“Do Thái và Bài Học Sinh Tồn” – by Trần Văn Giang.

Thứ Năm, 31 Tháng Mười 20241:23 CH



Sau 2.000 năm nước mất nhà tan, người người ly tán ăn nhờ ở đậu các xứ trên thế giới và thường trực bị sống trong thảm nhục diệt chủng, động lực nào đã thúc đẩy người Do Thái – với trăm ngàn dị biệt giữa họ – không những giành lại được quê cha đất tổ mà còn biến vùng đất khô cằn sỏi đá cũng như sa mạc hoang sơ từ ngàn xưa thành một bờ cõi trù phú tân tiến, hồi sinh và thống nhất một ngôn ngữ già như trái đất là cổ ngữ Hebrew thành quốc ngữ?

1/ Dân tộc Do Thái

Thủy tổ người Do Thái và ý thức Do Thái Giáo là Abraham, dân tộc Hebrew, thuộc giòng Semite. Abraham gốc người xứ Chaldee (Iraq ngày nay), theo thân phụ di cư qua đất Canaan. Ông tự nhận được Thượng Đế khải thị cho chọn đất nầy (The Promised Land – Đất  Hứa) làm nơi định cư lập nghiệp. Tuy nhiên, dân tộc Do Thái chỉ thực sự được gầy dựng kể từ đời thứ tư nhờ một trong 12 người chắt trai của Abraham là Joseph. Bấy giờ, Joseph làm thượng thư trong triều đình Ai Cập nên toàn thể độ 70 người trong tộc Abraham đều theo Joseph qua Ai Cập sinh sống.

Vào năm 1585 trước CN, một vị Pharaon (vua Ai Cập) khác lên ngôi, không thích người Do Thái, nghi kỵ và bạc đãi bắt cả nhóm của Joseph làm nô dịch. Ý thức thành lập một quốc gia Do Thái phát sinh từ đó.

Gông cùm nô dịch kể trên kéo dài 317 năm mới được Mose giải phóng. Mose là một thân vương của Ai Cập, nhưng đứng trước tình trạng của đồng bào ông, ông cương quyết từ bỏ địa vị cao sang cá nhân, bênh vực và bảo vệ họ.

Vào năm 1266 TCN, Mose đưa đồng bào đau khổ của ông di cư về Đất Hứa. Tới núi Sinai, họ sống vất vưởng cực khổ 40 năm. Truyền rằng chính nơi đây, được khải thị bởi Thượng Đế, Mose đã cụ thể hoá ý thức tôn giáo nhất thần của Abraham thành Do Thái Giáo, có cơ sở hẳn hòi: Thờ Jahve, một thượng đế toàn năng, toàn trí, chí nhân, chí công và là người tạo ra trời đất cùng muôn loài.

Thánh Kinh Do Thái (gọi là “the Tanakh” – Torah là 5 cuốn đầu tiên của Thánh kinh Do Thái) di lưu rằng vì thủy tổ loài người, ông Adam và bà Eva, phạm tội ăn trái cấm nên hậu duệ của ông bà phải chịu khổ, song một ngày kia một Đấng Cứu Thế trong tộc Do Thái sẽ ra đời và Ngài sẽ là người hoà giải Jahve (God) với nhân loại.

Người trong đạo Do Thái tin có linh hồn và linh hồn bất diệt khi thể xác tan rã. Tín đồ Do Thái giáo phải tin theo “10 Đìều Răn” như sau:

Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.
Thư hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật.
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.
Thứ năm: Chớ giết người.
Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.
Thứ bảy: Chớ lấy của người.
Thứ tám: Chớ làm chứng dối.
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người.
Thứ mười: Chớ tham của người.

Ngày thứ bảy trong mỗi tuần là ngày Sabbat, tức là ngày thiêng liêng, mọi công việc đều phải đình lại.

Nến văn minh và sự thống nhất của dân tộc Do Thái bắt đầu từ đời Mose nhưng nhờ Joshua, đời kế tiếp, chiếm được một phần xứ Canaan (Đất Hứa), con cháu Israel mới về đó định cư chính thức. Sau, David chiếm trọn đất Canaan, dựng đô ở Jerusalem, lập một ngôi đền đẹp đẽ cũng lấy tên là Jerusalem (có nghĩa là Đền “Bình An” – Temple of Peace). Và đến đời con của David là Salomon, quốc gia Do Thái mới toàn thịnh.

Năm 930 TCN, Salomon băng hà, Israel bị chia làm hai tiểu quốc: Israel ở phía bắc và Judah ở phía nam. Nam Bắc tương tàn, rốt cuộc Israel bị Assyria chiếm mất, còn Judah lọt vào tay Babylon.

