Vào lúc nhiều nước vẫn phớt lờ hoặc không có hành động nào để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều cá nhân, tổ chức, các nhà khoa học đã cam kết bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, có những hành động bày tỏ quyền tự do ngôn luận, phản kháng để thu hút sự quan tâm đối với tình trạng cấp bách khí hậu. Thế nhưng, từ Brazil cho đến Việt Nam, các hành động của họ đã bị đàn áp mạnh mẽ, từ các đe dọa, bỏ tù, cho đến bị sát hại.
Đăng ngày: 19/11/2024
Tại châu Mỹ La Tinh, khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, chính quyền các nước như Brazil, Colombia, Peru đã mạnh mẽ đàn áp các nhà hoạt động môi trường, đặc biệt là liên quan đến các dự án về rừng hay khai thác dầu mỏ. Họ bị đe dọa, bị bỏ tù, một số mất tung tích chỉ vì nỗ lực bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng Amazon. Báo cáo của tổ chức Global Witness chỉ ra rằng 196 nhà bảo vệ môi trường đã bị giết hại một cách tàn nhẫn vào năm 2023.
Trả lời RFI Tiếng Việt, bà Margot Jaymond, đại diện của tổ chức Amnesty International (Ân xá Quốc tế) nhận định rằng, với rừng Amazon, lá phổi của thế giới, châu Mỹ La Tinh là khu vực mà các nhà hoạt động môi trường bị trấn áp một cách bạo lực nhất. Theo số liệu thu thập từ năm 2011 đến năm 2023, hơn 2100 nhà bảo vệ môi trường đã bị ám sát, giết hại chỉ vì hoạt động của họ.
Nhìn sang châu Âu, tổ chức Soulèvement de la terre ở Pháp đã bị chính phủ giải thể sau các cuộc đụng độ bạo lực ở Sainte-Solène. Còn ở Anh, những năm vừa qua, chính phủ đã tăng cường đàn áp các cuộc biểu tình của các nhóm hoạt động môi trường, phản đối nhiên liệu hóa thạch như tổ chức Extinction Rebellion và Just Stop Oil, được biết đến với các hoạt động biểu tình dù không mang tính chất bạo lực, nhưng thu hút được sự chú ý của công luận. Chính phủ Anh Quốc đã có lập trường cứng rắn, thậm chí ra văn bản luật (Police, Crime, Sentencing and Courts Act” 2022), để trừng trị các nhóm này bằng cách mở rộng thẩm quyền của cảnh sát để “hạn chế” các cuộc biểu tình, thậm chí là áp đặt án tù với những người tham gia chặn đường, phá hoại…
Một thực tế xảy ra trên khắp các châu lục
Đại diện của Amnesty International, Margot Jaymond nhận định : « Hầu như tuần nào cũng có thêm các sự kiện cho thấy tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở lên nghiêm trọng, song song với các sự bất lực của các chính phủ, Nhà nước trước cuộc khủng hoảng này. Các doanh nghiệp tiếp tục tự do lộng hành, đặc biệt là trong ngành nhiên liệu hóa thạch, phát thải nhiều khí nhà kính nhất. Thế nhưng, nghịch lý là những người cố gắng chống lại các dự án hủy hoại môi trường, các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ đất và đại dương, lại bị đàn áp trên khắp thế giới… Họ có nguy cơ bị ám sát cao hơn cả các nhà hoạt động vì nhân quyền. Họ gặp rủi ro cao và đây là một thực tế toàn cầu, xảy ra trên khắp các châu lục ».
Còn tại châu Á, từ Philippines, Malaysia hay Indonesia, các nhà hoạt động môi trường thường xuyên phải đối mặt với sự đe dọa của cảnh sát, liên quan đến các dự án phá rừng hoặc các việc khai thác tài nguyên… Riêng tại Việt Nam, nhiều nhà hoạt động đã bị bỏ tù, mặc dù là người đứng ra xin nguồn tài trợ quốc tế giúp Việt Nam thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi năng lượng. Ví dụ như trường hợp của bà Hoàng Thị Minh Hồng (vừa được trả tự do hôm 21/09, sớm hơn 20 tháng so với bản án 3 năm tù vì tội trốn thuế, hoặc của bà Ngô Thị Tố Nhiên, luật sư Môi Trường Đặng Đình Bách, khiến các chuyên gia của Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại kêu gọi Việt Nam ngừng « truy bắt », ngừng «giam giữ trong những điều kiện tồi tệ » những nhà hoạt động nhân quyền và môi trường.
Việt Nam trấn áp một số đối tượng có chủ đích
Về trường hợp của Việt Nam, một trong những nước chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, chính phủ cũng nhận thức được điều này cũng như là nhu cầu cần thay đổi, thông qua các chính sách để giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2021, Hà Nội đã thông báo muốn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050. Một năm sau đó, Việt Nam đã ký hợp tác chuyển đổi năng lượng với các nước G7, Đan Mạch và Na Uy. Các hợp tác này kéo theo nguồn tài trợ từ những nước này, và một trong những mục đích là đễ hỗ trợ quá trình chấm dứt đầu tư vào than đá.
Bà Margot Jaymond bày tỏ quan ngại : « Thật trớ trêu là cùng thời điểm đó, từ năm 2021, Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 5 lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường. Cách mà Hà Nội trấn áp xã hội dân sự, nhất là phong trào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam khiến chúng tôi, Amnesty International nghi ngờ một cuộc trấn áp có chủ đích, nhắm vào một số đối tượng cụ thể.
Điều này rất đáng lo ngại vì sẽ giới hạn lại khả năng của đất nước trong việc giảm khí thải nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi cho rằng, để tìm ra giải pháp cấp bách đối với biến đổi khí hậu, thì cần phải tôn trọng nhân quyền, nhất là quyền được tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng, tự do hiệp hội…
Ngay cả nước chủ nhà Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc – COP 29, năm nay, diễn ra từ ngày 11 đến 22/11 tại Baku, cũng không phải ngoại lệ. Azerbaijan không những bị chỉ trích vì coi dầu khí là « của trời cho » mà còn vì bị nhiều tổ chức quốc tế lên án vì các hành vi vi phạm nhân quyền, đàn áp các nhà hoạt động khí hậu và các nhà báo trong thời gian gần đây. Amnesty International đã cảnh báo từ nhiều năm qua về tình hình nhân quyền tại Azerbaijan.
Theo bà Margot Jaymond, tình hình hiện nay tại nước chủ nhà là đáng báo động, « để COP 29 có thể đưa ra những quyết định mang tính tham vọng và đáp ứng với tình hình cấp bách về khí hậu hiện nay thì cũng cần phải có sự hiện diện của xã hội dân sự. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy là có sự chênh lệch lớn liên quan đến các thành phần tham gia. Có những người thực sự gặp phải rủi ro, đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ khi đến dự COP 29 từ thứ Hai tuần trước. Vấn đề này sẽ tác động lớn để khả năng của nước chủ nhà làm sao bảo đảm các cuộc đàm phán tại COP 29 sao cho hiệu quả, và bao gồm tất cả các nước. »
Nghịch lý khí hậu
Theo Amnesty International cuộc đàn áp chống lại các nhà hoạt động khí hậu “rất nghịch lý” khi đó là những người đang cố gắng chống lại các dự án có tính phá huỷ đối với môi trường khí hậu, cố gắng đưa ra các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cố gắng tổ chức để bảo vệ đất và đại dương, đòi chính quyền phải có hành động, nhưng lại bị đàn áp, bị coi là những kẻ phạm tội, ở khắp các châu lục, dù là những nước dân chủ hay những nước độc tài nhất.
Trong một báo cáo được công bố hồi đầu năm nay, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Michel Forst cho rằng “do cảm thấy tình trạng môi trường ngày càng cấp bách và những phản ứng không thỏa đáng của chính phủ đã thúc đẩy các nhà hoạt động môi trường sử dụng nhiều hình thức biểu tình khác nhau, từ những hành động chiếm đóng các công trình xây dựng, hay các buổi tuần hành gây ùn tắc giao thông…” Mặc dù hầu hết các cuộc biểu tình này diễn ra trong hoà bình, nhưng đôi khi lại bị mô tả là “phi dân chủ” hoặc thậm chí “bạo lực”.
Ông Michel Forst cũng cho rằng việc đàn áp và hình sự hóa các nhà hoạt động môi trường, là mối đe dọa lớn đối với nền dân chủ, nhần quyền, cũng việc thực thi các quyền được Công ước Aarhus bảo đảm. Báo cáo viên của LHQ cũng kêu gọi các nước thay đổi một cách căn bản phản ứng trước các cuộc biểu tình về môi trường, và kêu gọi cộng đồng nhân quyền phối hợp.