Phiên tòa lịch sử về khí hậu: Gần 100 nước và 12 tổ chức tham gia

Có công lý cho khí hậu hay không ? Những nước phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm tổn hại đến khí hậu Trái đất có bị trừng phạt về tài chính hay không ? Trong phiên tòa mở ra hôm nay 02/12/2024, tại La Haye, Hà Lan,Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ), sẽ phải đưa ra phán quyết về vấn đề này.

Đăng ngày: 02/12/2024

Phái đoàn Vanuatu và Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế về khí hậu ở La Haye, Hà Lan, ngày 02/12/2024.
Phái đoàn Vanuatu và Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế về khí hậu ở La Haye, Hà Lan, ngày 02/12/2024. AP – Peter Dejong

Trọng Thành

Tổng cộng 98 quốc gia và 12 tổ chức tham gia phiên tòa kéo dài đến ngày 13/12, một con số đông chưa từng có, theo AFP.

Vanuatu, tiểu quốc đảo ở Thái Bình Dương, có nguy cơ bị nước biển dâng cao nhấn chìm, do khí hậu trái đất nóng lên, là nước đi đầu trong sáng kiến đưa vấn đề ra trước cơ quan pháp lý cao nhất của Liên Hiệp Quốc. Đặc phái viên Stéphanie Maupas tường trình từ La Haye :

Thay những hứa hẹn chính trị bằng các nghĩa vụ pháp lý là thách thức chủ yếu của phiên tòa này. Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, thuộc nhóm “các nước phương Nam”, hy vọng một phán quyết như vậy sẽ giúp củng cố vị thế của họ trong các cuộc đàm phán tương lai.

Một phán quyết ​​giúp tái cân bằng tương quan lực lượng. Đây là điều mà đặc phái viên của Vanuatu về biến đổi khí hậu Ralph Regenvanu nhấn mạnh: “Chúng ta cần đến một hành động khí hậu mạnh mẽ hơn, chúng ta phải cắt giảm khí thải, các quốc gia có nhu cầu nhất phải được cung cấp tài chính cho khí hậu. Đây là toàn bộ những điều mà tất cả các nước đã đồng ý ở Paris, với Hiệp định Paris. Đây không phải là điều gì mới mẻ. Các nước đã chấp thuận nhưng lại không thực thi. Vì vậy, chúng tôi cần Tòa án quốc tế khẳng định về mặt pháp lý, các vị có nghĩa vụ thực thi việc này và điều đó sẽ giúp chúng tôi trong các cuộc đàm phán.”

Họ hy vọng rằng một phán quyết như vậy ​​có thể thay đổi cán cân quyền lực, mang lại vũ khí cho các thẩm phán trên khắp thế giới trong việc xét xử các vụ kiện về khí hậu, và yêu cầu những bên gây ô nhiễm phải trả tiền, nếu họ từ chối thực thi các cam kết.

Ý kiến ​​của Tòa Công lý Quốc tế không mang tính cưỡng chế, nhưng các nước công nghiệp hóa nhất đều hiểu rõ vấn đề. Các luật sư của Bắc Kinh, Washington và Ryiad, cũng như của liên minh các quốc gia dầu mỏ OPEC rõ ràng có ý định bảo vệ lợi ích của họ trước các thẩm phán. »

Phiên tòa tại La Haye diễn ra ít ngày sau hội nghị khí hậu COP29 tại Azerbaidjan kết thúc với thỏa thuận « ít nhất 300 tỉ đô la/năm từ đến 2035 » cho tài chính khí hậu. Các nước nghèo nhất, cũng là các nước có nguy cơ tổn thất nhiều nhất do biến đổi khí hậu, đã cực lực lên án các nước giàu về khoản tiền quá ít so với dự kiến ban đầu là hơn 1.000 tỉ đô la/năm, theo thẩm định của chuyên gia Liên Hiệp Quốc.

Thỏa thuận của COP29 cũng bị chỉ trích vì không khẳng định mục tiêu hướng tới từ bỏ năng lượng hóa thạch, thủ phạm chính khiến Trái đất bị hâm nóng. Lượng khí thải tiếp tục phá kỉ lục bất chấp các cam kết cắt giảm mạnh, theo báo cáo của các nhà khoa học thuộc Global Carbon Project, được công bố tại COP29.

Bài Liên Quan

Leave a Comment