November 26, 2024
Vào ngày 25/11, Công an thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 người trong cùng một gia đình với tội danh “chống người thi hành công vụ.” Thông tin này được đăng tải trên các báo Pháp Luật, Tuổi Trẻ, và một số trang mạng trong nước. Những người bị bắt giữ bao gồm: Ông Lê Văn Điền (52 tuổi), Lê Thị Ngọc Nhan (52 tuổi), Lê Phước Sang (33 tuổi), Lê Phước Hoàng (25 tuổi, con ông Điền), Lê Công Triết (41 tuổi), Nguyễn Văn Lộc (42 tuổi, cháu ông Điền)
Theo các báo, sự việc bắt nguồn từ ngày 18/11 khi gia đình ông Điền bị cáo buộc đã sử dụng bom xăng và các vật dụng khác để tấn công lực lượng cưỡng chế thu hồi đất. Việc cưỡng chế này nhằm giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh ĐT.945, nối huyện Châu Phú (An Giang) với huyện Hòn Đất (Kiên Giang).
Báo chí cho biết ông Điền không đồng ý với quyết định thu hồi đất, đã huy động 7 người trong gia đình để ngăn chặn lực lượng chức năng. Gia đình bị cáo buộc sử dụng nhiều công cụ như máy xúc, gậy, cuốc, kéo, ly thủy tinh, gạch đá, và cả bom xăng để tấn công.
Lực lượng công an thị xã Tịnh Biên và công an tỉnh An Giang đã nhanh chóng khống chế, bắt giữ 8 người tại hiện trường, trong đó 6 người bị khởi tố và tạm giam, còn 2 người được yêu cầu viết cam kết chấp hành pháp luật và sẽ bị xử lý sau.
Vụ việc tại An Giang không phải là trường hợp cá biệt. Trong vài thập niên qua, Việt Nam chứng kiến nhiều vụ người dân phản đối quyết liệt việc giải tỏa, thu hồi đất cho các dự án phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, hoặc nhà ở. Nguyên nhân thường xuất phát từ những bất cập trong Luật Đất đai, khi người dân cảm thấy quyền lợi của họ không được bảo vệ, đền bù không thỏa đáng, hoặc thiếu tái định cư hợp lý. Dù Quốc hội Việt Nam đã nhiều lần thảo luận và sửa đổi Luật Đất đai, nhưng những vấn đề mâu thuẫn liên quan đến thu hồi đất vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điều này tiếp tục dẫn đến những vụ việc căng thẳng giữa người dân và chính quyền, như trường hợp của gia đình ông Điền.