Tới khi Ba Tư (Iran) sang chiếm Babylon (năm 538 TCN), vua Ba Tư cho phép người Do Thái trở lại “Đất Hứa” của họ để xây cất lại đền Jerusalem, tạm sống yên ổn trong hai thế kỷ.  Cũng nên biết, có một số người Do Thái lưu vong chọn ở lại tại chỗ họ đã tạm định cư chứ không trổ về “Đất Hứa,” thành ra dân Do Thái sống rải rác khắp nơi trong vùng Trung Đông.

Rồi tới năm 63 TCN, La Mã chiếm xứ Judah, tàn phá và đổi tên Jerusalem thành Aelia Capitolina, và đổi Israel thành Palestine. Dân tộc Do Thái mất quốc gia và nếm mùi lưu vong nhục nhằn và hiểm họa diệt chủng trường kỳ khủng khiếp từ thời đó cho tới mãi năm 1948 Tây lịch.

2/ Bước đường lưu vong

Mới đầu họ tản mác qua Tiểu Á rồi qua Âu Châu, Bắc Phi, Ethiopia; chỉ còn một nhóm nhỏ ở lại trong xứ sống chung với người Ả Rập. Đi tới đâu, thổ dân cũng nhận ra họ, một là vì tôn giáo, hai là vì nét mặt (nhất là sống mũi to và khoằm, đặc thù của họ), ba là sự đoàn kết, sự thông minh, sự tiến đạt thịnh vượng đôi khi hơi quá lộ liễu của họ, dù rằng đi tới đâu họ cũng đều nhập tịch xứ đó và cũng hy sinh tính mạng những khi hữu sự y như người bản xứ.

Xin lược kể ra đây một vài trường hợp điển hình khinh ghét oái oăm mà người Do Thái phải hứng chịu tại các nước đạo Hồi:

– Tại Ba Tư (Iran) vào Thế kỷ 19 Tây lịch, người Do Thái chẳng khác gì hạng tiện dân bên Ấn Độ, vì đối với người bản xứ, hễ người Do Thái đụng tới một vật gì thì vật đó hoá ra nhớp nhúa bẩn thỉu. Do đó người Do Thái bị cấm tuyệt đối không được làm các nghề như mở quán tạp hoá, nhà hàng… Lúc trời mưa, họ không được ra khỏi khu vực dành riêng cho họ (có tên là “Mellah”) tương tự như các “ghetto” ở Âu Châu. Đặc biệt người Do Thái không có quyền làm chứng và tuyên thệ ở toà án. Sinh mạng của một người Do Thái đáng giá không quá 140 Kraus (tiền Ba Tư) thời bấy giờ (?).

– Tại Morocco, người Do Thái không được luật pháp công nhận quyền công dân dù họ đã vào quốc tịch. Lẽ sống chết của họ tùy thuộc vào nhà vua. Vua Maroc muốn bắt họ làm nô lệ thì họ phải tuân theo vì không biết dựa vào đâu mà kêu ca ngoài lời nguyện cầu Jahve che chở.

– Tại Yemen trước 1948, người Do Thái không được phép lớn tiếng trước mặt người Hồi giáo, không được bán cùng món hàng với người Hồi. Ngoài ra, ngày thờ Muhammad, giáo chủ Hồi giáo, người ta cấm họ mặc các thứ vải có màu nhạt, mang khí giới. Trẻ con Do Thái mồ côi phải giao cho nhà cầm quyền để nhà cầm quyền cho chúng theo Hồi giáo.

Thân phận người Do Thái ở Âu Châu xét ra còn bi đát hơn nhiều so với thân phận người Do Thái ở Trung Đông. Suốt gần mười thế kỷ, không nơi nầy thì nơi khác, lúc nào cũng có những người Do Thái bị nhục cảnh “ghetto,” hỏa hình lò thiêu, dìm nước… Người Do Thái bị buộc gắn hình bánh xe nhỏ hoặc hình ngôi sao David sáu cánh trên áo như tội phạm; bị trút lên đầu lên cổ tất cả mọi tội lỗi mà họ không hề gây nên. Nhưng lúc họ được yên thân nhất cũng không khác thân phận nô lệ là bao vì người ta cấm họ có bất động sản, thành thử muốn theo nghề nông, họ chỉ có thể làm nông nô hay tá điền là cùng. Muốn khá giả, họ chỉ còn nghề đổi tiền và cho vay lãi (Ngân Hàng là sáng kiến của người Do Thái!).

Sự học hành của người Do Thái ở các nơi nầy cũng bị hạn chế. Chẳng hạn ở Nga, chính phủ không ra mặt cấm hẳn sự học của họ nhưng lại áp chế một chính sách xảo quyệt là cho các trường trung học chỉ được thu nhận một số học sinh Do Thái khoảng 10% tổng số học sinh theo Thiên Chúa giáo, trong khi ở châu thành nào có dân Do Thái thì nhân số Do Thái cũng chiếm ít nhất 30% tổng số dân cư ngụ vì người Do Thái bị bắt buộc phải sống chung gần như trong các “ghetto” của Đức, của Ba Lan.

