2024.11.11
Ông Vương Đình Huệ phát biểu trong một kỳ họp Quốc hội ngày 23 tháng 10 năm 2023
Bộ Công an ngày 9 tháng 11 thông báo khởi tố thêm ba người trong vụ án tập đoàn Thuận An.
Đây là vụ án được cho là đã dẫn đến sự ra đi của ông Vương Đình Huệ hồi tháng 4 năm 2024, khi ông này đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Đảng Cộng sản thông báo ông Huệ đã “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm”, và phải “chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”
Tuy truyền thông nhà nước không xác minh, nhưng dư luận cho rằng ông Huệ bị buộc từ chức vì phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm mà vị thư ký riêng của ông gây ra.
Trong vụ án tập đoàn Thuận An, ông Phạm Thái Hà, vị thư ký lâu năm của ông Vương Đình Huệ, bị khởi tố và bắt giam dưới cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.”
Ông Hà được ghi nhận bắt đầu làm thư ký cho ông Vương Đình Huệ từ khi ông Huệ còn làm Tổng kiểm toán Nhà nước vào năm 2006.
Ông này sau đó đã đi theo cấp trên của mình qua mọi vị trí ở Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thành ủy Hà Nội, và cuối cùng là Quốc hội.
Những người đứng đầu Tập đoàn Thuận An bị cáo buộc tội “Đưa hối lộ” và tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phía công an kết luận, tập đoàn này đã trúng thầu hàng loạt dự án trên quy mô toàn quốc, với tổng giá trị lên tới 23 ngàn tỷ đồng.
Ba người vừa bị khởi tố đều có liên quan đến các dự án xây dựng ở tỉnh Đắk Lắk.
Những người này bao gồm Phạm Văn Hạ, một cựu quan chức tỉnh Đăk Lăk, bị cáo buộc tội “nhận hối lộ”, và hai giám đốc các công ty xây dựng Lê Đình Hải và Hoàng Đình Chương, cùng bị khởi tố về tội “đưa hối lộ.