Bị bóp nghẹt và xóa bỏ, thập kỷ đấu tranh ở Hong Kong chìm dần vào quên lãng

Sau một thập kỷ bùng nổ của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, hy vọng về một thành phố tự do hơn dần tan biến trong sự đàn áp của Bắc Kinh
Chụp lại hình ảnh,Sau một thập kỷ bùng nổ của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, hy vọng về một thành phố tự do hơn dần tan biến dưới sự đàn áp của Bắc Kinh

  • Tác giả,Tessa Wong, Grace Tsoi, Vicky Wong và Joy Chang
  • Vai trò,BBC News
  • 1 tháng 12 2024

Ký ức bắt đầu ùa về khi Kenneth dạo bước qua Công viên Victoria ở Hong Kong, nơi từng là tâm điểm kháng cự của thành phố này trước Trung Quốc.

Hồi nhỏ, Kenneth thường mua những bức thư pháp từ các chính trị gia ủng hộ dân chủ tại hội chợ Tết Nguyên đán thường niên.

Bước vào tuổi thanh niên, anh từng tham gia các cuộc tuần hành, luôn khởi đầu từ công viên này trước khi đi khắp thành phố.

Lúc mới 12 tuổi, Kenneth bắt đầu tham dự những buổi tưởng niệm lớn vụ thảm sát Thiên An Môn được tổ chức tại công viên này – một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc đại lục, nhưng được tưởng niệm công khai ở Hong Kong.

Những buổi tưởng niệm như vậy không còn nữa. Những gian hàng của các chính trị gia tại hội chợ đã biến mất, các cuộc biểu tình đã bị dập tắt và những nhà vận động dân chủ bị bỏ tù.

Kenneth cảm thấy thời kỳ trưởng thành chính trị của mình – và của Hong Kong – đang bị xóa bỏ.

“Mọi người vẫn tiếp tục sống… nhưng bạn có thể cảm nhận những thay đổi đang dần len lỏi,” một người từng là nhà hoạt động nói với chúng tôi với điều kiện giữ kín danh tính.

“Thành phố của chúng tôi đang mất dần bản sắc.”

Bề ngoài Hong Kong vẫn vậy, những chiếc xe điện chật cứng người vẫn ầm ĩ chạy trên những con phố tấp nập, sự náo nhiệt dưới ánh đèn neon rực rỡ chưa hề giảm sút.

Nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy những dấu hiệu thay đổi của thành phố – từ những tòa nhà chọc trời sáng đèn mỗi đêm với những lời ca ngợi đất mẹ Trung Quốc, đến tiếng Quan Thoại ngày càng phổ biến bên cạnh tiếng Quảng Đông bản địa của Hong Kong.

Không thể biết được có bao nhiêu trong số bảy triệu dân Hong Kong hoan nghênh sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, có hàng trăm ngàn người đã tham gia những cuộc biểu tình trong thập kỷ qua, kể từ khi phong trào dân chủ nổ ra vào năm 2014.

Dù không phải ai cũng ủng hộ biểu tình, không có mấy người phủ nhận việc Bắc Kinh đã ra tay đàn áp.

Một thập kỷ biến động sắp sửa kết thúc, ước vọng một Hong Kong tự do hơn cũng dần lụi tàn.

Trung Quốc tuyên bố đã dập tắt thành công ngọn lửa bất ổn ở thành phố này.

Hàng trăm người đã bị bỏ tù theo một luật an ninh quốc gia (NSL) bao trùm. Luật này cũng đã khiến hàng ngàn người Hong Kong vỡ mộng và cảnh giác bỏ ra nước ngoài, bao gồm cả những nhà hoạt động sợ hãi hoặc trốn lệnh bắt giữ.

Những người khác, như Kenneth, đã ở lại và chọn sống thầm lặng.

Nhưng đối với nhiều người trong số họ, ký ức về một Hong Kong tự do hơn vẫn tồn tại. Đó là khung cảnh họ đang cố gắng níu giữ dưới những biến đổi Bắc Kinh mang tới thành phố.

