Họp thượng đỉnh tại Budapest, Hungary hôm nay, 08/11/2024, Liên Hiệp Châu Âu triển khai một kế hoạch cải cách dài hạn sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ với chính sách « Nước Mỹ trước hết ». Kế hoạch dựa trên « Báo cáo Draghi », cựu thủ tướng Ý, dài 400 trang, được cho là trọng tâm nhiệm kỳ thứ hai của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhằm cố gắng đưa nền kinh tế châu Âu thoát khỏi suy thoái.
Đăng ngày: 08/11/2024
Tất cả các nhà lãnh đạo đều nhận định nền kinh tế châu Âu bị trì trệ so với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, họ bị chia rẽ về chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc phái viên RFI Carlotta Morteo tại Budapest cho biết thêm :
« Chuyển đổi năng lượng, quốc phòng, công nghệ tương lai… Ông Mario Draghi đã liệt kê 170 đề xuất và thẩm định nhu cầu đầu tư vào đổi mới công nghệ lên đến 800 tỉ euro mỗi năm. Để tài trợ cho cú sốc lớn này, ông đề xuất xây dựng một liên minh các thị trường vốn, để định hướng sử dụng tiền tiết kiệm châu Âu. Đây là ví dụ về một dự án đã bị cản trở từ 15 năm qua do các nước châu Âu không thể đạt được thỏa thuận.
Với tầm nhìn theo kiểu liên bang, ông Draghi đề nghị nên thực hiện các khoản vay chung mới của châu Âu, dựa trên mô hình kế hoạch tài trợ cho tái thiết hậu Covid. Đề xuất này được Pháp và Ý, hai nước bị thâm hụt quá mức, ủng hộ, nhưng lại bị các quốc gia tiết kiệm như Đức, Thụy Điển, Hà Lan phản đối.
Một chủ đề gây bất đồng khác là thúc đẩy việc hình thành những nhà vô địch châu Âu trong các lĩnh vực then chốt (năng lượng, viễn thông hoặc ngân hàng). Nói cách khác, thay vì cạnh tranh giữa các nước trong Liên Âu, nên xây dựng một chính sách công nghiệp chung để giảm chi phí sản xuất. Đây có lẽ sẽ là một thay đổi về cách hoạt động cho các nước châu Âu. Lần đầu tiên, những nước này sẽ thảo luận về những công cụ được ông Mario Draghi gợi ý. Ông sẽ cùng với bà Christine Lagarde, đương kim chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, dự thượng đỉnh không chính thức của nhóm 27 nước ».