‘Giấc mơ tan tành’: học sinh nước ngoài lo lắng về hạn mức thị thực của Úc

Anannyaa Gupta là một trong số những sinh viên quốc tế hiện tại và tương lai đang hoảng loạn vì kế hoạch cắt giảm số lượng sinh viên nước ngoài của chính phủ Úc.
Chụp lại hình ảnh,Anannyaa Gupta là một trong số những sinh viên quốc tế hiện tại và tương lai đang hoảng loạn vì kế hoạch cắt giảm số lượng sinh viên nước ngoài của chính phủ Úc.

18 tháng 11 2024

Đối với Anannyaa Gupta, việc hoàn thành việc học tại Úc luôn là một “giấc mơ”.

“Hệ thống giáo dục của Úc thuộc diện tốt nhất thế giới,” cô sinh viên 21 tuổi từ thành phố Hyderabad (Ấn Độ) nói.

Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân tại Đại học Monash ở thành phố Melbourne, cô đã ứng tuyển học tiếp bằng thạc sĩ để đủ tiêu chuẩn trở thành một nhân viên ngành công tác xã hội – một ngành mà Úc đang rất cần người trong bối cảnh thiếu lao động.

“Tôi thực sự muốn theo học ở đây, sử dụng kĩ năng của mình để đóng góp cho xã hội,” cô nói.

Nhưng Anannyaa là một trong số những sinh viên quốc tế hiện tại và tương lai đang hoảng loạn vì kế hoạch cắt giảm số lượng sinh viên nước ngoài của chính phủ Úc.

Theo chính phủ Úc, hạn mức mới – sẽ làm giảm đáng kể số lượng học sinh nhập học mới – là biện pháp cần thiết để giúp ngành giáo dục trị giá 32 tỷ USD trở nên bền vững hơn.

Đây là biện pháp gây tranh cãi nhất trong những biện pháp gần đây, bao gồm cả việc áp đặt các yêu cầu trình độ tiếng Anh nghiêm ngặt hơn đối với ứng viên nộp đơn xin thị thực du học và xét duyệt kỹ lưỡng hơn những người muốn tiếp tục việc học tại Úc.

Khoản phí xin thị thực không hoàn lại cũng đã tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, ngành giáo dục và những người ủng hộ của ngành này nói rằng họ đã không được tham vấn đầy đủ.

Họ cho rằng những thay đổi này có thể tàn phá nền kinh tế, gây suy giảm việc làm và làm tổn hại đến danh tiếng của Úc, đồng thời gây ra những tác động tiêu cực tới cả học sinh nội địa lẫn quốc tế.

“[Việc này] gửi đi một thông điệp rằng Úc không còn là một cánh cửa rộng mở nữa,” ông Matthew Brown, Phó Giám đốc điều hành của Group of Eight (Go8), một tổ chức đại diện cho các trường đại học hàng đầu của Úc, đánh giá.

Giáo dục là lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ tư của Úc, chỉ xếp sau những sản phẩm khai khoáng.

Học sinh nước ngoài, những người trung bình phải trả mức học phí gần gấp đôi so với học sinh Úc, giúp nuôi sống một số cơ sở giáo dục, tài trợ cho nghiên cứu, học bổng và học phí của sinh viên nội địa

Ví dụ, tại Đại học Sydney, khoản học phí nói trên chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bầu cử liên bang sẽ diễn ra vào năm sau, chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đang phải đối mặt với việc giảm bớt mức nhập cư kỷ lục, với hi vọng cải thiện khả năng chi trả nhà ở và làm dịu bớt cuộc khủng hoảng chi phí trang trải cho cuộc sống.

Và học sinh quốc tế – tổng cộng 793.335 người vào học kỳ vừa rồi – đã trở thành mục tiêu bị nhắm tới.

Lượng học sinh quốc tế chỉ góp phần nhỏ vào sự gia tăng lượng 
người nhập cư

Chính phủ đã đề xuất giới hạn số lượng học sinh mới nhập học ở mức 270.000 cho năm 2025, nói rằng đây là mức tiền đại dịch.

Theo một chuyên gia giáo dục, do dữ liệu công khai không đầy đủ nên không thể so sánh một cách chính xác với những năm trước.

Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare nói rằng mỗi cơ sở giáo dục sẽ được chỉ định hạn ngạch riêng. Mức cắt giảm lớn nhất sẽ rơi vào các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề.

Đối với bậc đại học, các trường ở thủ phủ các bang sẽ bị cắt giảm nhiều nhất.

Chính phủ nói rằng chính sách mới sẽ hướng sinh viên tới các thị trấn “tỉnh lẻ” và các trường đại học cần thêm sinh viên, thay vì tập trung ở các thành phố lớn đông đúc.

Họ cũng nói rằng những thay đổi này nhằm bảo vệ học sinh tương lai khỏi những trung tâm giáo dục “vô đạo đức”, cáo buộc một số nơi nhận những học sinh không đủ khả năng ngôn ngữ hoặc tiêu chuẩn học thuật và tuyển cả những người có ý định sang Úc làm việc thay vì học tập.

