Hôm nay, 09/11/2024, Đức kỷ niệm 35 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ trong bầu không khí u ám do cuộc khủng hoảng chính trị. Các lễ hội sẽ diễn ra cuối tuần này cùng với đó, Đức đã dựng lên một công trình ngoài trời trải dài 4 km dọc theo tuyến đường cũ của Bức tường Berlin với bản sao của các biển hiệu từ các cuộc biểu tình năm 1989 cũng như hàng nghìn biển hiệu khác do người dân ngày nay tạo ra với chủ đề “tự do”.
Đăng ngày: 09/11/2024
Bộ trưởng Văn Hóa Claudia Roth ca ngợi rằng tối ngày 09/11/1989 khi mà bức tường sụp đổ là “một trong những khoảnh khắc vui tươi nhất trong lịch sử thế giới“. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cùng suy nghĩ này. 35 năm sau sự kiện lịch sử, những khác biệt vẫn tồn tại giữa hai miền đất nước.
Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibault cho biết cụ thể :
Cuốn sách “Phương Đông – Một phát minh của Tây Đức” của tác giả Dirk Oschmann ra mắt năm 2023 đã bán chạy như tôm tươi. Vị giáo sư ở Leipzig chỉ trích quá trình tái thống nhất, ở đó, các quy tắc đều do phương Tây đặt ra, cùng với đó là việc người dân Đông Đức phải chịu sự đối xử bất công, chẳng hạn như bị trả lương thấp hơn, còn các phương tiện truyền thông thì loan tải các hình ảnh tiêu cực về vùng phía đông này. Hầu hết những gì tinh hoa như các trường đại học, cơ quan tư pháp và báo chí, vẫn chủ yếu do người Tây Đức chi phối.
Ông Dirk Oschmann cho biết : “Điều này cho thấy rằng hình ảnh của Đông Đức không được thể hiện một cách chính xác, rằng người dân ở đây không có cơ hội để định hình một cách thích hợp xã hội mà họ đang sống. Và khi họ không cảm thấy mình được thể hiện đúng, họ sẽ dần xa lánh xã hội và những giá trị của nó.”
Ngược lại, nhà sử học nổi tiếng về Cộng Hòa Dân Chủ Đức (DDR), Ilko-Sascha Kowalczuk, vừa ra mắt cuốn sách mang tên “Cú sốc của tự do”, trong đó ông lên án những bài diễn văn lý tưởng hóa của Cộng Hòa Dân Chủ Đức cộng sản và sự tồn tại của những thể chế mang tính độc tài ở phương Đông.
Ông nói : “Việc thống nhất nước Đức là một thành công lớn. Những lời than phiền không hề có cơ sở. Đây là một trong những khu vực giàu có nhất ở châu Âu. Cả châu Âu đều biết điều này, ngoại trừ người Đông Đức.”
35 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các cuộc tranh cãi giữa người Đức vẫn còn tiếp tục kéo dài.