Hàng ngàn người đã đổ ra đường trong các cuộc biểu tình năm 2014, được gọi là Phong trào Dù vàng và Chiếm Trung hoàn
Chụp lại hình ảnh,Hàng ngàn người đã đổ ra đường trong các cuộc biểu tình năm 2014, được gọi là Phong trào Dù vàng và Chiếm Trung Hoàn

Việc trao trả Hong Kong, khi đó là thuộc địa của Anh, cho Trung Quốc vào năm 1997 được thực hiện với cam kết rằng thành phố này sẽ được giữ một số quyền, bao gồm tự do ngôn luận, tự do hội họp và hệ thống pháp quyền trong 50 năm.

Nhưng khi sự bành trướng quyền lực của Bắc Kinh dâng cao, nỗi bất bình của phe ủng hộ dân chủ ở Hong Kong theo đó cũng dâng lên.

Vào tháng 9/2014, hàng chục ngàn người đã biểu tình ngồi tại khu vực trung tâm của Hong Kong, yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ toàn diện.

Sự kiện này đã đưa một thế hệ mới các nhà vận động dân chủ lên vị trí nổi bật – chẳng hạn như Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), khi đó là một học sinh 17 tuổi, và giáo sư đại học Benny Tai (Đới Diệu Đình), người đã đặt tên phong trào này là Chiếm Trung hoàn.

Phong trào đã đặt nền móng cho những cuộc biểu tình bùng nổ hơn vào năm 2019, nổ ra do Bắc Kinh đề xuất dẫn độ người Hong Kong sang đại lục.

Đề xuất đã bị hủy bỏ, nhưng các cuộc biểu tình tiếp tục lớn mạnh trong vài tháng khi có thêm nhiều lời kêu gọi mở rộng dân chủ, tạo ra thách thức nghiệm trọng nhất đối với quyền lực của Bắc Kinh ở Hong Kong.

“Không có Benny Tai thì không có Chiếm Trung Hoàn,” ông Chan Kin-man (Trần Kiện Dân), người đồng khởi xướng chiến dịch cùng ông Tai và mục sư Chu Yiu-ming (Chu Diệu Minh), nói.

“Ông ấy có khí chất học giả và [dám] nói ra suy nghĩ… Đó là lý do tại sao ông ấy đủ táo bạo để thúc đẩy những thay đổi và nghĩ tới những ý tưởng lớn. Chính những người [như vậy] là người làm nên lịch sử.”

Các ông Chu (trái), Tai (giữa) và Chan là những người đi đầu trong phong trào Chiếm Trung hoàn năm 2014
Chụp lại hình ảnh,Các ông Chu (trái), Tai (giữa) và Chan là những người đi đầu trong phong trào Chiếm Trung Hoàn năm 2014
Vào năm 2013, bộ ba này đã tổ chức sinh nhật cho ông Tai bằng cách giơ cao món quà sinh nhật là những bức chạm khắc gỗ có dòng chữ "kiên trì, hòa bình, tình yêu"
Chụp lại hình ảnh,Vào năm 2013, bộ ba này đã tổ chức sinh nhật cho ông Tai bằng cách giơ cao món quà sinh nhật là những bức chạm khắc gỗ có dòng chữ “kiên trì, hòa bình, tình yêu”

Ông Chan và mục sư Chu đều đang lưu vong tại Đài Loan.

Ông Chan tới Đài Loan vào năm 2021, sau khi ngồi tù 11 tháng về tội kích động gây rối trật tự công cộng với vai trò trong phong trào Chiếm Trung Hoàn.

Hiện ông là nghiên cứu viên tại một viện nghiên cứu ở Đài Loan.

Ông Tai vẫn đang ở Hong Kong, nơi ông sẽ ngồi tù trong suốt thập kỷ tới.

Vào tháng 11, ông đã bị kết án tù về tội lật đổ chính quyền, cùng với hơn 40 nhà vận động dân chủ khác, bao gồm cả Wong. Nhiều người trong số họ đã bị giam giữ kể từ khi bị bắt vào đầu năm 2021.

Khi Wong rời phiên tòa, anh đã hét lên: “Tôi yêu Hong Kong.”

Ngày hôm sau, tỷ phú 76 tuổi Jimmy Lai (Lê Trí Anh), một nhà phê bình gay gắt Trung Quốc, đã ra tòa với cáo buộc thông đồng với các thế lực nước ngoài.

Gầy gò nhưng ngang tàng, ông nói với tòa án rằng tờ báo Apple Daily đã ngừng hoạt động của ông luôn ủng hộ các giá trị của nhân dân Hong Kong: “Theo đuổi dân chủ và tự do ngôn luận.”

Các phiên tòa diễn ra lặng lẽ, trái ngược với những sự kiện đã dẫn đến chúng. Những gợn sóng nhỏ biểu tình bên ngoài tòa án nhanh chóng bị dập tắt – một người phụ nữ nức nở vì bản án của con trai đã bị cảnh sát đưa đi.

Bắc Kinh biện hộ rằng các hạn chế – bao gồm cả NSL dẫn tới những phiên tòa đang diễn ra – là cần thiết để duy trì ổn định.

Họ nói rằng phương Tây hoặc các đồng minh của phương Tây không có quyền nghi ngờ luật pháp và cách họ áp dụng luật pháp của mình.

Dù vậy, giới phê bình cáo buộc Trung Quốc không thực hiện đúng thỏa thuận họ đã ký kết vào năm 1997, nói rằng Trung Quốc đã làm suy yếu các tòa án của Hong Kong và bịt miệng những lời kêu gọi đòi dân chủ từng vang lên khắp thành phố này.

Ông Chan tới sống ở Đài Loan từ năm 2021
Chụp lại hình ảnh,Ông Chan tới sống ở Đài Loan từ năm 2021

Từ xa, ông Chan theo dõi dòng sự kiện với trái tim nặng trĩu.

Sau năm 2014, vẫn còn khả năng cho thay đổi, ông nói. Giờ, “rất nhiều điều đã thành bất khả thi… Hong Kong hiện đã trở thành không khác gì các thành phố khác của Trung Quốc.”

Đối mặt với hiện thực này sau hơn một thập kỷ vận động dân chủ, “bạn có thể nói rằng tất cả những gì tôi làm trong đời đều đã thất bại,” ông nói với một nụ cười gượng gạo.

Nhưng ông vẫn chưa bỏ cuộc. Bên cạnh việc dạy học về xã hội Trung Quốc, ông đang viết một cuốn sách về Chiếm Trung hoàn, sưu tầm tư liệu cho một kho lưu trữ về phong trào biểu tình ở Hong Kong, đồng thời tổ chức hội nghị và dạy học trực tuyến về các vấn đề dân chủ và chính trị.

Những nỗ lực này “khiến tôi cảm thấy mình chưa từ bỏ Hong Kong. Tôi không nghĩ rằng mình đã bỏ mặc nó”.

Dẫu vậy, đôi lúc ông thấy dằn vặt về quyết định ra đi.

Ông hạnh phúc hơn khi ở Đài Loan, nhưng trong lòng có “một cảm giác mất mát”.

“Tôi có còn sát cánh cùng những người Hong Kong khác và đối mặt với những thách thức giống họ không?”

Những chiếc xe điện mang đặc sắc của Hong Kong vẫn ầm ĩ chạy trên phố...
Chụp lại hình ảnh,Những chiếc xe điện mang đặc sắc của Hong Kong vẫn ầm ĩ chạy trên phố…
Và ánh đèn neon rực rỡ chưa hề giảm bớt
Chụp lại hình ảnh,Và ánh đèn neon rực rỡ chưa hề giảm bớt

“Nếu bạn không hít thở không khí ở đây, bạn không thực sự biết điều gì đang diễn ra… nếu bạn không cảm nhận được nhịp sống của nơi này, có nghĩa là bạn đã rời đi rồi,” Kenneth nói, khi tiếp tục rảo bước quanh công viên Victoria.