“Giáo dục quốc tế là vô cùng quan trọng, và những cải cách này là nhằm kiến tạo một môi trường tốt và công bằng hơn, đồng thời giúp tạo nên một nền tảng bền vững cho tương lai,” ông Clare nói.

Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare cho biết các mức giới hạn tương đương với mức tiền đại dịch
Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare cho biết các mức giới hạn tương đương với mức trước đại dịch

Ông Abul Rizvi, một cựu quan chức chính phủ từng tham gia định hình chính sách nhập cư có kỹ năng của Úc, cho rằng ngành giáo dục “thiếu ngân sách” của Úc “lâu nay đã chạy theo nguồn thu từ học phí của học sinh quốc tế và hi sinh tính chính trực học thuật trong khi làm vậy”.

Tiến sĩ Matthew Brown nói rằng chính các cơ sở giáo dục cũng đang tự đặt câu hỏi rằng nguồn thu của họ có quá phụ thuộc vào học sinh quốc tế hay không và khắc phục vấn đề này như thế nào.

“Đó là chủ đề thảo luận hiện tại ở mọi trường đại học,” ông nói.

Dù vậy, thông báo về hạn mức tuyển sinh đã hứng chịu phản ứng giận dữ từ ngành giáo dục.

Go8 đã gọi các luật được đề xuất là “nghiệt ngã”, trong khi những tổ chức khác cáo buộc chính phủ “cố tình làm suy yếu” nền kinh tế và sử dụng sinh viên quốc tế như “con tốt thí trong trận chiến dư luận về vấn đề nhập cư”.

Chính phủ chưa khẳng định hạn mức này sẽ được áp dụng trong bao lâu, nhưng Tiến sĩ Brown nói rằng tính toán của Go8 cho thấy mức thiệt hại 1 tỷ đô la Úc (650 triệu USD), chỉ tính riêng trong năm đầu tiên, đối với các trường thành viên của tổ chức.

Cũng theo nghiên cứu này, nền kinh tế Úc có thể chịu thiệt hại lên tới 5,3 tỷ đô la Úc, khiến sụt giảm 20.000 việc làm.

Bộ Tài chính Úc đã gọi các dự báo này là “đáng ngờ”, nhưng chưa công bố bất kỳ mô hình dự báo nào của mình cho các tác động của những thay đổi này.

Tiến sĩ Brown cũng cảnh báo rằng hạn mức này có thể khiến một số trường đại học rút lại thông báo trúng tuyển đã gửi cho sinh viên quốc tế, bóp nghẹt các chương trình nghiên cứu quan trọng và có thể dẫn tới việc tăng học phí đối với một số học sinh Úc.

Đại học Sydney nằm trong số những trường cho rằng mức giới hạn này sẽ buộc trường cắt giảm chi tiêu đáng kể
Chụp lại hình ảnh,Đại học Sydney nằm trong số những trường cho rằng mức giới hạn này sẽ buộc trường cắt giảm chi tiêu đáng kể

Tuy nhiên, một số nhỏ các trường đại học được hưởng lợi từ hạn mức mới đã hoan nghênh thông báo này.

Phó Hiệu trưởng Đại học La Trobe, ông Theo Farrell, cho biết trường ông ủng hộ những “biện pháp minh bạch và tương ứng” nhằm quản lý sự gia tăng số lượng học sinh quốc tế tại Úc.

“Chúng tôi nhận thấy có sự ủng hộ rộng rãi từ chính giới và cộng đồng để giảm lượng nhập cư ròng,” ông nói.

Tuy vậy, Tiến sĩ Brown lập luận rằng mức tổn hại danh tiếng Úc phải gánh chịu sẽ khó định lượng hơn, viện dẫn Canada như một ví dụ.

Năm nay, Canada đã áp dụng hạn mức học sinh quốc tế, nhưng các tổ chức trong ngành cho biết số lượng tuyển sinh thực tế đã giảm sâu hơn nhiều do những học sinh lo lắng đã ưu tiên ứng tuyển ở các quốc gia có sự chắc chắn cao hơn.

“Chúng ta cần một hệ thống giáo dục quốc tế có tốc độ tăng trưởng [học sinh] được quản lý một cách bài bản… Không thể để bộ trưởng tự ý quyết định các hạn mức tuyển sinh dựa trên một công thức nhằm đạt được một mục tiêu chính trị,” ông nói.

Ông Rizvi cho rằng thay vì triển khai các hạn mức đã đề xuất, chính phủ Úc nên xem xét việc áp dụng mức điểm tối thiểu cho bài kiểm tra đầu vào đại học.

“Chúng ta đang tự hại mình… Việc này sẽ không ngăn được các sinh viên kém, nhưng lại khiến những sinh viên giỏi – những người có nhiều lựa chọn – rời đi,” ông viết trên mạng xã hội X.

