‘Việt Nam xây hai đường băng mới trên quần đảo Trường Sa’

Pearson Reef (Đảo Phan Vinh)
Chụp lại hình ảnh,Phần phía tây của đảo Phan Vinh (Pearson Reef) đã được mở rộng nhanh chóng trong những tháng gần đây, theo AMTI

1 tháng 11 2024

Ngoài sân bay tại đảo Trường Sa Lớn, Việt Nam có vẻ đang xây dựng thêm hai đường băng nữa trên các thực thể được bồi đắp mở rộng trong thời gian qua.

Một báo cáo do Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố vào ngày thứ Tư 30/10 cho biết phần phía tây của đảo Phan Vinh (Pearson Reef), vốn trước đây chỉ có một cấu trúc hình chữ Y nhỏ bằng bê tông, đã được mở rộng rất nhiều trong những tháng gần đây, đạt chiều dài gần 2.500 mét.

AMTI cho rằng sẽ “không ngạc nhiên” nếu sắp tới xuất hiện một đường băng trên đảo Phan Vinh. Nếu có, đây sẽ là đường băng thứ ba của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Trước đó, Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) được cho là nơi Việt Nam đang xây một đường băng mới. Đây cũng là thực thể mà Việt Nam đã bồi đắp ồ ạt trong thời gian qua.

Một báo cáo của AMTI vào ngày 17/10 cho biết chỉ trong năm 2024, Việt Nam đã bồi đắp Bãi Thuyền Chài từ 96,31 hécta lên 166,73 hécta, bằng 75% diện tích công quốc Monaco.

Thông tin về đường băng trên Bãi Thuyền Chài được trang Radio Free Asia đưa vào ngày 25/10. Theo đó, đường băng tại đây có chiều dài khoảng gần 2.500 mét, gấp đôi chiều dài đường băng đã có từ lâu trên đảo Trường Sa Lớn (Spratly Island). Với chiều dài này, đường băng trên Bãi Thuyền Chài có thể cho phép hầu hết các loại máy bay cất và hạ cánh ở độ cao ngang mực nước biển.

AMTI cũng lưu ý rằng chiều dài gần 2.500 mét này có thể còn được nâng lên nữa, vì phần diện tích nhân tạo trên bãi Thuyền Chài hiện đã hơn 4.300 mét.

AMTI nhận định rằng đường băng này có thể giúp Việt Nam có thêm lựa chọn trong việc triển khai máy bay chiến đấu tới quần đảo Trường Sa.

Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy mỏm đá ngầm Đá Lát (Ladd Reef) đã được bồi đắp mở rộng trong những tháng gần đây, nâng chiều dài lên gần 2.500 mét.

Tuy nhiên, không giống đảo Phan Vinh, các cấu trúc hiện hữu ở phần trung tâm ở Đá Lát dường như không cho phép làm một đường băng liên tục chạy dọc theo chiều dài thực thể này. Nhưng xét quy mô và hình dạng của vùng đất đang được bồi đắp, AMTI cho rằng cần tiếp tục theo dõi.

Những ‘cấu trúc quân sự’ khác

Đảo Nam Yết vào ngày 22/8/2024
Chụp lại hình ảnh,Ảnh chụp đảo Nam Yết từ vệ tinh vào ngày 22/8/2024

Báo cáo của AMTI còn cho biết có dấu hiệu xuất hiện các cấu trúc quân sự trên một số thực thể tại quần đảo Trường Sa.

Các cấu trúc vành đai đắp cao bao bọc sáu khu vực được bảo vệ có thể thấy qua hình ảnh vệ tinh chụp Bãi Thuyền Chài, đảo Trường Sa Đông, đá Tiên Nữ, đảo Nam Yết, Đá Nam và Đá Lát.

Theo AMTI, các hệ thống tên lửa hoặc pháo chống hạm có thể được đặt tại những cấu trúc đó.

Việc bồi đắp mở rộng cũng được thực hiện tại đá Tiên Nữ, Đá Nam và đá Tốc Tan. Trong đó, đá Tiên Nữ có tiềm năng để mở một đường băng dài 3.000 mét.

“Ba năm kể từ khi bắt đầu, Việt Nam vẫn làm giới quan sát ngạc nhiên với quy mô bồi đắp chưa từng có tại quần đảo Trường Sa. Tốc độ trong vòng năm tháng qua đã cho thấy Hà Nội quyết tâm trong việc tối đa hóa tiềm năng chiến lược đối với các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát,” báo cáo của AMTI viết.

