- Tác giả,Sangmi Han
- Vai trò,BBC Tiếng Hàn
- 28 tháng 11 2024
Đã mười năm trôi qua kể từ khi Báo cáo của Ủy ban Điều tra của Liên Hợp Quốc (COI) về nhân quyền tại Triều Tiên được công bố, phơi bày thực tế tàn khốc về các hành vi lạm dụng của chính quyền nước nay.
Báo cáo nêu ra nhiều vi phạm, gồm cả việc tước đoạt quyền được ăn uống đầy đủ, tự do ngôn luận và tự do đi lại. Tài liệu này cũng miêu tả chi tiết các hành vi lạm dụng nghiêm trọng như tra tấn, cưỡng bức lao động, giam giữ tùy tiện, các trại tù chính trị và hành quyết công khai.
Bất chấp những kết luận của báo cáo, Triều Tiên gần đây đã ban hành các quy định pháp luật siết chặt hơn quyền tự do cũng như nhân quyền của công dân nước này.
Tuy nhiên, có một nhóm người ở Triều Tiên hầu như không được nhắc tới – đó là những người thuộc cộng đồng LGBTQ. Trong một đất nước độc tài, nơi mọi người không được tự do nói lên suy nghĩ của mình, những người LGBTQ sống trong sự áp bức và bất hạnh, thường không hiểu tại sao họ lại phải chịu đựng như vậy. Liệu nhân quyền của họ có đang bị xâm phạm?
BBC trò chuyện với những người Triều Tiên đào tẩu về cộng đồng LGBTQ đó và tìm hiểu cuộc sống của họ ở Triều Tiên ra sao.
Jang Yeong-jin, một tiểu thuyết gia ngoài 60 tuổi, đã định cư tại Hàn Quốc vào cuối những năm 1990 sau khi đào tẩu khỏi Triều Tiên để giải thoát cuộc hôn nhân đầy đau khổ.
Đầu tiên, ông vượt biên sang Trung Quốc, mong tìm được đường vào Hàn Quốc. Nhưng kế hoạch bất thành, ông quay trở lại Triều Tiên. Sau đó, ông chọn con đường vượt biên nguy hiểm bằng cách bò qua khu phi quân sự (DMZ) đầy rẫy mìn gài chia cắt hai quốc gia, và cuối cùng đến được Hàn Quốc.
Ông Jang Yeong-jin vốn không có ý định công khai xu hướng tính dục của mình. Ông đã trả lời phỏng vấn với các nhà báo nước ngoài mà không nghĩ rằng đoạn phỏng vấn sẽ được đăng tải ở Hàn Quốc.
Vào những năm 1990, khi đó chưa có internet và chỉ vừa mới trốn khỏi Triều Tiên, ông không biết rằng nội dung cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài có thể được chia sẻ rộng rãi ở những nơi khác.
Sau khi đến Hàn Quốc, ông tình cờ vớ được một cuốn tạp chí khiến ông ngộ ra rằng “đàn ông có thể yêu đàn ông”. Từ đó, thế giới của ông thay đổi. Người đàn ông từng vật lộn với cuộc sống bất hạnh giờ đã là quá khứ.
Ông nói rằng nếu nhận ra bản dạng giới tính của mình sớm hơn, có thể ông đã sống hạnh phúc hơn với gia đình ở Triều Tiên.
Ông Jang bị ép phải kết hôn ở Triều Tiên. Trong đời sống vợ chồng, ông cảm thấy ngột ngạt, quá sức chịu đựng và không hạnh phúc, nhưng không hiểu tại sao.
Ông cố gắng tránh phải gần gũi vợ mình, thậm chí cùng bố vợ đến bệnh viện để khám nhằm tìm cách điều trị. Nhưng họ nói rằng không thể tìm thấy bất kỳ nguyên nhân hoặc lý do nào gây ra nỗi đau khổ của người đàn ông này.
“Một ngày nọ, vợ tôi khóc và nói với tôi: ‘Tôi học hành cũng đâu đến nỗi, lại làm việc rất chăm chỉ, nhưng tôi không hiểu tại sao đời mình lại khổ sở thế này khi lấy phải một người chồng như anh.’ Vào lúc đó, tôi đã đưa ra quyết định của mình. Tôi nhận ra rằng mình phải để người phụ nữ này được giải thoát. Tôi ra tòa tính ly hôn, nhưng chỉ để nhận lại lời trách mắng. Họ nói rằng ly hôn là hoàn toàn không thể.”
Khi còn bé, ông Jang đã thầm thương người bạn thời thơ ấu tên là Seon-chul, cao lớn, đẹp trai đủ tiêu chuẩn được nhận vào Đại học Nghệ thuật Kịch và Điện ảnh Bình Nhưỡng.
