Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP29 phải kéo dài thêm một ngày, với hy vọng tìm được một thỏa hiệp, đặc biệt về số tiền tài trợ cho các nước đang phát triển để đối phó với biến đổi khí hậu. Ít giờ trước phiên bỏ phiếu toàn thể vào 19 giờ, giờ địa phương, tức 15 giờ, giờ quốc tế, chiều nay, 23/11/2024, các bên vẫn bất đồng cao độ về khoản tiền mà các nước phát triển cam kết tài trợ.
Đăng ngày: 23/11/2024
Dự thảo thỏa thuận được nước chủ nhà Azerbaidjan đưa ra hôm qua, 22/11, ấn định số tiền là 250 tỉ đô la/năm. Thông báo này ngay lập tức bị phía các nước đang phát triển phản đối kịch liệt. Theo Reuters hôm nay, Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ và nhiều nước giàu đã chấp nhận nâng lên 300 tỉ đô la/năm, từ đây đến 2035.
Theo năm nguồn tin của Reuters, theo sát các thảo luận kín, Liên Hiệp Châu Âu đã chấp nhận tham gia đóng góp vào mức 300 tỉ đô la. Mỹ, Úc và Anh cũng đồng thuận. Tuy nhiên, hiện tại không rõ lập trường của các nước giàu đã được thông báo cho các nước đang phát triển hay không, và phản ứng của phía các nước đang phát triển ra sao.
« Chẳng thà không có thỏa thuận còn hơn một thỏa thuận tồi »
Trả lời AFP người đại diện của nhóm các nước châu Phi, Ali Mohamed, đặc phái viên khí hậu của tổng thống Kenya, tuyên bố : « Chẳng thà không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi ». Trong đêm qua, liên minh của 335 tổ chức phi chính phủ gửi đến nhóm 134 nước đang phát triển và Trung Quốc thông điệp như sau : « Chúng tôi kêu gọi quý vị rời khỏi bàn đàm phán để chuẩn bị cho một cuộc đấu mới, nếu không có gì xứng tầm được đưa ra tại hội nghị khí hậu COP29 này. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến ».
Lập trường của Brazil, quốc gia chủ nhà COP30 vào năm tới, là có thể chấp nhận được, nếu tiền tài trợ được nâng lên mức 390 tỉ đô la/năm. Theo tổng thống Brazil, không thể đẩy nhiệm vụ của COP29 cho hội nghị lần tới.
Liên Âu gắn số tiền 300 tỉ đô la với cam kết của khối các nước sản xuất dầu khí
Ủy viên châu Âu phụ trách khí hậu Wopke Hoekstra cho biết Liên Âu đang hết sức nỗ lực để thu hẹp các bất đồng nhằm đạt một kết quả, nhưng « không chắc chắn chúng ta sẽ thành công hay không ». Theo AFP, ngay cả số tiền 300 tỉ đô la/năm cũng không phải là điều chắc chắn, bởi Liên Âu gắn liền cam kết này với việc các nước sản xuất dầu khí, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, mỗi năm một lần phải gia tăng nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là điều mà Riyad và các đồng minh chưa chấp nhận.
Khoản tiền dự trù cho các nước đang phát triển để đối phó với biến đổi khí hậu, từ đây đến 2030, phải là hơn 1.000 tỉ đô la/năm, theo thẩm định của nhóm kinh tế gia do Liên Hiệp Quốc chỉ định. Tại COP29, sau nhiều ngày thương lượng, trong tuần này, liên minh các nước đang phát triển chấp nhận số tiền 500 tỉ đô/năm.