Bí quyết giúp cơ quan vũ trụ Ấn Độ đạt nhiều thành tựu dù kinh phí eo hẹp

Thứ Năm, 14 Tháng Mười Một 2024

Các chuyên gia trên khắp thế giới hầu hết đều ngạc nhiên về khả năng Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) thực hiên thành công các sứ mệnh Mặt trăng, hệ Mặt Trời và sao Hỏa với chi phí khá khiêm tốn so với các quốc gia như Mỹ, Nga.

Đài BBC (Anh) đưa tin, Ấn Độ đã chi 74 triệu USD cho tàu vũ trụ Mangalyaan khám phá sao Hỏa và gần 75 triệu USD cho tàu đổ bộ Mặt trăng Chandrayaan-3 năm 2023. Trong khi đó, tàu thăm dò sao Hỏa Maven của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) có giá lên tới 582 triệu USD, và tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 của Nga gặp nạn năm ngoái cũng có giá lên tới 133 triệu USD.

Mặc dù Ấn Độ bỏ ra chi phí khá khiêm tốn cho các sứ mệnh khám phá vũ trụ nhưng nhiều nhà khoa học nhận định rằng quốc gia này đã đạt được khả năng vượt xa điều kiện thực tế.

Gần đây, Ấn Độ tuyên bố về một loạt dự án vũ trụ nhiều tham vọng với tổng chi phí vào khoảng 2,7 tỷ USD. Các dự án này bao gồm giai đoạn tiếp theo của sứ mệnh Mặt trăng, đưa tàu thăm dò lên sao Kim, thi công giai đoạn một trạm vũ trụ đầu tiên của Ấn Độ, phát triển tên lửa đẩy hạng nặng có thể tái sử dụng để phóng vệ tinh.

Mô-đun Vikram của tàu vũ trụ Chandrayaan-3
Mô-đun Vikram của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 (ảnh) đã hạ cánh thành công xuống cực Nam của Mặt trăng ngày 23/8/2023. )Ảnh: AFP/TTXVN)

2,7 tỷ USD là khoản ngân sách lớn nhất Ấn Độ dành cho các dự án vũ trụ. Nhưng xét về quy mô cũng như độ phức tạp của các dự án này, chúng lại gây chú ý về hiệu quả kinh tế trong chương trình vũ trụ Ấn Độ.

Chandrayaan-1 đã giúp xác nhận có hiện diện của nước trên Mặt trăng và tàu Mangalyaan đã giúp nghiên cứu về methane trong bầu khí quyển sao Hỏa. Hình ảnh và dữ liệu do Chandrayaan-3 đã khiến nhiều người quan tâm đến vũ trụ trên khắp thế giới quan tâm.

Vậy bí quyết nào khiến Ấn Độ có thể gặt hái nhiều thành tựu với ngành vũ trụ mà không cần phải bỏ ra chi phí khổng lồ?

Tên lửa đẩy mang theo tàu vũ trụ Chandrayaan-3 rời bệ phóng
Tên lửa đẩy mang theo tàu vũ trụ Chandrayaan-3 rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, Ấn Độ ngày 14/7/2023. (AFP/TTXVN).

Cựu nhân viên Isro – ông Sisir Kumar Das chia sẻ rằng việc “tiết kiệm” bắt nguồn từ thập niên 60 của thế kỷ trước, khi các nhà khoa học lần đầu đề xuất chương trình vũ trụ với chính phủ. Ông Sisir Kumar Das kể lại rằng nhà sáng lập Isro là Vikram Sarabhai đã thuyết phục chính phủ rằng vệ tinh có thể giúp phục vụ người dân tốt hơn.

Nhưng chương trình vũ trụ của Ấn Độ luôn phải gắn với ngân sách hạn hẹp. Hình ảnh từ thập niên 60 và 70 cho thấy các nhà khoa học Ấn Độ phải tự chở tên lửa đẩy và vệ tinh trên xe đạp hoặc thậm chí là xe bò kéo.

Vài thập kỷ sau đó với một số sứ mệnh thành công, Isro vẫn phải hoạt động với ngân sách khiêm tốn. Trong năm nay, ngân sách Ấn Độ dành cho chương trình vũ trụ của nước này là 1,55 tỷ USD, trong khi NASA là 25 tỷ USD.

Ông Das lý giải một trong những ký do chính khiến các sứ mệnh của Isro đều chi phí thấp là do thực tế rằng mọi công nghệ của cơ quan này đều là sản phẩm nội địa và máy móc cũng được sản xuất tại Ấn Độ.

Cây bút chuyên về khoa học, Pallava Bagla cho biết, không giống như Isro, các vệ tinh của NASA lại thường được sản xuất bởi các công ty tư nhân và NASA cũng mua bảo hiểm cho các sứ mệnh vũ trụ, điều này góp phần tăng thêm chi phí.

Ngoài ra, không giống như NASA, Ấn Độ không tạo ra các mẫu để thử nghiệm trước khi phóng thực mà thay vào đó chỉ tạo ra một thiết bị để phóng. Điều này khá rủi ro, bởi có nguy cơ gặp thất bại nhưng góp phần giảm chi phí.

Ông Mylswamy Annadurai, lãnh đạo sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên và thứ hai của Irso cho biết, cơ quan này có ít nhân lực và trả lương cũng không cao nhưng nhân viên ở đây rất đam mê công việc của họ.

Nguồn kinh phí eo hẹp cho các dự án còn dẫn đến “cái khó ló cái khôn”, dẫn đến các sáng kiến mới. Ví dụ như Chandrayaan-1 cần mang theo tàu thăm dò va chạm Mặt trăng, tương đương thêm 35kg. Các nhà khoa học Isro có hai lựa chọn, một là sử dụng tên lửa đẩy nặng hơn nhưng tốn chi phí hơn và hai là loại bỏ một số phần cứng để giảm trọng tải. Cuối cùng, họ lựa chọn giải pháp thứ hai.

Tuy ngành vũ trụ Ấn Độ giữ được phong độ hoạt động với chi phí thấp nhưng khi mở rộng quy mô, chi phí có thể gia tăng. Ông Bagla cho biết hiện nay Ấn Độ sử dụng bệ phóng tên lửa nhỏ nhưng điều đó khiến các tàu vũ trụ của nước này mất nhiều thời gian hơn để hạ cánh tại đích đến.

Ông Bagla cũng chia sẻ rằng Ấn Độ đang trong quá trình đẩy mạnh lĩnh vực vũ trụ cho các đơn vị tư nhân, và điều đó khiến chi phí sẽ khó duy trì thấp như hiện nay.

Bài Liên Quan

Leave a Comment