Đẩy mạnh thanh trừng quân đội Trung Quốc : Lợi hay hại cho « đại phục hưng » của Tập Cận Bình ?

Một hôm sau khi nhật báo tài chính Anh Financial Times loan tin bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Đổng Quân (Dong Jun), bị điều tra về tham nhũng, hôm nay, 28/11/2024, chính quyền Trung Quốc thông báo một quan chức quân sự cấp cao của Bắc Kinh đã bị cách chức vì bị nghi ngờ « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật ». Đây là ví dụ mới nhất về một chiến dịch quy mô lớn của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm trấn áp nạn tham nhũng trong lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Đăng ngày: 28/11/2024

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Đổng Quân tại cuộc họp ADMM ở Viêng Chăn, Lào, ngày 21/11/2024.
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Đổng Quân tại cuộc họp ADMM ở Viêng Chăn, Lào, ngày 21/11/2024. AP – Anupam Nath

Thùy Dương

Theo AFP, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) hôm nay trong cuộc họp báo cho biết đảng Cộng Sản Trung Quốc « đã quyết định đình chỉ chức vụ của Miêu Hoa (Miao Hua) để chờ điều tra ». Các cáo buộc nhắm vào Miêu Hoa, một ủy viên của Quân ủy Trung ương đầy quyền lực của Trung Quốc, nhân vật thân cận của chủ tịch Tập Cận Bình, chưa được công bố cụ thể, nhưng cụm từ « vi phạm kỷ luật nghiêm trọng » thường được giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng để chỉ các hành vi tham nhũng.

Liên quan đến vụ nhật báo tài chính Anh Financial Times loan tin bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Đổng Quân (Dong Jun), bị nhắm tới trong một cuộc điều tra tham nhũng, phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Ngô Khiêm tỏ ra bất bình, khẳng định đây chỉ là thông tin « bịa đặt », « vu khống » của « những kẻ tung tin đồn ác ý ».

Chỉ tính riêng từ mùa hè năm 2023 tới nay, đã có gần 20 quan chức quân sự và công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc bị cách chức, trong đó có 2 vị bộ trưởng Quốc Phòng. Như vậy là chiến dịch chống nham nhũng quy mô lớn của Tập Cận Bình từ khi ông lên làm chủ tịch nước hồi năm 2012 đã lan sang cả quân đội. Nếu vụ cách chức bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân được xác nhận, có thể thấy cuộc thanh trừng quân đội của Tập Cận Bình cũng ngày càng mở rộng.

Còn theo giáo sư trợ giảng Dylan Loh, đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, vụ Đổng Quân và Miêu Hoa không nhất thiết có liên quan với nhau nhưng, cũng cho thấy « sự dai dẳng của các vấn đề liên quan đến tham nhũng và kỷ luật » trong quân đội Trung Quốc, bất chấp « những nỗ lực đáng kể của Tập Cận Bình ».

Theo AFP, những người ủng hộ Tập Cận Bình xem những vụ thanh trừng này là một công cụ quản lý tốt, nhưng cũng có nhiều người cho rằng đây là công cụ để ông Tập trừ khử các đối thủ chính trị.

Ankit Panda, chuyên gia tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, một tổ chức tư vấn của Mỹ, nói với AFP : « Tập Cận Bình dường như có sự « ngờ vực mãn tính về các quan chức quân sự cấp cao ».

Các nhà phân tích cũng tin rằng các vụ thanh trừng hiện nay có liên quan đến một cuộc điều tra rộng hơn nhắm vào Lực lượng Tên lửa, một đơn vị có vai trò thiết yếu về tên lửa hạt nhân và tên lửa quy ước của quân đội Trung Quốc.

Hai vị cựu bộ trưởng quốc phòng bị hạ bệ, Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghen) và Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), đều từng giữ chức vụ tại đơn vị này. Ngoài ra, còn có 3 quan chức cấp cao khác của các tổ chức Nhà nước về phòng thủ tên lửa đã bị cách chức hồi tháng 12/2023. Lãnh đạo Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) và chánh văn phòng Tôn Kim Minh (Sun Jinming) cũng bị khai trừ khỏi Đảng và bị điều tra vào tháng 7/2024.

Ông Đổng Quân, được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc Phòng vào tháng 12/2023, đã trải qua toàn bộ sự nghiệp trong lực lượng hải quân, chứ không có liên hệ gì với lực lượng tên lửa. Nếu được xác nhận, theo như Neil Thomas, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asia Society của Mỹ, nói với AFP, việc ông Đổng Quân bị cáo buộc cho thấy « tham nhũng trong quân đội Trung Quốc thậm chí còn sâu rộng hơn chúng ta tưởng tượng ».

Nhìn từ một góc độ khác, chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào quân đội Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Bắc Kinh đang tăng cường sức mạnh quân sự và gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan và quanh các vùng mà Bắc Kinh đòi chủ quyền ở Biển Đông. 

Các nhà phân tích nhận định tham nhũng trong quân đội có thể ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Và như vậy là sẽ tác động đến khả năng đạt được các mục tiêu quân sự và hoàn thành công cuộc « đại phục hưng » mà Tập Cận Bình đề ra, theo phân tích của Heather Williams, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ.

Quả thực, hãng tin Bloomberg, trích dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ, khẳng định rằng nạn tham nhũng tràn lan trong Lực lượng Tên lửa có thể dẫn đến trục trặc ở một số thiết bị và họ còn sử dụng nước thay vì đổ nhiên liệu. Nếu điều này được xác nhận, thì theo các nhà khoa học Mỹ, hoạt động của tên lửa có thể bị ảnh hưởng, tác động đến mức độ chuẩn bị của lực lượng hạt nhân Trung Quốc.

Trong khi đó, Joel Wuthnow, giáo sư tại đại học Quốc Phòng Hoa Kỳ, nhận định chiến dịch hiện tại « đặt ra câu hỏi là Tập Cận Bình còn có thể tin tưởng những ai và về mức độ nghiêm trọng của các vụ bê bối dẫn đến sự ra đi của các quan chức cấp cao này (…) Điều này chắc chắn sẽ có tác động đánh lạc hướng rất lớn (…) khi ông gây áp lực để quân đội Trung Quốc phải sẵn sàng tiến hành chiến tranh với Đài Loan vào năm 2027 ».

AFP nhắc lại là trong tháng 11, ông Tập Cận Bình đã đi thị sát các đơn vị không quân ở tỉnh Hồ Bắc (miền trung), khuyến khích diệt trừ nạn tham nhũng và « tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội ».

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng, nếu đúng là vị bộ trưởng Quốc Phòng thứ ba liên tiếp bị Bắc Kinh xử lý kỷ luật, mục tiêu của việc tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội có thể bị cản trở. Ví dụ, theo Victor Shih, một chính trị gia và cũng là chuyên gia về giới lãnh đạo Trung Quốc, cuộc tranh giành các chức vụ cấp cao khốc liệt đến mức các sĩ quan có thể đổ lỗi cho nhau, dẫn đến vòng xoáy không hồi kết: bắt giữ, đề cử mới, rồi lại cáo buộc mới.

Bài Liên Quan

Leave a Comment