Tuy nhiên, cũng theo tổ chức này, do việc nạo vét, bồi đắp ở các rạn san hô mới vẫn tiếp tục được triển khai, cộng với hoạt động bồi đắp ở các điểm đảo hiện tại, vẫn khó để biết được khi nào việc mở rộng đảo sẽ kết thúc và Việt Nam sẽ trang bị thêm những năng lực nào nữa.

Hồi tháng 6, AMTI nhận định năm 2024 là năm bồi đắp đảo kỷ lục của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Khi đó, AMTI cho rằng Bãi Thuyền Chài vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam:

“Thực thể hiện có chiều dài 4.318 mét và trở thành tiền đồn duy nhất của Việt Nam cho đến nay có tiềm năng có một đường băng dài 3.000 mét giống như Trung Quốc đã có tại đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi.”

“Hiện đường băng duy nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa dài 1.300 mét, nằm trên đảo Trường Sa (thường gọi là Trường Sa Lớn). Dù kích thước đường băng này đủ cho hầu hết các máy bay quân sự của Việt Nam, nhưng để phục vụ mục đích vận chuyển quân sự quy mô lớn, hoặc cho máy bay do thám, máy bay ném bom cất và hạ cánh thì phải có đường băng dài 3.000 mét.”

Bãi Thuyền Chài là thực thể lớn thứ tư tại quần đảo Trường Sa.

Âm ỉ mâu thuẫn

Ảnh chụp đảo Pearson Reef (Đảo Phan Vinh) từ vệ tinh vào ngày 8/9/2024
Chụp lại hình ảnh,Ảnh chụp đảo đảo Phan Vinh từ vệ tinh vào ngày 8/9/2024

Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Nam Hải (SCSPI), một tổ chức nghiên cứu Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nêu nhận định trên mạng xã hội X vào ngày 26/10:

“Việc thi công đường băng trên Bãi Thuyền Chài đang tiến triển cực kỳ nhanh, làm được 600m trong ba ngày từ 8 đến 11/10, so với các hình ảnh vệ tinh mà chúng tôi công bố vào ngày 8/10.”

Vào ngày 24/10, SCSPI nhận định Việt Nam đang tăng tốc bồi đắp các thực thể tại quần đảo Trường Sa.

“Trong 5 tháng qua, gần 2,23 km2 đã được bồi đắp trên 7 thực thể. Cho đến nay, hơn 7,73 km2 đã được mở rộng trên 11 thực thể, tính từ tháng 10/2021.”

Báo South China Morning Post (SCMP) vào ngày 25/10 dẫn lời ông Hồ Ba, Giám đốc của SCSPI, nói:

“Hà Nội đã liên tục mở rộng các thực thể chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa kể từ những năm 1970… và đã tăng tốc đáng kể cả về tốc độ lẫn quy mô những điều chỉnh kể từ đợt bồi đắp gần nhất bắt đầu vào tháng 10/2021”.

Trong bài viết ngày 15/10 của viện nghiên cứu Chatham House (Anh), chuyên gia Bill Hayton lưu ý rằng Trung Quốc đã không tìm cách can thiệp việc Việt Nam bồi đắp các rạn san hô này. Điều đó tương phản với cách mà Trung Quốc ứng xử với Philippines: liên tục ngăn cản việc tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre.

Theo ông, dù phản đối yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc ít bình luận về việc Việt Nam bồi đắp đảo. Điều này, cùng với những thay đổi trong ban lãnh đạo theo hướng thân Trung Quốc tại Hà Nội, cho thấy phía Trung Quốc cũng không muốn làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

“Ban lãnh đạo mới ở Hà Nội chia sẻ lập trường ý thức hệ với Trung Quốc và Nga nhiều hơn so với phương Tây. Do đó, so với những người tiền nhiệm, họ sẽ không muốn gây xáo trộn mối quan hệ với Bắc Kinh và trước mắt không muốn tạo sóng trên Biển Đông.”

Bài viết trên Chatham House cho rằng mặc dù tham vọng bồi đắp đảo của Hà Nội tại quần đảo Trường Sa vẫn không rõ ràng, thì khu vực này vẫn là trung tâm trong cuộc chiến địa chính trị chiến lược “đang âm ỉ”.

Chụp lại video,Trung Quốc quá bận với Philippines nên bỏ qua Việt Nam?

Bài Liên Quan

Leave a Comment