Với việc một loạt bạn bè rời thành phố trong vài năm qua, anh không còn nhớ mình đã dự bao nhiêu bữa tiệc chia tay.

Tuy nhiên, anh vẫn cương quyết ở lại: “Đây là cội rễ của tôi.”

Điều khiến anh khó chịu là lời lẽ của những người rời đi, rằng Hong Kong mà họ biết đã chết.

“Hong Kong vẫn tiếp tục tồn tại. Người dân của nó vẫn ở đây! Sao họ có thể nói rằng Hong Kong đã chết cơ chứ?”

Nhưng anh cũng thừa nhận rằng đã có những thay đổi đáng kể.

Giờ đây, người dân Hong Kong phải suy xét cẩn trọng trước khi nói ra những suy nghĩ của mình, Kenneth chia sẻ.

Nhiều người đã thích nghi với “tình trạng giám sát đã trở thành chuyện thường ngày”.

Có những lằn ranh đỏ, nhưng rất khó để xác định chúng.

Thay vì công khai vận động, những nhà hoạt động chuyển sang viết đơn kiến nghị.

Mít tinh, tuần hành và biểu tình phản đối chắc chắn bị cấm, anh nói thêm.

Nhưng nhiều người, ví dụ như Kenneth, thận trọng về việc tham gia bất kỳ hình thức hoạt động nào vì sợ sẽ bị bắt.

Mới đây, một cái áo, những bài viết trên mạng xã hội và sách tranh cũng đã bị coi là vi phạm pháp luật và khiến những chủ nhân của chúng phải vào tù với tội danh phản quốc.

Công viên Victoria từng là nơi tổ chức lễ cầu nguyện thường niên cho các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn
Chụp lại hình ảnh,Công viên Victoria từng là nơi tổ chức lễ cầu nguyện thường niên cho những nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn
Lễ hội trung thu mới đây tổ chức tại công viên này đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Chụp lại hình ảnh,Lễ hội trung thu mới đây tổ chức tại công viên này đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Dạo này, Kenneth ít ra ngoài hơn.

“Sự tương phản giờ đây rất gắt. Tôi không muốn nhớ lại những gì đã diễn ra trong quá khứ.”

Dù vậy, khi bước ra khỏi công viên và hướng về phía quận Kim Chung (Admiralty), nhiều ký ức lại ùa về.

Khi tới gần trụ sở chính quyền, anh chỉ tay vào chỗ mình bị sặc hơi cay lần đầu vào ngày 28/9/2014.

Hôm ấy, cảnh sát đã ném 87 quả lựu đạn cay vào những người biểu tình không vũ trang – một hành động khiến người biểu tình phẫn nộ và càng thúc đẩy phong trào đòi dân chủ.

Khi các cuộc biểu tình leo thang và hơi cay được sử dụng khắp nơi, nhiều người biểu tình đứng núp sau những chiếc ô, tạo ra một tên gọi mới – Phong trào Dù vàng.

Kenneth bị sặc hơi cay lần đầu tiên vào ngày 28/9/2014
Chụp lại hình ảnh,Kenneth bị sặc hơi cay lần đầu tiên vào ngày 28/9/2014

Điểm dừng chân cuối cùng là Đại học Bách khoa Hong Kong, hay còn gọi là PolyU, nơi anh từng theo học.

Nơi này từng là chiến địa chính của những cuộc biểu tình năm 2019. Tại đây, người biểu tình đã chiến đấu với cảnh sát trên đường phố, ném đủ món đồ để đối chọi với lựu đạn hơi cay, vòi rồng và đạn cao su.

Sau năm năm, lối vào của PolyU, nơi sinh viên chống trả cảnh sát bằng gạch đá và bom xăng trong một cuộc đấu dữ dội, đã được sửa sang.

Một đài phun nước từng chứng kiến những cuộc đụng độ khốc liệt nhất đã bị phá hủy.

Tương tự những nơi khác ở Hong Kong, khuôn viên trường dường như đã bị gột bỏ đi quá khứ bất tuân.

Kenneth tin rằng đó là vì nhà trường “không muốn mọi người nhớ tới một vài điều”.

Sau đó, anh chạy nhanh tới một khu vực yên tĩnh.

Ẩn dưới những bụi cây là một bức tường thấp có đầy lỗ và những mảng bê tông bong tróc. Không rõ nó từng là gì. Nhưng Kenneth tin rằng đây là những dấu tích của cuộc chiến đã thoát khỏi đòn thanh trừng ký ức.

“Tôi không tin chúng tôi sẽ quên những điều đã diễn ra,” anh nói. “Quên đi quá khứ là một dạng phản bội.”

Bức tường rỗ xây bằng màu gạch đỏ đặc trưng của PolyU
Chụp lại hình ảnh,Bức tường xây bằng gạch đỏ đặc trưng của PolyU
Kenneth có một bộ sưu tập bí mật những kỷ vật đi biểu tình
Chụp lại hình ảnh,Kenneth có một bộ sưu tập bí mật những kỷ vật đi biểu tình

Tại một quán cà phê Tesco ở Watford (Anh), Kasumi Law hồi tưởng lại những điều cô nhớ về cố hương.

“Tôi chưa từng nghĩ sẽ yêu biển ở Hong Kong tới vậy. Tôi chỉ nhận ra điều đó khi đã tới Anh,” cô nói trong lúc ăn bữa sáng kiểu Anh.

Không giống như đại dương tăm tối và lạnh lẽo bao quanh nước Anh, “ở Hong Kong, nước biển lóng lánh vì có rất nhiều tòa nhà [quanh đó]… Hồi ấy tôi đã không nhận ra thành phố của chúng tôi đẹp đẽ nhường nào”.

Việc Kasumi quyết định cùng chồng và cô con gái nhỏ chuyển đến Vương quốc Anh xuất phát từ cảm giác bất an dần len lỏi trong cô suốt thập kỷ trước.

Cuộc biểu tình Chiếm Trung hoàn diễn ra chỉ vài tháng sau khi con gái cô chào đời vào năm 2014.

Những năm sau đó, khi Bắc Kinh ngày càng siết chặt kiểm soát – các nhà hoạt động sinh viên bị cầm tù và những người bán sách biến mất – Kasumi ngày càng thấy bất an.

“Ở lại Hong Kong không hẳn là không an toàn,” cô nói. “Nhưng ngày qua ngày, từng chút một, có cảm giác rằng điều gì đó không ổn.”

Thế rồi Hong Kong lại nổ ra các cuộc biểu tình vào năm 2019.

Trong bối cảnh Bắc Kinh đàn áp, Vương quốc Anh đồng ý cung cấp chương trình thị thực cho những người Hong Kong sinh trước năm 1997. Kasumi và chồng nhất trí rằng đã tới lúc rời đi vì sự an nguy của con gái.

Họ định cư tại thành phố Watford gần London. Chồng cô tìm được một công việc trong ngành công nghệ thông tin, còn Kasumi ở nhà làm nội trợ.

Nhưng do chưa bao giờ sống ở nước ngoài, cô vật lộn với nỗi nhớ nhà da diết và đã ghi lại trong nhật ký video đầy cảm xúc trên YouTube.

Một video thậm chí còn trở nên nổi tiếng vào năm ngoái, gây được tiếng vang với một số người Hong Kong, số khác chỉ trích việc cô chọn di cư.

Một trong những kỷ niệm hạnh phúc nhất của Kasumi là chơi đùa với con chó Glory của cô tại Đảo Nam Nha ở Hong Kong
Chụp lại hình ảnh,Một trong những kỷ niệm hạnh phúc nhất của Kasumi là chơi đùa với con chó Glory của cô tại Đảo Nam Nha ở Hong Kong
Ảnh chụp màn hình từ video nổi tiếng Kasumi kể về khó khăn của cô khi thích nghi với cuộc sống ở Anh
Chụp lại hình ảnh,Ảnh chụp màn hình từ video nổi tiếng Kasumi kể về khó khăn của cô khi thích nghi với cuộc sống ở Anh

Cuối cùng, khi mọi thứ vượt quá sức chịu đựng, cô đã về thăm Hong Kong vào năm ngoái.