Tình cảnh của họ bất công đến nỗi một người theo Thiên Chúa giáo đã phải thốt ra câu nầy: “Nếu chỉ cần ghét tụi Do Thái cũng đủ là người Thiên Chúa giáo ngoan đạo thì hết thẩy chúng ta đều là những người Thiên Chúa giáo ngoan đạo (?)

Cuộc tàn sát Do Thái vì kỳ thị Thiên Chúa giáo thực sự bắt đầu từ Thế kỷ 11 trong cuộc viễn chinh của Thập Tự Quân kéo dài đến đầu thế chiến thứ hai thì chuyển hướng qua kỳ thị chủng tộc bởi Hitler và Đức Quốc Xã.

3/ Bài học về khả năng sinh tồn của dân Do Thái

Sự sinh tồn của dân Do Thái qua lịch sử, dưới những kỳ thị, bạc đãi dài hàng thế kỷ lưu vong, là vì họ luôn luôn giữ được niềm tin tôn giáo (Do Thái giáo), tinh thần cộng đồng, khả năng thích ứng với các văn hóa dị biệt, luôn luôn đặt nặng vấn đề giáo dục và kiến thức và nhất là họ có sẵn và luôn duy trì tinh thần gia đình chặt chẽ với một nền văn hóa và sự thông minh phi thường độc đáo (khoảng 22% số người đoạt giải Nobel có gốc Do Thái –  đoạt 204 trong số 900 giải được phát ra từ đầu Thế kỷ 20 đến nay  – trong khi họ chỉ chiếm độ 0.20% dân số thế giới ?!) mặc dù sống rải rác trên nhiều vùng có địa lý, khí hậu và văn hóa hoàn toàn khác họ.   Khả năng tồn tại kỳ lạ này của ngưởi Do Thái phải được xem như là một “phép lạ” nếu xét trên những khó khăn mà họ đã đương đầu qua lịch sử nhân loại.

Về các thời điểm quan trọng có các biến cố đáng ghi đi theo sự sinh tồn của dân Do Thái thì chúng ta thấy:

a. Cuộc lưu vong trên đất Babylon

(Sau lần phá hủy ngôi “Đền Thứ Nhất” của Do Thái)

Năm 586 TCN, khi ngôi “Đền Thứ Nhất” của Do Thái, còn có tên là đền Solomon, do vua Vua David khởi sự dựng và hoàn tất bởi vua Salomon vào khoảng năm 990 TCN, bị vua Babylon là Nebuchadnezzar II phá hủy; Kết quả dân Do Thái bị trục xuất khỏi Jerusalem, đày qua sống lưu vong trên đất Babylon (bây giờ là Al-Ḥillah, Iraq)  một thờ gian dài vài thế kỷ; sau đó họ trở về Jerusalem năm 538 TCN để xây dựng ngôi “Đền Thứ Hai” tại Jerusalem – Cũng có truyền thuyết là ngôi “Đền Thứ Nhất” của Do Thái bị thượng đế Jahve phá hủy vì tội phạn của các cao tăng Do Thái báy giờ (?)

b. Chiến tranh La Mã – Do Thái

(Sau lần phá hủy ngôi “Đền Thứ Hai” của Do Thái)

Năm 70 sau CN, sau khi Đại đế Titus của La Mã đánh tan quân quân Do Thái ở Jerusalem, phá hủy ngôi “Đền Thứ Hai” của Do Thái tại đây, chấm dứt cuộc chiến La Mã – Do Thái.  Dân Do Thái bị mất nước, bị phân tán sống rải rác trên lãnh thổ trải dài cai trị bởi đế quốc La mã; rồi tiếp tục lưu lạc tìm sống ở khắp các nước trên thế giới; cho đến khi đế  quốc Anh đem họ trở về đất Palestine khoảng năm 1948,,,

c. Holocaust

Từ năm 1939 đến 1945, Đức Quốc Xã thành lập các trại tập trung trong chương trình “Final Solution” để giết gần 6 triệu dân Do Thái (có gồm cả một số người Đức tàn tật, mất trí, dối lập chính trị và Gypsies…).  Các sử gia gọi sự giết dân Do Thái hàng loạt này là “Holocaust” (theo tiếng Hy Lạp: “Holos” là “Whole”; và “Kaustos” là “Burned”).  Chữ “Holocaust” trước đây được dùng trong cổ sử để chỉ việc “đốt người tế thần” của các tôn giáo bán khai…

Mặc dù đối diện với những thử thách đầy máu mà nước mắt (the horrific atrocities), họa diệt vong dài 2000 năm như vậy, người Do Thái vẫn tồn tại và trở thành một quốc gia văn minh, hùng cường.

Vài lới thô thiển để cùng nhau suy gẫm.

Trần Văn Giang (ghi lại)

Bài Liên Quan

Leave a Comment