Báo Financial Times ngày thứ Tư 27/11 dẫn lời các cựu và quan chức Mỹ đương nhiệm nắm vấn đề cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đang bị điều tra về tham nhũng. Phía Trung Quốc nói thông tin này “không có căn cứ”.
Các quan chức Mỹ cho Financial Times biết cuộc điều tra ông Đổng Quân là một phần của chiến dịch với quy mô lớn hơn, nhằm truy quét tham nhũng trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Ông Đổng Quân là bộ trưởng quốc phòng thứ ba liên tiếp đương chức hoặc từng tại nhiệm của Trung Quốc bị điều tra liên quan đến cáo buộc tham nhũng, theo Financial Times.
Tuy nhiên, đáp lại câu hỏi về thông tin trên Financial Times, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 27/11 nói đó là chuyện đoán mò, không có căn cứ.
Đô đốc Đổng Quân, cựu Tư lệnh Hải quân, đã trở thành bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vào tháng 12/2023, hai tháng sau khi người tiền nhiệm là Thượng tướng Lý Thượng Phúc bị bãi chức với cáo buộc tham nhũng.
Tướng ba sao Đổng Quân trở thành tướng hải quân đầu tiên lãnh đạo bộ này.
Sinh năm 1961, ông Đổng Quân gia nhập hải quân năm 1978 và dần thăng tiến, nắm các chức phó tư lệnh hạm đội, tư lệnh hạm đội và tư lệnh Chiến khu Đông bộ, Nam bộ trước khi được thăng chức Tư lệnh Hải quân vào năm 2021.
Từ ngày lập quốc năm 1949, chưa bao giờ Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm sĩ quan hải quân lên nắm Bộ Quốc phòng.
Cả Đổng Quân và Lý Thượng Phúc đều do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bổ nhiệm.
Xuất hiện hoài nghi
Quan chức Mỹ cho Financial Times biết ông Tập Cận Bình đang tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào Quân Giải phóng Nhân dân và ông Đổng Quân đã lọt vào tầm ngắm, nhưng không nêu rõ cáo buộc cụ thể là gì.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington từ chối bình luận với Financial Times liên quan đến vấn đề này.
Vào năm 2023, Financial Times cũng là tờ báo đầu tiên thuật lời giới chức Mỹ cho rằng ông Lý Thượng Phúc đã bị điều tra liên quan đến tham nhũng. Sau đó một thời gian, thông tin này đã được chứng thực bởi các động thái chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Lý đã kế nhiệm ông Ngụy Phượng Hòa, người cũng bị điều tra vì tham nhũng sau khi nghỉ hưu.
Bộ trưởng Quốc phòng ở Trung Quốc không phải là nhân vật quân sự quyền lực nhất trong hệ thống quân đội.
Thay vào đó, bộ trưởng quốc phòng đóng vai trò là gương mặt của PLA trên trường quốc tế.
Vị trí bộ trưởng thường kiêm chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, trong khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương, là vị trí quyền lực nhất trong hệ thống quốc phòng.
Quân ủy Trung ương có 6 ủy viên.
Theo truyền thống, bộ trưởng quốc phòng có chân trong Quân ủy Trung ương và Quốc vụ viện.
Đầu năm nay, ông Đổng Quân đã không được bổ nhiệm vào Quân ủy Trung ương gồm 6 thành viên như mong đợi. Đây được xem là một diễn biến bất thường làm xuất hiện nghi vấn liên quan đến nhiệm kỳ của ông.
Hồi tháng 3, ông Đổng Quân cũng không được bổ nhiệm làm ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc.
Giáo sư Dennis Wilder từ Đại học Georgetown, cựu quan chức CIA đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2015 đến 2016, nhận định với Reuters:
“Thành thật mà nói thì tôi không thấy nhạc nhiên. Lịch sử liên quan đến các cuộc điều tra trong quân đội Trung Quốc cho thấy cái kim trong bọc lâu cũng có ngày lòi ra.”
Những hoạt động gần đây của ông Đổng Quân
Thông tin từ Financial Times xuất hiện một tuần sau khi ông Đổng Quân tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 11 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) (từ ngày 19-21/11).
Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bày tỏ sự tiếc nuối sau khi ông Đổng Quân không tiến hành hội đàm với ông tại Lào, gọi đây là “một bước thụt lùi” đối với toàn bộ khu vực.
“Thật không may. Chuyện này ảnh hưởng đến khu vực vì khu vực này thực sự muốn chứng kiến chúng tôi, hai quốc gia quan trọng trong khu vực, hai cường quốc, đối thoại với nhau và điều này sẽ tạo nên sự trấn an đối với toàn bộ khu vực,” ông Lloyd Austin nói.
Hai nhà lãnh đạo quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 5 tại Đối thoại Shangri-La 2024 trong cuộc gặp cấp bộ trưởng quan trọng đầu tiên giữa hai cường quốc kể từ tháng 11/2022.
Liên quan đến việc ông Lloyd Austin và ông Đổng Quân không gặp nhau tại Lào, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đổ lỗi cho phía Mỹ, nói rằng Washington phải “hoàn toàn chịu trách nhiệm” liên quan đến chuyện gần đây Washington đã phê duyệt một gói vũ khí cho Đài Loan, lần đầu tiên bao gồm tên lửa đất đối không hiện đại.
Bất đồng này xảy ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru và lặp lại quan điểm quân đội hai nước nên duy trì kênh liên lạc trực tiếp.
Trung Quốc đã đóng các kênh liên lạc quân sự với Mỹ vào tháng 8/2022 sau khi bà Nancy Pelosi trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên đến thăm Đài Loan sau 25 năm.
Ông Tập Cận Bình đã đồng ý mở lại các kênh liên lạc sau cuộc gặp ngày 15/11/2023 tại thành phố San Francisco, bên lề thượng đỉnh APEC, từ đó mở đường cho lãnh đạo quốc phòng hai nước gặp nhau.
Trấn áp tham nhũng trong quân đội
Vào ngày 27/6, ông Lý Thượng Phúc và ông Ngụy Phượng Hòa đã bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Những đồn đoán về một chiến dịch thanh trừng chống tham nhũng trong quân đội bắt đầu nhen nhóm trên mạng từ đầu tháng 8/2023 khi hai tướng trong Bộ Tư lệnh Tên lửa Trung Quốc bị thay thế.
Thiếu tướng Trình Đông Phương, Chánh án Tòa án Quân sự của PLA, cũng bị thay thế chỉ sau khi nhậm chức vài tháng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản phụ trách các lực lượng vũ trang, hồi tháng 6 thừa nhận PLA đang đối mặt với những vấn đề chính trị “ăn sâu vào cội rễ” và tuyên bố quan chức tham nhũng sẽ “không có chốn dung thân”.
Thượng Tướng Lý Thượng Phúc từng được đánh giá là nhân vật thân tín của ông Tập.
Ngoài ra, một nhân vật thân tín khác là ông Tần Cương cũng đã bị cách chức ngoại trưởng hồi tháng 7/2023 sau khi biến mất một cách bí ẩn từ cuối tháng 6.
Theo Financial Times, các sĩ quan và quan chức quân đội Mỹ cho rằng các cuộc điều tra nhằm vào PLA đang làm suy yếu lòng tin của ông Tập Cận Bình vào quân đội và đặt ra sự ngờ vực liên quan đến việc liệu quân đội có đủ khả năng thống nhất Đài Loan hay không.