Mỹ, Hàn Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên rút quân khỏi Nga

 Mỹ và Hàn Quốc đã kêu gọi Bình Nhưỡng « rút hết lực lượng khỏi Nga ». Theo AFP, lời kêu gọi được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nêu lên trong buổi họp báo với đồng nhiệm Hàn Quốc ngày 30/10 tại Lầu Năm Góc. Đối với bộ trưởng Kim Yong Hyun, việc lính Bắc Triều Tiên được triển khai ở Nga « làm gia tăng các mối đe dọa cho an ninh trên bán đảo Triều Tiên ».

Đăng ngày: 31/10/2024

Ảnh do hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên đăng tải ngày 06/10/2024 : Một buổi huấn luyện bắn đạn thật tại Học viện Pháo binh O Jin U, Bắc Triều Tiên.
Ảnh do hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên đăng tải ngày 06/10/2024 : Một buổi huấn luyện bắn đạn thật tại Học viện Pháo binh O Jin U, Bắc Triều Tiên. via REUTERS – KCNA

Thu Hằng

Còn bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Washington « sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác để khiến Nga không đưa những lực lượng này ra chiến trường ». Ông nhấn mạnh quân đội Ukraina có quyền tự vệ « nếu lính Bắc Triều Tiên chiến đấu với quân Nga, trở thành một bên tham chiến và như vậy có nguy cơ bị chết hoặc bị thương ». Trước đó, ngày 29/10, bộ Quốc Phòng Mỹ chính thức xác nhận « một số ít » lính Bắc Triều Tiên đã có mặt ở vùng Koursk của Nga, sát biên giới với Ukraina.

Theo chính quyền Kiev, khoảng 4.500 lính Bắc Triều Tiên sẽ được triển khai đến biên giới Nga-Ukraina trong tuần này và có thể tham chiến ngay từ đầu tháng 11/2024. Trong cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An ngày 30/10, đại sứ thường trực của Ukraina Sergiy Kyslytsya tái khẳng định có đến 12.000 lính Bắc Triều Tiên đang được huấn luyện trong 5 căn cứ ở miền đông Nga, trong đó có ít nhất 500 sĩ quan và 3 tướng của bộ tổng tham mưu. Đại sứ Ukraina, còn cho biết lính Bắc Triều Tiên được cấp giấy tờ tùy thân Nga để « che giấu sự hiện diện ». Họ sẽ mặc quân phục Nga, sử dụng vũ khí hạng nhẹ và được đưa vào biên chế của các đơn vị gồm người thiểu số gốc Á, trong đó có người Buryat.

Cũng tại cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, đại sứ Mỹ Robert Wood cảnh cáo nếu lính Bắc Triều Tiên thâm nhập vào lãnh thổ Ukraina, « chắc chắn họ sẽ trở về trong túi đựng xác ». Ông cũng « khuyên chủ tịch Kim Jong Un nên suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện hành vi liều lĩnh và nguy hiểm như vậy ».

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassili Nebenzia xem những cáo buộc nói trên của phương Tây là « những lời dối trá hổ thẹn », đồng thời đổ cho Mỹ và Anh đã đạt đến đỉnh cao « bóp méo thông tin ». Ông khẳng định hợp tác về quân sự và những lĩnh vực khác giữa Nga và Bắc Triều Tiên hoàn toàn « phù hợp với luật pháp quốc tế » và « không đe dọa bất kỳ ai ».

Về phần Bắc Triều Tiên, đại sứ Kim Song tỏ ra cứng rắn hơn, khẳng định Bình Nhưỡng sẵn sàng hành động nếu « chủ quyền và lợi ích an ninh » của Nga bị đe dọa. Một trong những dấu hiệu cho thấy thiện chí của Bình Nhưỡng với Matxcơva là nhà lãnh đạo Kim Jong Un cử tướng ba sao Kim Yong Bok, chỉ huy lực lượng đặc công, sang Nga. Theo nhật báo Pháp La Croix, ông là cố vấn quân sự thân cận nhất của Kim Jong Un và là một người trung thành lâu năm với gia tộc họ Kim.

Bài Liên Quan

Leave a Comment