Khủng hoảng chính trị tại Đức làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu

Khủng hoảng chính trị tại Đức, đầu tàu kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu: Do liên minh cầm quyền tan vỡ, thủ tướng Đức Olaf Scholz là lãnh đạo duy nhất trong Liên Âu vắng mặt tại thượng đỉnh Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu CPE ở Budapest, Hungary. Ông đã phải hủy việc tham dự hội nghị khí hậu ở Baku tuần tới.

Đăng ngày: 08/11/2024

Germany's Chancellor Olaf Scholz arrives for an EU Summit at the Puskas Arena in Budapest, Hungary, Friday, Nov. 8, 2024. (AP Photo/Petr David Josek)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến dự thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tại Budapest, Hungary, ngày 08/11/2024. AP – Petr David Josek

Thanh Hà

Liên Hiệp Châu Âu hy vọng khủng hoảng ở Berlin nhanh chóng khép lại để nước Đức tiếp tục hiện diện trên trường quốc tế, trong bối cảnh Bruxelles cần những đối tác nặng ký như Berlin để đối mặt với những thách thức về kinh tế, an ninh và địa chính trị.

Thông tín viên RFI từ Berlin, Pascal Thibaut giải thích :

« Một sự giải thoát cho châu Âu ». Nhật báo Süddeutsche Zeitung sáng nay đã bình luận như trên, phản ánh bầu không khí đang bao phủ lên nước Đức và nhiều nước láng giềng. Thà rút ngắn giai đoạn thoi thóp của liên minh cầm quyền tại Berlin, để nước Đức nhanh chóng trở lại là thành viên có trọng lượng và vững mạnh của Liên Âu.

Những tranh cãi trong chính quyền mãn nhiệm của Đức khiến Berlin thường xuyên vắng mặt ở Bruxelles. Đảng Tự do (trong liên mình cầm quyền) vẫn thường viện cớ « lá phiếu của cử tri Đức » (để tránh né trách nhiệm). Olaf Scholz không là một chính khách có tầm cỡ trên sân khấu chính trị châu Âu. Ông tỏ ra mờ nhạt trong các cuộc hội nghị, khiến và các đối tác của Đức tiếc nuối thời kỳ Angela Merkel, cựu thủ tướng Đức là một nhà vô địch về tìm kiếm đồng thuận.

Thất bại gần đây của Berlin trên vấn đề áp thuế ô tô điện Trung Quốc cho thấy Đức đang mất dần ảnh hưởng. Thủ tướng Scholz của đảng Xã Hội Dân Chủ cũng không đồng nhịp với đa số lãnh đạo châu Âu có đường lối thiên hữu hơn. Việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ bắt buộc Liên Âu phải tự định đoạt vận mệnh của mình hơn so với trước đây. Thủ tướng Olaf Scholz liệu có muốn và có khả năng đóng vai trò đầu tàu trong Liên Âu không ? Hay là trước những yêu cầu càng lúc càng dồn dập đó, nước Đức sẽ phải chọn một lãnh đạo khác để đáp ứng mong đợi của các nước chung quanh ? Câu trả lời sẽ được đưa ra trễ nhất là sau bầu cử vào tháng 3 năm tới ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment