Mờ sáng ngày 21/11/2024, thành phố Dnipro, khá xa các vùng khói lửa ở miền đông Ukraina, đã bị oanh kích. Đối với người dân đã trải qua hơn 1.000 ngày chiến tranh, đó không phải là điều gì mới lạ, nhưng từ khi đánh chiếm Ukraina, chưa bao giờ Matxcơva huy động « tên lửa đạn đạo được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân » trong cuộc xung đột khốc liệt này. Tổng thống Vladimir Putin tính toán những gì trước khi đàm phán với chính quyền mới ở Mỹ về số phận Ukraina ?
Đăng ngày: 25/11/2024
Tuần qua, chiến tranh giữa Ukraina và Nga căng thẳng đến nỗi cả Trung Quốc cũng phải lên tiếng kêu gọi « kềm chế » và tìm cách « hạ nhiệt tình hình bằng đối thoại, tạo điều kiện nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn ».
Được phép của Washington, Ukraina lập tức sử dụng tên lửa tên lửa chiến thuật tầm xa ATACMS do Mỹ viện trợ để tấn công hòng giữ được vùng Kursk trên lãnh thổ Nga. Đáp trả hành động « thù nghịch, đe dọa an ninh của Liên Bang Nga », Matxcơva huy động « tên lửa đạn đạo tầm trung, được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân » nã vào Dnipro. Tại điện Kremlin, tổng thống Putin phê chuẩn học thuyết mới về vũ khí nguyên tử và lại đem vũ khí hủy diệt hàng loạt ra đe dọa phương Tây. Nguyên thủ quốc gia Nga đã chủ trì một cuộc họp với các giới chức quốc phòng để bàn về những biện pháp trả đũa.
Nhiều nước châu Âu từ Ba Lan đến Anh Quốc đều cho rằng đây là một bước « leo thang mới » đe dọa đến an ninh của cả Lục Địa Già. NATO và Ukraina dự trù một phiên họp bất thường ngày 26/11/2024 để « thẩm định tình hình »
Tại Washington, hai tháng trước khi chuyển giao quyền lực, chính quyền Biden không che giấu mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất để Kiev ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh. Tổng thống tân cử Donald Trump không phản ứng về việc Joe Biden cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa do Mỹ viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Chỉ thấy một vài cộng sự viên của ông yếu ớt chỉ trích đương kim chủ nhân Nhà Trắng gây khó khăn cho chính quyền Mỹ tương lai.
Nhưng đấy chỉ là những « ồn ào » bề ngoài mà các phương tiện truyền thông quốc tế quan tâm. Về thực chất, Nga đã dùng lá bài hù dọa một cách « khá chừng mực ». Dấu hiệu đầu tiên minh chứng điều này là, trước khi phóng Orechnik, tên lửa đạn đạo tầm trung, Nga đã thông báo với Mỹ, điều đã được chính Lầu Năm Góc xác nhận. Hơn nữa, xét về mức độ « thiệt hại », trước đây Matxcơva từng tấn công Ukraina với tên lửa có sức công phá lớn hơn, như tên lửa siêu thanh Kinjal, nguy hiểm hơn so với loại vũ khí nhắm vào Dnipro tuần trước. Điểm thứ ba được Camille Grand, chuyên gia về quân sự của trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế châu Âu ECFR chú ý, đó là ngay Thứ Sáu vừa qua, cũng điện Kremlin khẳng định « Nga chắc chắn là Mỹ đã hiểu thông điệp của Putin ». Một cách gián tiếp, Matxcơva cho biết « các hành động leo thang có thể đến đây là đã đủ ». Tình hình có sẽ đi quá xa hay không, quả bóng đang ở bên sân của các nước đang hỗ trợ Ukraina.
Đây cũng là quan điểm của Jean de Gliniasty, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược của Pháp, trong bài trả lời phỏng vấn của tờ báo Cộng Sản L’Humanité. Ông cho rằng, quyết định của Mỹ cho phép Kiev dùng tên lửa chiến thuật tầm xa, ồn ào loan báo cung cấp mìn sát thương cá nhân cho Ukraina và đổi lại, Nga sử dụng tên lửa « đạn đạo tầm trung » còn trong giai đoạn được thử nghiệm, trước hết là để mỗi bên phô trương sức mạnh trước khi đàm phán chấm dứt chiến tranh. Có nhiều yếu tố cho phép khẳng định điều này.
Đối với Ukraina, từ khi ông Trump đắc cử, đàm phán chấm dứt chiến tranh là điều hiển nhiên, vì ai cũng biết rằng ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa chưa bao giờ xem việc giúp Ukraina giữ được toàn vẹn lãnh thổ là một nghĩa vụ của nước Mỹ. Chính tổng thống Zelensky đã nhìn nhận « không có viện trợ quân sự của Mỹ thì Ukraina sẽ thua » Hai điểm tựa quan trọng khác của Kiev là Pháp Đức trong Liên Âu thì đang tê liệt vì những vấn đề chính trị nội bộ. Trên chiến trường, quân đội Ukraina không đủ sức chống chỏi trước đà tiến của các đội quân Nga. Kinh tế kiệt quệ, tinh thần của người dân Ukraina suy sụp sau hơn 1.000 ngày chiến tranh.
Nhìn về phía Matxcơva, sau gần 3 năm khẳng định kinh tế nước nhà vẫn vững vàng trước các đòn trừng phạt rất nặng của phương Tây, thực tế cho thấy là lạm phát ở Nga dao động ở ngưỡng 10 %, các nguồn thu nhập từ xuất khẩu dầu khí đang cạn dần do hai thị trường châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu bị bão hòa.
Jean Gliniasty nhìn xa hơn khi đặt câu hỏi :Trong cuộc đàm phán sắp tới đây với Hoa Kỳ về Ukraina, Putin có lợi thế nào để « nói chuyện» với Trump ? Theo giám đốc nghiên cứu Viện IRIS, có lẽ cả Matxcơva lẫn Washington không chỉ mặc cả với nhau về tương lai của Ukraina, mà hai bên đều ý thức rằng đã đến lúc cần khép lại một cuộc chiến mà Vladimir Putin đã khai mào và tất cả đều mệt mỏi với một cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ ba.