Nga và Bắc Triều Tiên những ngày gần đây gia tăng các hoạt động ngoại giao kể từ khi hai nước phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện, được tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết với lãnh đạo Kim Jong Un nhân chuyến thăm chính thức Bình Nhưỡng hồi tháng 6/2024. Nếu như việc Bình Nhưỡng và Matxcơva thắt chặt hợp tác quân sự có thể khiến Bắc Kinh lo lắng, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc mới là « đồng chí thân cận nhất » của Bắc Triều Tiên.
Đăng ngày: 19/11/2024
Hãng thông tấn Yonhap hôm nay cho biết, trong hai ngày 17 và 18/11/2024, Nga đã cử hai phái đoàn, một phụ trách về hợp tác và trao đổi kinh tế, thương mại và công nghệ khoa học, và một phái đoàn quân sự đến Bình Nhưỡng. Mục tiêu là mở rộng và đa dạng hơn nữa trao đổi kinh tế, thương mại, công nghệ khoa học cũng như là tăng cường giao lưu giữa các trường quân sự của hai nước, theo như loan báo từ hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA.
Những hoạt động này diễn ra trong khuôn khổ Hiệp ước Quốc phòng được ký kết trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hiếm có của tổng thống Putin và vừa được hai nước gần đây phê chuẩn. Văn bản dự trù một điều khoản « chi viện quân sự ngay lập tức » và « hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị một nước khác tấn công ».
Trong khuôn khổ hiệp ước này, Bình Nhưỡng đã gửi nhiều loại vũ khí (đạn dược, tên lửa đạn đạo) và điều hơn 10 ngàn binh sĩ đến Nga để tham gia cuộc chiến chống Ukraina tại vùng Kursk hiện đang bị Ukraina chiếm giữ một phần. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Hong Min, Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, việc phê chuẩn thỏa thuận hợp tác quân sự hé mở khả năng « Bình Nhưỡng có thể điều bổ sung thêm số lượng lớn binh sĩ Bắc Triều Tiên đến Nga ».
Theo nhiều nhà quan sát, việc Bắc Triều Tiên nỗ lực tham gia cuộc chiến của Nga dường như khiến Trung Quốc – đồng minh và đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên – cảm thấy « bất an » do những hệ lụy của quan hệ đối tác này trên phương diện an ninh, dù rằng Trung Quốc và Nga đã thắt chặt mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị « vô bờ bến » trong nhiều lĩnh vực, từ ngoại giao, kinh tế cho đến thương mại.
Bắc Kinh e ngại rằng đổi lấy việc hỗ trợ cuộc chiến xâm lược Ukraina, Bình Nhưỡng có thể nhận được sự trợ giúp từ Matxcơva về mặt công nghệ – kỹ thuật, cho phép cải thiện năng lực quân sự trong nhiều lĩnh vực, từ vệ tinh, tầu ngầm, tên lửa và thậm chí hạt nhân. Điều này có thể khuyến khích Kim Jong Un mạo hiểm phiêu lưu quân sự với láng giềng Hàn Quốc, gây bất ổn bán đảo Triều Tiên và vùng Đông Bắc Á.
Bắc Triều Tiên thân Nga, nhưng coi Trung Quốc là “đồng chí”
Nhìn từ Bình Nhưỡng, việc củng cố quan hệ với Matxcơva cho phép chế độ Kim Jong Un đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, hàng hóa, thực phẩm. Le Figaro ngày 14/11/2024, dẫn nhận định của ông Chun Yung Woo, cựu cố vấn tổng thống ở Seoul cho rằng ông « Kim thất vọng về Trung Quốc và không đánh giá cao các “bài học” mà ông Tập dành cho ông. Kim Jong Un xem sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một mối nguy hiểm ».
Dù vậy, giới chuyên gia cũng lưu ý rằng, cho đến hiện tại, Trung Quốc chiếm đến gần 97% trong trao đổi thương mại với Bắc Triều Tiên. Chế độ Bình Nhưỡng phụ thuộc vào nguồn cung từ Bắc Kinh trong nhiều loại mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng cho đến năng lượng…
Theo Bruce Bennett, nhà nghiên cứu tại Rand Corporation, nếu như việc củng cố quan hệ Nga – Triều có thể phản ảnh phần nào sự lạnh nhạt trong quan hệ Trung – Triều, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với sự đoạn tuyệt, nhưng đúng hơn một chiến thuật đàm phán được củng cố của dòng họ Kim nhằm bảo vệ sự sống còn của chế độ, khi luôn biết cách dựa vào sự cạnh tranh giữa Nga và Trung Quốc để thúc đẩy các quân cờ của mình.
Aidan Foster-Carter là nghiên cứu về xã hội học và Hàn Quốc hiện đại tại Đại học Leeds, Vương quốc Anh, trong một bài viết đăng trên South China Morning Post nhắc lại : Ai đã giang tay cứu vớt chế độ Kim thoát nạn đói trong những năm 1990 sau khi bị Liên Xô bỏ rơi ? Chính là Trung Quốc. Tác giả kết luận, chơi thân với Nga, nhưng Trung Quốc mới là « đồng chí thân cận nhất » của Bắc Triều Tiên.