Trong hơn hai tháng, cô tới thăm những địa điểm yêu thích thời thơ ấu như công viên giải trí và bảo tàng khoa học, ngấu nghiến món bí đao xào với miến và sò chiên do mẹ cô nấu, đồng thời thưởng thức những hương vị thân thuộc của bánh trứng (đản thát) và sữa đậu nành vị dưa lưới.

Nhưng Hong Kong cô từng nhớ đã đổi khác. Mẹ cô trông già đi. Các cửa hiệu ưa thích ở Chợ Nữ nhân đã đóng cửa.

Một đêm, khi ngồi tại bến cảng ở Tiêm Sa Chủy, cô hạnh phúc vì đã được gặp lại làn nước biển lấp lánh mà cô hằng mong nhớ.

Để rồi, cô nhận ra hầu hết mọi người xung quanh đang nói tiếng Quan Thoại.

Nước mắt chảy ròng xuống má.

“Khi nhìn biển, tôi thấy thân thuộc. Nhưng khi đảo mắt xung quanh, và quan sát những người ở đó, mọi thứ thật xa lạ.”

Kasumi chưa biết khi nào sẽ quay lại Hong Kong.

Với việc thông qua một luật an ninh mới trong năm nay – Điều 23 – bạn bè đã khuyên cô nên xóa các bài đăng trên mạng xã hội từ các cuộc biểu tình trước đây rồi hẵng trở về.

Đó là một khác biệt lớn so với lòng gan dạ cô nhớ đã tồn tại ở Hong Kong vào năm 2019. Lúc bấy giờ, cô đưa con gái nhỏ tới các cuộc biểu tình và họ diễu hành trên phố cùng hàng ngàn người, đoàn kết cùng nhau phản kháng.

Một cảnh tượng quen thuộc trong các cuộc biểu tình năm 2019: những người biểu tình giơ tay, tượng trưng cho năm yêu cầu của họ
Chụp lại hình ảnh,Một cảnh tượng quen thuộc trong các cuộc biểu tình năm 2019: những người biểu tình giơ tay, tượng trưng cho năm yêu cầu của họ

“Đã quá muộn để quay lại,” cô nói. “Thành thật mà nói, tôi cảm thấy nếu trở lại Hong Kong, tôi có lẽ sẽ không quen với cuộc sống ở đó.”

“Con gái tôi sống hạnh phúc ở đây. Mỗi lần thấy con, tôi nghĩ việc này [di cư] là thỏa đáng. Tôi muốn thế giới của con rộng lớn hơn.”

Thế giới của Kasumi cũng đã lớn hơn – cô đã có việc làm và kết giao bạn bè mới.

Nhưng ngay cả khi đang xây dựng cuộc sống mới ở Anh, cô kiên quyết bảo toàn con người Hong Kong trong cô và trong con gái nhỏ.

Kasumi và chồng chỉ dùng tiếng Quảng Đông để giao tiếp với con gái. Gia đình họ cũng hay cùng nhau xem phim Quảng Đông.

Con gái họ chưa hiểu được ý nghĩa của những cuộc biểu tình 2019 mình từng tham gia, hoặc phong trào khởi nguồn vào năm 2014, khi cô bé chào đời.

Kasumi dự tính sẽ giải thích cụ thể khi cô bé lớn hơn.

Những hạt giống Kasumi gieo trồng đã bắt đầu đâm chồi nảy mầm.

Cô vô cùng tự hào về cách phản ứng của con gái khi người ta gọi cô bé là người Trung Quốc.

“Cô bé trở nên tức giận và tranh cãi với họ,” Kasumi nói với một nụ cười.

“Cô bé luôn nói với mọi người, ‘Tôi không phải là người Trung Quốc, tôi là người Hong Kong’.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment