Những người Kitô giáo coi Trump là đấng cứu thế: Đây là lý do

Donald Trump

  • Tác giả,Aleem Maqbool
  • Vai trò,Biên tập viên khu vực

Đứng trên bục phát biểu trong một trung tâm hội nghị ở Florida vào đêm bầu cử, sau lưng là hàng quốc kỳ Mỹ và trước mặt là đám đông cuồng nhiệt, Donald Trump tuyên bố: “Nhiều người đã nói với tôi rằng Chúa trời để cho tôi tiếp tục sống là có lý do, và lý do đó là để cứu lấy đất nước của chúng ta và khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ.”

Đây là một trong những chủ đề nổi bật nhất trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Trump – rằng ông đã được Chúa trời chọn.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi vụ ám sát hụt ngày 13/7 ở thành phố Butler (Pennsylvania) diễn ra, hàng triệu người Mỹ cảm thấy rằng đức tin đã dẫn lối khiến họ ủng hộ cựu tổng thống, và bây giờ là tổng thống tương lai.

Một số người mô tả cuộc bầu cử mang một ánh sáng mặc khải và coi ông Trump như một nhân vật trong Kinh Thánh.

Năm ngoái, trong chương trình truyền hình Kitô giáo FlashPoint, nhà truyền giáo qua truyền hình Hank Kunneman gọi cuộc bầu cử là “trận chiến giữa thiện và ác”, đồng thời nhấn mạnh: “Có một điều ở Tổng thống Trump mà kẻ thù khiếp sợ: đó là việc ông ấy được xức dầu.”

Trong Kitô giáo, được xức dầu tượng trưng cho việc được Chúa trời ban phước.

Ông Trump có bài phát biểu trước đám đông cuồng nhiệt
Chụp lại hình ảnh,Ông Trump có bài phát biểu trước đám đông cuồng nhiệt

Với giọng bông đùa, Jim Caviezel, diễn viên thủ vai Chúa Giê-su trong bộ phim Cuộc Khổ nạn của Chúa (The Passion of the Christ) của Mel Gibson, đã tuyên bố rằng ông Trump là “Moses mới”.

Sau đó, vài tháng trước của buộc cử, nhiều người ủng hộ đã gọi ông Trump là một “đấng cứu thế”.

Câu hỏi là vì sao. Điều gì đã khiến nhiều người coi ông Trump, vốn không được biết đến là có đức tin mạnh mẽ, là người được Chúa trời cử xuống?

Và điều này cho thấy điều gì về Kitô giáo ở Mỹ, nơi số lượng người đi nhà thờ đang sụt giảm nhanh chóng?

‘Tất cả chúng ta đều có tội’

Đức Franklin Graham là một trong những nhà truyền giáo nổi tiếng nhất ở Mỹ và là con trai của Billy Graham, người được coi là nhà thuyết giáo lừng danh nhất của quốc gia này.

Ông là một trong số tín đồ của ông Trump, mang theo mình niềm tin tuyệt đối rằng tổng thống đắc cử đã được Chúa trời chọn để thực hiện sứ mệnh này.

“Viên đạn bay xuyên qua tai chỉ cách não của ông ấy vài milimét và ông ấy quay đầu vào giây cuối cùng ngay khi khẩu súng khai hỏa,” ông nói.

“Tôi tin rằng Chúa trời đã làm cho đầu ông ấy quay và cứu mạng ông ấy.”

Những câu hỏi liên quan đến nhân cách của ông Trump – bao gồm những cáo buộc về hành vi tình dục sai trái và mối quan hệ ông Trump được cho là đã có với ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels – không tác động tới quan điểm của ông Graham.

“Hãy nhớ tới lúc chúa Giê-su nói với đám đông là ‘Hãy để kẻ không có tội ném viên đá đầu tiên’ và dần dần, cả đám đông bắt đầu biến mất? Tất cả chúng ta đều đã phạm tội.”

Ông Franklin Graham đã phát biểu cùng ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024
Chụp lại hình ảnh,Đức Franklin Graham đã phát biểu cùng ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024

Một phần lý do vì sao một số tín đồ Kitô giáo cảm thấy có thể làm ngơ những hoài nghi về nhân cách của Trump là vì ông đã hiện thực hóa lời hứa của mình trong nhiệm kỳ đầu tiên: bổ nhiệm các thẩm phán phản đối phá thai vào Tòa án Tối cao Mỹ.

Ông Graham viện dẫn việc đó như một minh chứng cho thấy tổng thống đắc cử là một người chính trực.

“Đây là một chiến thắng lớn cho tín đồ Kitô giáo,” ông nói.

“Chúng tôi tin rằng tổng thống sẽ bảo vệ quyền tự do tôn giáo mà Đảng Dân chủ không làm”.

Việc ông Trump lựa chọn ông Mike Huckabee làm đại sứ tại Israel phần nào cho thấy đức tin có thể định hình chính sách ngoại giao.

Các tín đồ Phúc âm ở Mỹ, bao gồm ông Huckabee, nằm trong số những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho Israel.

Rất nhiều người trong số họ tin rằng người Do Thái nên được sinh sống trên toàn bộ vùng đất thuộc Israel theo như trong Kinh Thánh, bao gồm những khu vực hiện nay là Bờ Tây đang bị chiếm đóng và Gaza, nhằm thúc đẩy những sự kiện dẫn tới Sự Tái lâm của Chúa Giê-su.

Một tôn giáo suy thoái nhanh chóng

Trong quá khứ, ông Donald Trump từng kể rằng mình được nuôi dạy theo truyền thống Đạo Tin lành Trưởng lão.

Mặc dù có được sử ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri Kitô giáo trong cuộc bầu cử vừa rồi, nhưng nếu xét tới những buổi vận động gần đây, ông Trump không hề cố thuyết phục ông là một người thuộc cộng đồng của họ.

“Tôi nghĩ ông ấy hiểu được rằng sẽ là hơi gượng ép để tự nhận mình là một người ngoan đạo, nhưng thay vào đó, ông ấy chọn cách tiếp cận có qua có lại,” ông Robert Jones đánh giá.

Ông Jones là nhà sáng lập kiêm chủ tịch Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng (PRRI) – một tổ chức có thâm niên theo dõi xu hướng tôn giáo ở Mỹ.

Cách tiếp cận đó tập trung vào sự thay đổi nhân khẩu học và số lượng người đi nhà thờ ngày càng giảm.

Giáo hoàng Francis gặp Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump tại Thành phố Vatican năm 2017
Chụp lại hình ảnh,Giáo hoàng Francis gặp Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump tại Thành phố Vatican năm 2017

Vào đầu thập niên 90, khoảng 90% người trưởng thành ở Mỹ nhận mình là tín đồ Kitô giáo. Tới đầu thập kỷ này, tỉ lệ này giảm xuống còn 64%, trong khi tỷ lệ người không theo đạo tăng mạnh, theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Theo Tiến sĩ Jones, ông Trump đã thành công tận dụng điều này.

“Thông điệp của ông Trump là: ‘Tôi biết [cộng đồng của] các bạn đang thu nhỏ lại, tôi biết số lượng tín đồ đang ít dần đi. Tôi biết con cái và cháu chắt của các bạn không còn gắn bó với Giáo hội nữa, nhưng nếu các bạn bầu cho tôi, tôi sẽ khôi phục lại sức mạnh của Giáo hội Kitô giáo.’”

Tuy nhiên, không phải tất cả tín đồ Kitô giáo ở Mỹ đều bị thuyết phục. Đối với một vài người, đức tin khiến họ có một cái nhìn hoàn toàn trái ngược về ông Trump.

‘Trump hạ thấp và làm nhục’

Trong những tháng vừa qua, đứng trên bục thuyết giảng của tổ chức Những Con đường Kinh Thánh ở thành phố Atlanta (Georgia), Đức Monte Norwood đưa ra những thông điệp rất khác so với ông Frankin Graham.

Đơn cử, ông rất thất vọng với kết quả bầu cử hôm 5/11.

“Trump đã hạ thấp và làm nhục gần như tất cả những ai ông ấy có thể, từ những người nhập cư, các nhóm thiểu số, phụ nữ cho đến những người khuyết tật,” ông nói.

Ông Monte Norwood và vợ Wanda sau khi đi bỏ phiếu ở Atlanta
Chụp lại hình ảnh,Ông Monte Norwood và vợ Wanda sau khi đi bỏ phiếu ở Atlanta

“Những tín đồ Kitô giáo da trắng bảo thủ theo Đảng Cộng hòa ngó lơ nhân cách [của ông Trump] là những người đạo đức giả.”

Từ lâu, ông Norwood đã phản đối viễn cảnh ông Trump tái đắc cử, thể hiện quan điểm này trên mạng xã hội và qua các hoạt động vận động bầu cử – ví dụ như giúp cử tri da đen đăng ký bỏ phiếu và đưa đón miễn phí cử tri tới các điểm bỏ phiếu.

“Tôi là tín đồ Kitô giáo theo tinh thần Matthew chương 25 – đoạn Chúa Giê-su nói: ‘Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống.’”

Thói quen bỏ phiếu của cử tri Kitô giáo trong quá khứ

Nghiên cứu của PRRI đã phân tích hồ sơ bỏ phiếu trong lịch sử, phân loại không chỉ theo tín ngưỡng và tôn giáo mà còn theo chủng tộc, đã tìm ra rằng, khi đụng đến quan điểm chính trị, có một xu hướng rõ rệt đã kéo dài hàng thập kỷ.

“Gần như không có ngoại lệ, tín đồ Kitô giáo da trắng thường có xu hướng bầu cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa,” Tiến sĩ Jones nói.

“Những tín đồ Kitô giáo chủng tộc khác, những tín đồ tôn giáo khác và những người không theo đạo thường bầu cho ứng cử viên của Đảng Dân chủ.”

Kiểu mẫu này đã bắt đầu từ những năm 1960, ông nói thêm, khi hình ảnh của Đảng Dân chủ gắn liền với những phong trào đấu tranh cho quyền dân sự và khi những nhóm tín đồ Kitô giáo da trắng bắt đầu chuyển sang ủng hộ Đảng Cộng hòa.

Những cuộc khảo sát trước bầu cử về ý định bỏ phiếu của cử tri cho thấy phần lớn kiểu mẫu nói trên vẫn vậy.

“Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy 70% số người ủng hộ Đảng Cộng hòa là da trắng và là tín đồ Kitô giáo. Tỷ lệ này ở Đảng Dân chủ là 25%.”

Theo cuộc khảo sát 5.027 người trưởng thành của PRRI, những cử tri Tin lành Phúc âm da trắng là những người ủng hộ ông Trump hơn hẳn bà Harris, 72% so với 13%.

Cử tri Công giáo da trắng cũng ủng hộ ông Trump hơn, với 55% ủng hộ ông Trump so với 34% ủng hộ bà Harris.

Cử tri da trắng theo Tin lành “chính thống” không Phúc âm có xu hướng tương tự.

Ngược lại, 78% cử tri Tin lành da đen ủng hộ bà Harris, chỉ 9% ủng hộ ông Trump, theo cuộc khảo sát.

Những người ủng hộ bà Harris cũng bao gồm người Mỹ gốc Do Thái, những người không theo đạo và những tín đồ theo tôn giáo khác, theo PRRI.

Đức Franklin Graham phát biểu trong một cuộc mít tinh ở Bắc Carolina
Chụp lại hình ảnh,Đức Franklin Graham phát biểu trong một cuộc mít tinh ở Bắc Carolina

Tuy nhiên, kết quả bầu cử thực tế lại cho thấy một số thay đổi đáng chú ý.

Kết quả ở bang Michigan cho thấy có sự dịch chuyển rõ rệt về phía Đảng Cộng hòa của cộng đồng cử tri người Hồi giáo, có thể là do vai trò của chính quyền Biden trong việc hỗ trợ Israel trong cuộc chiến tại Gaza.