Trong khi đó, tại quốc hội, Đảng Xanh gọi chính sách này là “phân biệt chủng tộc”. Một nghị sĩ trong chính phủ cũng đã công khai chỉ trích.

“Một hạn mức cứng sẽ gây tổn hại cho nguồn nhân lực và nhân tài, cho quyền lực mềm, cũng như chất lượng học thuật và nghiên cứu của Úc,” Nghị sĩ Julian Hill nói với tờ The Australian.

Nhưng bất chấp chỉ trích, dự luật quy định các hạn mức dự kiến sẽ được thông qua với sự ủng hộ của phe đối lập.

Ông Clare thừa nhận một số cơ sở giáo dục sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn về ngân sách nhưng nói rằng những nhận định cho rằng chính sách này “bằng cách nào đó đang phá hủy mảng giáo dục quốc tế là hoàn toàn sai và sai từ gốc rễ”.

Dẫu vậy, với việc chỉ còn chưa đầy hai tháng là tới thời điểm dự kiến có hiệu lực, những thay đổi này đang gây ra sự lo lắng và hoang mang tột độ cho sinh viên.

Tại Trung Quốc và Ấn Độ – hai thị trường cung cấp sinh viên quốc tế lớn nhất của Úc – sự thay đổi này đang vấp phải phản ứng vô cùng tiêu cực.

“Điều này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho học sinh ở Ấn Độ, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp trung lưu đã dành nhiều năm lên kế hoạch và chuẩn bị cho việc du học. Giấc mơ của họ sẽ tan thành mây khói,” ông Rupinder Singh, một nhà tư vấn nhập cư làm việc ở thành phố Amritsar (Ấn Độ), chia sẻ với BBC.

Vedant Gadhavi nói rằng những thay đổi này đã có tác động xấu đến danh tiếng của Úc
Chụp lại hình ảnh,Vedant Gadhavi nói rằng những thay đổi này đã có tác động xấu đến danh tiếng của Úc

Vedant Gadhavi, một sinh viên ở Đại học Monash, kể rằng một vài người bạn của anh ở quê nhà Gujarat (Ấn Độ), những người đã hy vọng sẽ đến Úc để học thạc sĩ, đã cảm thấy hoảng sợ.

“Họ có vẻ đã thay đổi kế hoạch đôi chút do những sự thay đổi liên tục [của chính sách]… Họ nghĩ rằng sẽ hơi khó khăn để lên kế hoạch cho sự nghiệp và cuộc sống”.

Jenny – một học sinh trung học phổ thông ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) – tâm sự rằng cô muốn tới Úc học vì việc tìm được một môi trường giáo dục chất lượng tốt ở Úc “dễ hơn” so với việc trúng tuyển vào một trường đại học có sự cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc.

“Giờ thì chẳng biết sẽ thế nào,” cô nói với BBC.

Cô nói thêm rằng mình và bạn bè không cân nhắc việc theo học tại một trường đại học xếp hạng thấp ở một thị trấn ngoại ô tại Úc: “Chúng tôi sẽ chẳng tới Úc nữa”.

Bà Rishika Agrawal, chủ tịch Ban Sinh viên Quốc tế ở Đại học Quốc gia Úc, cho biết những luật được đề xuất còn khơi dậy thêm những cảm xúc bất an khác.

“Chắc chắn sẽ có những học sinh khác nghĩ rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự thù địch ngày càng tăng của chính phủ đối với người nhập cư ở Úc.”

Bà nói thêm rằng trong bối cảnh cơ hội việc làm sau tốt nghiệp ngày càng thu hẹp và những đóng góp xã hội của sinh viên quốc tế thường xuyên bị bỏ qua, sự bất bình đang ngày càng tăng.

“Họ trở về nước sau khi đã chi một khoản tiền khổng lồ cho việc học và không thực sự gặt hái được thành quả.”

“Họ chắc chắn sẽ cảm thấy đã bị bòn rút tiền.”

Trong khi cuộc tranh luận vẫn tiếp tục tại Quốc hội Úc, Anannyaa đã có thể an lòng hơn chút.

Không lâu sau khi nói chuyện với BBC, và chỉ vài tuần trước ngày khóa học cô đăng ký bắt đầu, Anannyaa đã nhận được giấy xác nhận nhập học thạc sĩ chính thức cùng với thị thực du học mới mà cô từng lo sợ sẽ không bao giờ nhận được.

Ngược lại, nhiều sinh viên khác vẫn đang chờ đợi trong lo âu.

“Nếu tôi ở trong hoàn cảnh của họ, tôi sẽ cảm thấy rất bất lực và thất vọng. Chính sách này đã khiến Úc mất đi uy tín từng có,” Rishika nói.

Tường thuật bổ sung bởi Fan Wang ở Singapore và Zoya Mateen ở Delhi.

Bài Liên Quan

Leave a Comment