Đông Nam Á và xu hướng giới lãnh đạo quân đội lên cầm quyền

Gần một nửa trong số các quốc gia Đông Nam Á hiện do các cựu tướng lãnh quân đội hay tập đoàn quân phiệt điều hành. Trang tin Deutsche Welle của Đức, ngày 20/11/2024, tự hỏi : « Vì sao giới lãnh đạo quân phiệt thống trị nền chính trị Đông Nam Á ? »

Đăng ngày: 28/11/2024

Le président chinois Xi Jinping et son homologue indonésien Prabowo Subianto au Palais du peuple de Pékin le 9 novembre 2024.
Ảnh minh họa: Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto được chủ tịch Trung Quốc tiếp đón tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 09/11/2024. AP – Florence Lo

Minh Anh

Hiện trạng

Đầu tiên, tác giả bài viết, David Hutt, lần lượt liệt kê: Tháng 10/2024, tại Việt Nam, ông Lương Cường, một đại tướng quân đội, được bổ nhiệm làm chủ tịch nước. Ông là tướng quân đội thứ hai, sau ông Lê Đức Anh (1992 – 1997), giữ chức chủ tịch nước.

Cũng trong thời gian này, tại Indonesia, ông Prabowo Subianto, cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, bị giải ngũ năm 1998 sau những cáo buộc về lạm dụng quân sự, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống của quốc gia có đông dân theo Hồi giáo nhất thế giới.

Theo nhận định của trang New Mandala, chuyên về các hồ sơ Đông Nam Á, thuộc trường đại học Quốc gia Úc (ANU), chính phủ của ông Prabowo được cho là « nội các quân sự hóa nhất » của Indonesia kể từ khi chế độ độc tài Suharto sụp đổ năm 1998.

Ở những nơi khác, phần lớn đất nước Miến Điện nằm dưới sự kiểm soát của tập đoàn quân sự trở lại cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021. Ở Cam Bốt, sau nhiều năm cầm quyền, Hun Sen đã trao chiếc ghế thủ tướng cho con trai cả Hun Manet, một cựu lãnh đạo quân đội. Còn tại nước láng giềng Thái Lan, quân đội, sau một thời gian nắm quyền 2014 – 2023, giờ vẫn gây ảnh hưởng đáng kể đến nền chính trị đất nước.

Chỉ có Brunei, Malaysia và Singapore là còn liên tục duy trì quyền kiểm soát dân sự đối với quân đội. Nói một cách rõ ràng, Brunei là một chế độ quân chủ chuyên chế, trong khi tại Malaysia và Singapore, các chính đảng chiếm ưu thế từ lâu đã gạt sự can thiệp quân sự sang một bên.

Philippines thì đã chứng kiến sự can thiệp của quân đội vào nền chính trị năm 1986, khi lực lượng vũ trang giúp lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos trong cuộc cách mạng nhân dân. Nhưng kể từ đó, lực lượng vũ trang Philippines đã nằm dưới sự kiểm soát của dân sự, với tổng thống là tổng tư lệnh.

Nỗi lo an ninh quốc gia

Làm thế nào giải thích cho sự trỗi dậy của giới lãnh đạo « quân sự hóa » tại Đông Nam Á ? Trả lời DW, ông Joshua Kurlantzick, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng, « quân đội, từng được cho là gần như tuyệt chủng với tư cách là những người cai trị, với một vài ngoại lệ nhỏ như Thái Lan, đã hồi sinh và nắm quyền điều hành ở nhiều nơi, thậm chí vượt ra ngoài vùng Đông Nam Á. »

Các cuộc đảo chính gần đây trên khắp vùng Sahel ở châu Phi và ảnh hưởng quân sự mới ở Pakistan và Ai Cập là một phần trong sự thay đổi toàn cầu này.

Paul Chambers, giảng viên và cố vấn về Quan hệ Quốc tế, trường đại học Naresuan tại Thái Lan, ghi nhận hiện tượng quân sự hóa ở Đông Nam Á đã tăng tốc từ năm 2014, trùng khớp với sự dịch chuyển của khu vực sang chủ nghĩa chuyên chế. Theo ông, « sự xuất hiện đột ngột của hiện tượng quân sự hóa trong năm 2024 không có gì thật sự bất ngờ, bởi vì quyền lực của quân đội trong chính trị luôn tồn tại , dù đôi khi là trong bóng tối. »

Nỗi lo ngại về an ninh gia tăng, đặc biệt là ở Biển Đông, có thể đã khuếch đại ảnh hưởng của quân đội. Thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực đã làm gia tăng căng thẳng, trao cho quân đội quyền lực lớn hơn trong việc hoạch định chính sách tại nhiều nước như Việt Nam và Indonesia. Dù vậy, Philippines – quốc gia đi đầu trong các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc – đã phản đối quân sự hóa chính trị.

Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự tại Đông Nam Á đã tăng hơn gấp hai lần từ 20,3 tỷ đô la trong năm 2000 lên thành 43,3 tỷ vào năm 2021. Tuy nhiên, các quốc gia chi tiêu cho quốc phòng cao nhất trong khu vực tính theo tỷ lệ % của GDP là Singapore, Brunei và Malaysia chủ yếu là những nước mà quân đội không có quyền lực đối với các chính trị gia dân sự.

… và chính trị trong nước

Thế nhưng, các chuyên gia xem « chính trị nội bộ» mới là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Trả lời DW, nhà nghiên cứu Chambers ghi nhận « các mức độ quân sự hóa khác nhau » trong khu vực, đôi khi là do « khả năng của các tướng lĩnh còn tại ngũ hay đã về hưu giành được các vị trí chủ chốt trong đảng ».

Cũng theo ông Chambers, tại Thái Lan, hoàng gia đầy quyền lực « trong nhiều thập kỷ đã ủng hộ các cuộc đảo chính quân sự, khiến Thái Lan tuy luôn bên bờ dân chủ hóa nhưng vẫn bị quân đội giám hộ ». Tại Miến Điện, quân đội cai trị gần như liên tục từ năm 1962 đến năm 2015 trước khi nắm quyền trở lại vào năm 2021 để bảo vệ các lợi ích cố hữu của mình. Đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP) cầm quyền có ảnh hưởng rất lớn đến quân đội, vốn đã trở thành « công cụ quyền hành bạo lực » để gia tộc họ Hun thống trị, theo như một bài tham luận của Chambers năm 2020.

Còn tại Việt Nam, đảng Cộng sản ngày càng bị chia cắt giữa các cơ quan an ninh khác nhau. Hai phần ba trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của đảng, là xuất thân từ ngành công an hoặc quân đội, theo tường thuật gần đây của Channel News Asia.

Mối liên kết quân đội – doanh nghiệp

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, chuyên gia cao cấp Chương trình Nghiên cứu Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS – Yusof Ishak tại Singapore, cho rằng điều đó một phần là do quyền lực rộng lớn của các doanh nghiệp mà quân đội điều hành. Quân đội Nhân dân Việt Nam quản lý một số tập đoàn hàng đầu, bao gồm cả Viettel, hãng viễn thông lớn nhất nước, và Sài Gòn Tân Cảng, đơn vị khai thác cảng container lớn nhất.

Trong một báo cáo do Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế công bố hồi tháng 8/2024, được DW dẫn lại, các nhà nghiên cứu đã nêu bật xu hướng chung, đó là ảnh hưởng của quân đội trên toàn cầu được thúc đẩy bởi động lực quyền lực giữa các lực lượng vũ trang, giới lãnh đạo nhà nước và lĩnh vực tư nhân.

Theo lý thuyết dân chủ thông thường, rằng quyền tự chủ rộng hơn và ảnh hưởng lớn hơn của lĩnh vực tư nhân sẽ thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa. Thế nhưng, báo cáo nhận thấy rằng mối quan hệ quân đội – doanh nghiệp thường kìm hãm tiến trình dân chủ hóa và đôi khi dẫn đến can thiệp quân sự trong chính trị để bảo vệ các lợi ích của lĩnh vực tư nhân, đặc biệt khi khu vực này bị các nhà tài phiệt quyền lực thống trị. Đây chính là trường hợp của nhiều nước ở Đông Nam Á.

Prabowo, tổng thống Indonesia, là anh trai của doanh nhân giầu nhất nước, ông Hashim Djojohadikusumo. Quân đội Miến Điện thì kiểm soát các lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của đất nước. Theo ông Kurlantzick, « việc quân đội ngày càng mở rộng quyền lực, trong hầu hết mọi trường hợp, là một tác động tiêu cực đến nền dân chủ và các quyền của người dân. Điều này thường dẫn đến tình trạng là quân đội liên kết với giới tài phiệt và các chính trị gia sẵn sàng phá hoại tăng trưởng kinh tế và đổi mới. »

Bài Liên Quan

Leave a Comment