Trong bối cảnh thỏa thuận ngưng bắn giữa Israel với tổ chức Hezbollah ở Liban chính thức có hiệu lực từ hôm qua, 27/11/2024, xung đột ở dải Gaza vẫn không có dấu hiệu lắng xuống. Giới chuyên gia nhận định Nhà nước Do Thái có thể gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng lãnh thổ Palestine này, tuy nhiên, người dân Gaza hy vọng tổ chức Hamas sẽ nối gót Hezbollah và đàm phán với Israel.
Đăng ngày: 28/11/2024
Từ Jerusalem, thông tín viên Rami Al Meghari và Sami Boukhelifa gửi về bài phóng sự :
Tại Gaza, giáo sư Raed Najm, một học giả chuyên về quan hệ quốc tế, không có từ nào khác để mô tả thỏa thuận ngưng bắn giữa Israel và Hezbollah, đó là “sự đầu hàng” của lực lượng dân quân Hồi Giáo Shia.
Raed Najm nói : “Mặt trận Liban đã bùng lên để hỗ trợ Gaza. Nhưng sau thỏa thuận ngưng bắn giữa Israel và Hezbollah, có thể nói là Gaza đã mất đi một sự hậu thuẫn lớn. Hậu quả là Hamas và các lực lượng khác đang chiến đấu tại Gaza sẽ bị suy yếu.”
Lý do là Israel có thể rút quân khỏi miền bắc và tăng cường sự hiện diện trong vùng lãnh thổ Palestine. Hamas cho biết sẵn sàng đàm phán trở lại để chấm dứt chiến tranh. Theo Raed Najm, Hamas nên nghiêm túc xét đến một giải pháp chính trị.
Ông nói tiếp : “Hezbollah đã ủy quyền cho chính phủ Liban đàm phán với Israel. Hamas cũng nên làm tương tự với chính quyền Palestine. Israel sẽ rơi vào một tình thế khó xử, bởi Nhà nước Do Thái không thể tiếp tục nói rằng họ không thể tiến hành bất kỳ đối thoại nào với một nhóm vũ trang này. Họ sẽ phải đối mặt với một chính quyền đại diện cho người dân Palestine. Và như vậy, có thể đưa toàn bộ vấn đề Palestine trở lại tâm điểm của các cuộc đàm phán.
Đây là một kịch bản lạc quan, nhưng cũng có một khả năng khác mang tính cực đoan hơn. Raed Najm nói : “Hamas cũng cho biết sẵn sàng tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang lâu dài, và đã chuẩn bị cho điều đó. Nhưng kịch bản này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân Gaza, vốn đã quá mệt mỏi với cuộc chiến này.”