị cảnh sát Pháp chặn lại ở bãi biển và phải thử vài lần mới vượt eo biển Manche trót lọt.
Trong một chuyến đi gần đây tới khu trại, chúng tôi thấy hàng chục gia đình – từ Iraq, Iran, Syria, Eritrea và các nơi khác – đang uể oải tập trung tại một khu đất lầy lội để nhận đồ ăn hằng ngày và hỗ trợ y tế từ các nhóm nhân đạo.
Trời mưa lất phất.
Một đám trẻ đang chơi Connect 4 (một biến thể của cờ Caro) trên một cái bàn cắm trại, một người đàn ông loay hoay tìm cách chữa vết thương ở tay.
Vài phụ huynh nói với chúng tôi rằng họ có nghe tin một cậu bé bốn tháng tuổi người Kurd đã chết đuối vào hôm trước sau khi chiếc thuyền bị lật úp khi cố vượt eo biển Manche.
Nhưng không ai nói rằng cái chết đó sẽ làm họ nhụt chí.
Không thấy có người Việt nào quanh đó.
Có vẻ những kẻ vận chuyển trái phép người Việt thường đem khách hàng của họ tới các khu trại ở miền bắc nước Pháp khi mà thời tiết đang tương đối khả quan và một chuyến vượt biển sắp diễn ra.
Chúng tôi lần đầu bắt gặp làn sóng di dân người Việt mới vào đầu năm nay tại một trong những khu trại của họ gần Dunkirk.
Khu trại trông gọn gàng và ngăn nắp hơn hẳn những khu trại di cư khác, những căn lều đồng bộ được dựng thẳng hàng và một nhóm người đang nấu một bữa ăn cầu kỳ và hấp dẫn với tỏi phi, hành và các loại gia vị Việt.
“Họ rất ngăn nắp, đoàn kết và ở với nhau trong các khu trại. Họ khá đặc biệt đó. Khi họ tới bờ biển, chúng tôi biết một chuyến vượt biển sẽ được thực hiện sớm thôi. Có lẽ họ có nhiều tiền hơn người khác,” bà Mathilde Potel, cảnh sát trưởng người Pháp phụ trách phòng chống di cư bất hợp khác tại khu vực, nói.
Người Việt không có quyền kiểm soát các chuyến vượt biển bằng thuyền nhỏ, hoạt động vốn chủ yếu nằm dưới sự cai quản của các băng người Kurd Iraq.
Thay vào đó, họ giao kèo đặt suất và thời gian lên thuyền.
“Băng người Việt không được phép can dự vào phần đó của quy trình [việc vượt biển]. Chúng tôi chỉ dẫn khách tới [cho các băng người Kurd],” một kẻ vận chuyển người Việt đang sống ở Anh, mà chúng tôi gọi là Thanh, nói.
Ông ta nói rằng số tiền mặt trả thêm sẽ giúp khách hàng người Việt kiếm được suất ưu tiên trên các con thuyền nhỏ.
Trong khi giá thì rõ ràng, vấn đề về an toàn mập mờ hơn.
Một sự thật là – và có lẽ đã phơi bày đầy đủ – trong chín tháng đầu năm 2024, không có di dân người Việt nào trong hàng chục ca được xác nhận đã chết khi cố vượt eo biển Manche.
Nhưng vào tháng 10, một di dân người Việt đã thiệt mạng. Năm 2024 hiện đã trở thành năm chết chóc nhất được ghi nhận đối với hoạt động vượt biển bằng thuyền nhỏ.
Có lẽ bằng việc trả thêm tiền, người Việt được lên những con thuyền bớt đông hơn, thành ra cũng ít bị chìm.
Nhưng chúng tôi không thể xác minh được điều này.
Một điều rõ ràng hơn là các băng người Việt thường thận trọng về việc đưa khách của mình lên thuyền mỗi khi thời tiết xấu.
Những tin nhắn từ Bac cho phóng viên ngầm của chúng tôi có chứa những đề xuất cụ thể về cách di chuyển và thời điểm tốt nhất để tới khu trại.
“Việc vận hành dịch vụ thuyền nhỏ phụ thuộc vào thời tiết. Sóng biển phải nhỏ. Bắt buộc phải an toàn… Thời tiết đầu tuần này khá tốt và đã có vài thuyền ra khơi… Ngày mai chị tới đây [Dunkirk] được thì tốt. Tôi tính tổ chức [một chuyến vượt biển] vào sáng thứ Năm,” Bac viết trong tin nhắn.
Trong những cuộc trò chuyện ở cửa lều, hai chàng trai, ở hai khu trại khác nhau, kể cho chúng tôi những câu chuyện gần như giống hệt nhau về những biến cố thúc đẩy họ rời Việt Nam để tìm một cuộc sống mới.
Về việc họ vay tiền để lập nghiệp ở Việt Nam như thế nào, tới cách họ thất bại ra sao, và rồi vay thêm từ họ hàng và những kẻ cho vay nặng lãi để trả phí cho những kẻ vận chuyển trái phép đưa họ tới Anh.
“Cuộc sống ở Việt Nam khó khăn quá. Tôi không kiếm được một công việc tử tế. Tôi có mở một cửa tiệm nhưng lại thua lỗ. Không thể trả được nợ, tôi phải kiếm cách nào đó để có tiền. Tôi biết điều này [là phạm pháp] nhưng tôi hết cách rồi. Tôi nợ 50.000 bảng Anh (khoảng 1,6 tỷ VND). Tôi bán nhà rồi mà vẫn không đủ trả nợ,” Tu (26 tuổi) vừa nói vừa với tay vuốt ve con mèo con đang đi ngang qua.
Từ sau một túp lều gần đó ló ra hai con gà. Một chiếc gương nhỏ được treo trên cây. Vài ổ cắm rời để sẵn dưới một cái lán nhỏ để sạc điện thoại.
Người di cư còn lại, 27 tuổi, kể về cách anh ta đi tới Trung Quốc rồi qua châu Âu, lúc đi xe tải, lúc đi bộ.
“Bạn tôi bảo rằng cuộc sống ở Anh tốt hơn nhiều, và tôi có thể tìm được cách kiếm tiền,” người đàn ông này nói và không muốn giới thiệu tên.
Liệu những người này có phải là nạn nhân buôn người không? Không rõ.
Tất cả những người Việt chúng tôi nói chuyện đều nói đang mắc nợ.
Nếu cuối cùng họ phải làm cho những băng vận chuyển người trái phép ở Anh để trả nợ, cả tiền vượt biên lẫn khoản nợ trước đó, thì họ sẽ trở thành nạn nhân buôn người.
Chúng tôi tìm cách dụ Tony, kẻ vận chuyển người Việt tóc vàng, ra khỏi khu rừng gần đó tới một nơi trung lập hơn, nơi mà băng của gã – có lẽ được vũ trang, vì các băng khác đều vậy – có ít khả năng đe dọa chúng tôi hơn.
Chúng tôi định chất vấn về sự dính líu của gã tới ngành công nghiệp tội phạm béo bở, và thường xuyên gây chết người, này.
Nhưng Tony giữ cảnh giác và từ chối rời khỏi “lãnh địa”, rồi mất kiên nhẫn và trở nên tức giận khi một đồng nghiệp của chúng tôi, vẫn đang vào vai di dân tiềm năng, từ chối đi theo ông ta vào rừng.
“Đứng đó làm gì? Men theo đường mà đi. Nhanh lên! Ngay bây giờ,” Tony ra lệnh.
Một khoảng lặng thoáng chốc. Tiếng chim hót xuyên qua tán cây.
“Đồ ngu… Mày muốn đứng đó để bị cảnh sát bắt à?” kẻ buôn người nói, tỏ rõ vẻ khó chịu.
Rồi ông ta quay lưng và rút lui vào rừng.
Nếu đồng nghiệp của chúng tôi thực sự là dân di cư, có lẽ cô ấy đã đi theo ông ta vào rừng.
Chúng tôi nghe từ các nguồn tin khác rằng một khi đã tới các khu trại, những người di cư sẽ không được rời khỏi đó trừ khi trả vài trăm đô la Mỹ cho những kẻ buôn người trái phép.
Băng người Việt có thể hứa hẹn một con đường tới Anh nhanh, an toàn và “cao cấp”, nhưng thực tế tăm tối hơn vậy nhiều – một ngành kinh doanh tội phạm, được hỗ trợ bởi những lời hăm dọa, mang theo rủi ro chết người và không có gì đảm bảo sẽ thành công.