Phân tích cũng chỉ ra rằng có nhiều cử tri Công giáo Mỹ Latinh bỏ phiếu cho ông Trump hơn dự đoán, trái ngược với xu hướng trong quá khứ khi mà họ thường nghiêng về Đảng Dân chủ.

Khó khăn kinh tế do lạm phát gia tăng và các yếu tố khác có thể là lý do khiến các cử tri “phi truyền thống” của Đảng Cộng hòa quyết định bầu cho ông Trump.

Về sức hút của ông Trump đối với các tín đồ Kitô giáo truyền thống, Tiến sĩ Jones lập luận có yếu tố đức tin trong khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, qua lời hứa khôi phục lại bản sắc Kitô giáo của đất nước.

“Chiến dịch của ông ấy thể hiện sự bất mãn, những mất mát và nỗi hoài niệm,” Tiến sĩ Jones nhận xét, “và điều này bao gồm nỗi hoài niệm tôn giáo.”

Tương lai của tín ngưỡng ở Mỹ

Dù có quyền lực chính trị to lớn, ông Trump sẽ không thể đảo ngược dòng chảy thay đổi của nhân khẩu học ở Mỹ – bao gồm cả xu hướng rời xa tôn giáo.

Mặc dù số người tự nhận là “vô thần” ở Mỹ vẫn thấp hơn so với hầu hết các nước phương Tây, nhưng số người tuyên bố mình “không theo đạo” đang ngày càng gia tăng.

Sự thay đổi này một phần đến từ yếu tố thế hệ, cùng với những xu hướng quen thuộc của tài chính cá nhân đã cung cấp nhiều quyền tự chủ hơn cho phép mọi người tách rời khỏi những chuẩn mực chung mà cộng đồng của họ chấp nhận.

Nhưng vẫn còn những nguyên nhân khác.

Một phần ba số người Mỹ theo chủ nghĩa vô thần hoặc bất khả tri cho biết họ đã rời bỏ tôn giáo thời thơ ấu của mình vì các vụ bê bối lạm dụng nổi cộm trong giáo hội, theo một nghiên cứu PRRI.

Năm 2020, Giáo hội Công giáo công bố một danh sách những giáo sĩ ở Mỹ và còn sống bị cáo buộc có hành vi lạm dụng, bao gồm cả những cáo buộc liên quan tới khiêu dâm trẻ em và hiếp dâm.

Danh sách này có khoảng 2.000 cái tên.

Hai năm sau, liên hội Baptist miền Nam gồm các giáo hội Tin Lành ở Mỹ công bố một danh sách gồm hàng trăm lãnh đạo giáo hội bị cáo buộc lạm dụng trẻ em trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2019.

Điều này cho thấy quy mô to lớn của vấn đề mà ông Trump phải đối mặt.

Dù vậy, ông Franklin Graham vẫn lạc quan.

“Việc ông Trump được bầu làm tổng thống không đồng nghĩa với việc số lượng người đi nhà thờ sẽ tăng ngay trong tuần tới – nhưng tôi nghĩ điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không còn phải đối mặt với những đạo luật tương lai có thể gây khó dễ cho những người theo đạo,” ông nói, ám chỉ đến các đạo luật tự do hơn, ví dụ như quyền phá thai, quyền của người đồng tính và người chuyển giới.

“Ông ấy sẽ bảo vệ những người có đức tin, ông ấy sẽ bảo vệ tự do tôn giáo ở đất nước này. Tôi không chỉ nói về quyền tự do tôn giáo của tín đồ Kitô giáo… mà là quyền tự do của tất cả những người có đức tin.”

Liệu ông Graham có đúng hay không, người Mỹ chỉ có thể quan sát và chờ đợi.

Trong khi một số người phấn khởi với lời hứa về điều hành đất nước dưới ảnh hưởng của Kitô giáo, không ít người lại đang cảm thấy lo lắng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment