Truyền thông Mỹ ngày 11/11/2024 loan tin rằng Donald Trump dường như có cuộc trao đổi đầu tiên với nguyên thủ Nga về Ukraina sau thắng lợi bầu cử ngày 05/11. Matxcơva đã bác bỏ thông tin này. Nhưng ông Trump không che giấu thái độ ngưỡng mộ đối với chủ nhân điện Kremlin cũng như tham vọng chấm dứt « nhanh chóng » chiến tranh Ukraina trong vòng 24 giờ làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ « thông đồng » với Putin để có những thỏa hiệp bất lợi cho Kiev.
Đăng ngày: 12/11/2024
Theo bài viết của Washington Post, được Le Figaro dẫn lại, trong cuộc trao đổi này, tổng thống đắc cử Donald Trump dường như đã yêu cầu Vladimir Putin tránh leo thang xung đột tại Ukraina, và rất có thể đã lưu ý rằng Washington bố trí đông đảo lực lượng tại châu Âu.
Tuy nhiên, điện Kremlin đã bác bỏ thông tin, đồng thời cho rằng điều này « tuyệt đối không phù hợp với thực tế » và « đơn thuần là một sự bịa đặt ». Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov còn nói thêm là chưa có « các kế hoạch cụ thể nào » cho một cuộc đàm phán như vậy.
Vậy Trump và Putin có nói chuyện với nhau hay không ? Hiện không ai biết. Lệnh đưa ra từ nhóm cố vấn của Donald Trump là « không bình luận bất kỳ cuộc trao đổi nào giữa ông Trump với lãnh đạo các nước khác ». Trong khi đó, các bên tham chiến thì gia tăng cường độ giao tranh, tấn công lẫn nhau bằng drone hay tên lửa.
Trong cuộc vận động tranh cử, Donald Trump từng tuyên bố là sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh Ukraina trong vòng 24 giờ. Nhưng tổng thống Nga chưa bao giờ « công khai các quân bài » của mình để giải thích như thế nào là « một thắng lợi » ngoài những điệp khúc quen thuộc « phi quân sự hóa » và « phi phát xít hóa » Ukraina.
Nói một cách rõ ràng là Nga muốn Ukraina phải đầu hàng, sự ra đi của tổng thống Volodymyr Zelensky cũng như là Kiev phải từ bỏ tham vọng xích lại gần NATO và Liên Hiệp Châu Âu.
Đương nhiên, việc Donald Trump thắng cử làm cho giới lãnh đạo Nga hài lòng, vì điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ « ít chi viện cho Ukraina và ít quan tâm đến châu Âu ». Cuộc bầu cử ở Mỹ lần này cho thấy « Nga và “những người Mỹ bình thường” có cùng chung một kẻ thù và phương Tây một lần nữa gặp khó khăn », theo như phân tích từ nhà nghiên cứu Alexander Baunov, Viện Carnegie.
Tuy nhiên, theo bài viết của Le Figaro, điều nghịch lý là dù rằng Trump có đề cập đến vài đường nét chính cho thỏa thuận có thể, bao gồm cả việc Kiev phải nhượng thổ và từ bỏ chủ quyền đối với bán đảo Crimée theo như tường thuật của Washington Post, thì tổng thống Nga Putin hiện tại vẫn chưa muốn tiếp nhận bất kỳ đề xuất cụ thể nào từ phương Tây, hay một giải pháp hòa bình nào.
Với sự hỗ trợ quân sự từ Bắc Triều Tiên, quân đội Nga đang dần lấy lại lợi thế trên chiến trường. Theo ông Alexander Baunov, đề nghị ngừng bắn của Donald Trump không chỉ gây bất lợi cho Ukraina và các đồng minh châu Âu mà còn đặt tổng thống Nga trong một thế khó.
Bởi vì, Vladimir Putin, « không thể tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tiêu hao, chiếm đoạt lấy tất cả những gì ông ấy có thể làm và hủy diệt những gì còn lại, khi ẩn nấp sau cái cớ “thiếu những đề xuất cụ thể từ phương Tây và Ukraina” ».
Trong bối cảnh này, giới lãnh đạo châu Âu lấy làm lo lắng nguy cơ Donald Trump, vì muốn sớm chấm dứt chiến tranh, có thể dùng đến công cụ tài chính để gây sức ép với Ukraina, buộc nước này phải đàm phán với Nga trong những điều kiện bất lợi, gây nguy hiểm cho an ninh châu Âu.
Nỗi lo này càng thêm phần gia tăng khi con trai của ông Trump, trên mạng Instagram, đăng ảnh ông Zelensky ngồi cạnh cha mình, kèm theo đó là lời bình : « Ông chỉ còn có 38 ngày nữa là mất tiền trợ cấp ». Một lời ám chỉ đến hàng tỷ đô la mà Mỹ đã chi ra để giúp Kiev chống quân xâm lược Nga !