Sau 10 ngày làm việc, Hội nghị của Liên Hiệp Quốc lần thứ 16 về Đa dạng sinh học (COP16) tại Cali, Colombia, bế mạc vào hôm nay 01/11/2024, trong bối cảnh các cuộc thương lượng về tài chính giữa các nước phát triển và đang phát triển, còn được gọi là các quốc gia bắc và nam bán cầu vẫn bế tắc. Vấn đề tài chính vốn dĩ là một rào cản lớn để nhân loại duy trì cam kết ngừng tàn phá thiên nhiên.
Đăng ngày: 01/11/2024
AFP nhắc lại, Hội nghị của Liên Hiệp Quốc lần thứ 16 về Đa dạng sinh học (COP16) có nhiệm vụ thúc đẩy những nỗ lực, bị xem là còn rụt rè, của thế giới nhằm thực hiện lộ trình được thông qua cách nay 2 năm ngăn chặn sự phá hoại môi trường sống bởi các hoạt động của con người.
Thỏa thuận Côn Minh-Montreal đặt ra 23 mục tiêu cần đạt được vào năm 2030 để giải quyết cuộc khủng hoảng tự nhiên, do nạn phá rừng, khai thác quá mức, tình trạng biến đổi khí hậu… Thỏa thuận có kế hoạch là đến năm 2030 tăng chi tiêu toàn cầu hàng năm cho thiên nhiên lên thành 200 tỷ đô la. Trong số đó, tính đến thời điểm này, các nước phát triển đã cam kết tăng viện trợ hàng năm lên 30 tỷ đô la (so với khoảng 15 tỷ đô la vào năm 2022, theo OECD).
Thế nhưng, cách thức huy động tài chính và phân phối tiền cho các nước là điểm bế tắc tại Thượng đỉnh đa dạng sinh học COP 16. Theo tổng kết của AFP, vẫn chưa có quyết định quan trọng nào được thông qua, bởi vì theo bà Susana Muhamad, bộ trưởng Môi trường Colombia và là chủ tịch COP16, « đây là cuộc thương lượng rất phức tạp, với nhiều lợi ích và của nhiều bên, và điều có nghĩa là tất cả đều phải từ bỏ một điều gì đó ».
Phiên họp toàn thể cuối cùng của COP16 dự kiến diễn ra vào tối nay, giờ địa phương. Theo thông tin mới nhất, với 65 phiếu thuận so với 58 phiếu chống của các thành viên, thượng đỉnh lần tới của Liên Hiệp Quốc về Đa dạng sinh học sẽ được tổ chức tại Armenia vào năm 2026.