Ký ức về đám cưới của Seon-chul cực kỳ đau đớn đối với ông Jang. Ngày hôm đó, ông đứng bên ngoài ngôi nhà mới của Seon-chul và khóc không ngừng khi tuyết vẫn đang rơi, không hiểu sao mình lại tức giận và buồn đến thế.
Sau khi cả hai đã lập gia đình, Seon-chul đến thăm nhà ông Jang và ở lại qua đêm. Ông Jang thao thức suốt đêm, tim đập thình thịch, không ngủ được vì muốn ở chung phòng với người trong mộng.
Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, vẻ ngoài thanh tú của Jang Yeong-jin khiến ông được cấp trên yêu thích. Cứ đến mùa đông giá rét là người ta tranh nhau để nằm cạnh ông, vuốt ve, đôi khi hôn hít và cọ vào mặt ông. Có lúc họ còn thọc tay vào trong quần ông.
Jang Yeong-jin thường chạy đến bên trung đội trưởng, người dịu dàng và cuốn hút, để được ôm ấp. Ông giải thích rằng những điều như vậy được coi là hoàn toàn tự nhiên trong quân đội Triều Tiên, nhấn mạnh rằng chính “tình đồng chí cách mạng” này đã giúp những người lính trẻ có thể chịu đựng sự khắc nghiệt của đời sống quân ngũ trong 10 năm.
‘Tình đồng chí cách mạng’
Theo Lee Seong-hyuk – người từng phục vụ trong quân đội ở Bình Nhưỡng vào những năm 2010 và sau đó đào tẩu khi đang làm việc ở nước ngoài – đàn ông trưởng thành ở Triều Tiên thường hay nắm tay nhau và đi cùng nhau.
Vì đồng tính luyến ái không được nhà nước công nhận, nên những biểu hiện tình cảm giữa những người đàn ông được xem là “tình đồng chí cách mạng”, ông Lee giải thích.
“Ví dụ, trong đơn vị của chúng tôi, 120 người sống chung với nhau, và tất cả mọi người ngủ cạnh nhau, không mặc quần áo, âu yếm và cọ xát cơ thể với nhau. Khi những tân binh trẻ, dễ thương nhập ngũ, chúng tôi sẽ ôm họ, vòng tay qua vai họ và cọ xát vào họ. Vì không có phụ nữ, nên nếu một chàng trai trẻ đẹp bước vào, chúng tôi sẽ đối xử với anh ta như thể anh ta là phụ nữ để thỏa mãn ham muốn của mình.
Nhưng đây không phải là về việc một người có bản dạng tình dục ‘kỳ lạ’; mà chỉ là hậu quả của 10 năm chịu đựng ở một nơi thiếu vắng có phụ nữ. Điều này không có nghĩa là người đó thích những người đàn ông khác. Vì vậy, tôi không thấy lạ chút nào.
Trong quân đội, bạn không thể tránh khỏi việc đụng chạm cơ thể của mình với mọi người. Bạn ở trong hoàn cảnh mà bạn phải dâng hiến cơ thể cho nhau – vì vậy nếu thực sự thân thiết, bạn sẽ không có ác cảm với điều đó.
Cố gắng hiểu Triều Tiên bằng tư duy của người Hàn Quốc là điều không thể. Bạn cần nhìn Triều Tiên qua lăng kính riêng của chính nước này để hiểu một cách đầy đủ. Không hề có khái niệm về đồng tính luyến ái ở Triều Tiên – đó không phải là một phần của tri thức phổ thông. Họ [người Triều Tiên] chỉ đơn giản nghĩ rằng ai đó có ‘bệnh’ hoặc ‘bất lực’. Những người như thế có thể tồn tại, nhưng tôi tin rằng rất ít người Triều Tiên nhận ra bản thân mình như vậy.
Có các bệnh viện tâm thần, nhưng các bác sĩ tâm thần hoàn toàn bác bỏ những vấn đề như vậy. Đó là điều tuyệt đối không thể tồn tại, và nếu bị phát giác, họ [những người LGBTQ] sẽ bị bỏ tù ngay lập tức vì ‘những tội danh khác’ do chính quyền Triều Tiên coi đó là điều không thể mường tượng được.”
‘Giả vờ là một người đàn ông’
Park Soon-ja, một người đào tẩu ngoài 50 tuổi, nhớ lại bà có một người bạn thân thời thơ ấu họ Kim, từng phải vật lộn để thích ứng tập tục cuộc sống làng quê ở biên giới Triều Tiên – Trung Quốc vào những năm 1980.
Năm 24 tuổi, Kim gặp một người phụ nữ Hàn Quốc lai Nhật Bản, hơn bà tám tuổi và đã ly hôn. Một người hàng xóm đã nhìn thấy họ khỏa thân quấn lấy nhau trong phòng. Quá sốc, người này chạy đến báo cáo với lãnh đạo ủy ban nhân dân địa phương.
