Ngày 27/11/2024, các nước Bắc Âu và vùng Baltic họp thượng đỉnh tại Harpsund, Thụy Điển trong bối cảnh nghi ngờ « chiến tranh hỗn hợp » ở biển Baltic sau hai vụ cáp ngầm bị phá hoại. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã đề xuất thành lập một lực lượng cảnh sát ở biển Baltic để bảo vệ « các cơ sở hạ tầng chiến lược ».
Đăng ngày: 28/11/2024
Theo thủ tướng Ba Lan, « cần phải có những công cụ mới để chống lại các mối đe dọa ». Sáu nước còn lại (Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Latvia, Estonia) bày tỏ « quan tâm » đến đề xuất lập « đội cảnh sát tuần tra » trên biển Baltic, vì những nước này « có chung đánh giá về mặt an ninh liên quan đến các công trình hạ tầng trọng yếu và các nguồn tài nguyên chiến lược ở biển Baltic ».
Các nước Bắc Âu và Baltic thường xuyên cáo buộc Nga tiến hành « những cuộc tấn công hỗn hợp », trong đó có vụ cắt hai tuyến cáp dưới đáy biển Baltic ngày 17-18/11, mà tàu Yi Peng 3 của Trung Quốc bị tình nghi là thủ phạm. Hải quân Đan Mạch và tuần duyên Thụy Điển giám sát con tàu bị giữ ở eo biển Kettegat từ một tuần nay.
Theo AFP, ngày 27/11, Latvia thông báo lập một nhóm điều tra chung với Thụy Điển và Phần Lan, do Eurojust – cơ quan hợp tác tư pháp Liên Hiệp Châu Âu – điều phối, để tìm hiểu xem « liệu các tuyến cáp có bị chủ ý phá hoại nhằm mục đích lật đổ hoặc khủng bố hay không ». Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal cho biết các nhà điều tra nghi ngờ tàu hàng Trung Quốc đã cố tình kéo neo dưới đáy biển hơn 100 hải lý (160 km) để cắt các tuyến cáp.
Thụy Điển từ bỏ 13 dự án điện gió ngoài khơi Baltic
Để đề phòng các « vụ tấn công hỗn hợp » và mối đe dọa Nga, Thụy Điển đã từ bỏ 13 dự án điện gió ở ngoài khơi biển Baltic. Ngày 27/11, quân đội Thụy Điển giải thích rằng dự án này « sẽ kéo theo những rủi ro không chấp nhận được cho quốc phòng của Thụy Điển cũng như các đồng minh » NATO.
Trả lời RFI, Sophie Enos Attali, chuyên gia về Thụy Điển tại Viện Công Giáo Paris (Institut catholique de Paris), giải thích :
« Những trang trại điện gió này có những tua bin kích thước lớn, hoạt động dưới đáy biển. Cho nên họ lo là do kích thước và do chuyển động, những tua bin này ảnh hưởng đến các radar, các bộ cảm biến ngầm và như vậy sẽ gây khó khăn cho hoạt động giám sát quân sự dưới đáy biển.
Các dự án bị bác nằm không xa đảo Öland. Đây là hòn đảo có vị trí chiến lược và vô cùng nhạy cảm. Nằm khá gần Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga, đảo Öland đã được Thụy Điển tái vũ trang cách đây vài năm, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée và theo đuổi một chiến lược “hung hăng” hơn. Vì thế, để có thể kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Thụy Điển, không được có bất kỳ cản trở nào quanh đảo Öland ».