“Khi nghe câu chuyện, vị lãnh đạo [một phụ nữ khác] không tin và bảo người đó đừng bịa những chuyện như vậy nữa. Nhưng người phụ nữ này đã đưa vị lãnh đạo tới tận nơi. Khi chứng kiến hai người phụ nữ ở bên nhau, bà đã kinh hoàng và báo cáo sự việc. Cả hai đều bị lực lượng An ninh Nhà nước bắt giữ nhưng sau đó được thả ra.
Khi Kim 25 tuổi, bà ấy đến thăm nhà chúng tôi và nói rằng bà đã đi làm phẫu thuật ngực. Khi tôi hỏi tại sao, bà nói rằng đó là do khối u. Chị gái tôi sau đó nâng áo lên kiểm tra và hỏi: ‘Tại sao em lại giả vờ là đàn ông?’ Lúc đó, chúng tôi chỉ cười trừ.
Khi tôi gặp lại bà ấy lúc 45 tuổi, giọng nói của bà đã trở nên trầm đến mức mà tôi phải đùa: ‘Giọng nói của cô trầm quá đấy, phải do hút thuốc không?’ Bà trả lời bằng những tuyên bố vô lý, khăng khăng mình chắc chắn sinh ra là đàn ông, nhưng bị mẹ không nhận ra giới tính thật.
Bà nói rằng khi mình được sinh ra, cha mẹ nên phẫu thuật bộ phận sinh dục của bà, nhưng vì họ không làm thế, nên bà đã trở thành như vậy. Thật kỳ lạ.”
Thay đổi nhận thức
Ở Triều Tiên, khả năng công nhận sự đa dạng dường như cực kỳ bị hạn chế và ý chí bày tỏ ước muốn cá nhân sẽ bị đàn áp có hệ thống.
Giáo sư Jeon Joo Ram, một nhà tâm lý học từ Đại học Seoul chuyên tư vấn cho những người đào tẩu từ Triều Tiên, nói với BBC:
“Ở Triều Tiên, đồng tính luyến ái bị coi là hội chứng ghét xã hội. Đó được coi là hành động của những cá nhân bị tư bản chủ nghĩa làm tha hóa – bất hợp pháp và sai trái về mặt đạo đức, nên việc che giấu là hoàn toàn dễ hiểu.
Mặc dù hành vi đồng tính luyến ái rõ ràng tồn tại, nhưng các cuộc thảo luận về điều này như là vấn đề về bản dạng hoặc cách mà người ta nên hiểu ra sao thì hoàn toàn không xảy ra.
Khi tôi hỏi những người đào tẩu, một số người trả lời rằng họ sẽ bị ‘ném đá đến chết’; nhiều sinh viên cảm thấy khó chịu hoặc thẳng thừng từ chối chủ đề này,” vị giáo sư nói.
Nhưng Tiến sĩ Shin Hee-Seok, một nhà phân tích pháp lý từ Nhóm Công tác về Công lý Chuyển giao, một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Seoul, nói:
“Sự phân biệt đối xử hoặc đàn áp nhắm vào đồng tính luyến ái chắc chắn là một hành vi vi phạm nhân quyền theo luật nhân quyền quốc tế.”
Tiến sĩ Shin nói rằng Triều Tiên có nghĩa vụ tuân thủ nhân quyền quốc tế và nói rằng sự phân biệt đối xử như vậy vi phạm luật pháp quốc tế.
Triều Tiên là quốc gia ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó có các điều khoản chống phân biệt đối xử mà không có lý do chính đáng. Ngoài ra, khi gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1991, Triều Tiên đã ngầm đồng ý duy trì Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.
Tiến sĩ Shin chỉ ra rằng Báo cáo nhân quyền Triều Tiên do Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố năm 2023 chỉ đề cập một dòng về các vụ hành quyết bí mật, nhấn mạnh các báo cáo trước đây đã xuất hiện liên quan đến một cặp đồng tính nữ Hàn Quốc-Nhật Bản bị hành quyết công khai ở thành phố Chongjin, phía bắc của đất nước.
Ông chỉ ra:
“Trong các trường hợp đàn áp cộng đồng LGBTQ ở Triều Tiên, nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền không chỉ do chính quyền mà còn do người dân gây ra. Do đó, nhiều người đào tẩu đến Hàn Quốc có thể không có sự quan tâm, hoặc không muốn nói về những vấn đề này.
Thay đổi nhận thức mất nhiều thời gian, nhưng cần thêm thảo luận tích cực hơn để tiếp tục nêu lên vấn đề vì sao đây là một vấn đề về nhân quyền và tại sao sự đàn áp như vậy không nên xảy ra.”
Ông nói thêm:
“Với những hạn chế nghiêm trọng về thông tin bên trong Triều Tiên, cần phải tiếp cận thông tin, thu thập và tổ chức thông tin tốt hơn.
Cộng đồng quốc tế phải giải quyết những vấn đề này với chính quyền Triều Tiên và yêu cầu phản hồi.”
Minh họa: Kim Hyejin