Bảo hộ thương mại: Chiến thuật « đánh hỏa mù » của Donald Trump

Đăng ngày: 03/12/2024

Trung Quốc, Mêhicô và Canada là ba nạn nhân đầu tiên của chính sách bảo hộ mậu dịch dưới chính quyền Trump 2. Bắc Kinh biết trước là sẽ bị Hoa Kỳ nhắm tới. Thỏa thuận tự do mậu dịch USMCA đạt được dưới chính quyền Trump không giúp Ottawa và Mêhicô tránh được hai « phát súng đầu tiên ». Giám đốc viện nghiên cứu CEPII  Antoine Bouët phân tích « phương pháp vừa đánh phủ đầu vừa khủng bố » đối phương trong cái mà nhà tỷ phú Trump gọi là « nghệ thuật đàm phán ».    

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc đối thoại song phương tại Osaka, Nhật Bản ngày 29/06/2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc đối thoại song phương tại Osaka, Nhật Bản ngày 29/06/2019. REUTERS/Kevin Lamarque

Ngày 25/11/2024, trên mạng xã hội, tổng thống tân cử Donald Trump loan báo, trong nhiệm kỳ sắp mở ra, « một trong những sắc lệnh đầu tiên là áp thuế hải quan 25 % vào TẤT CẢ các sản phẩm nhập từ Mêhicô và Canada đánh vào Mỹ ». Trong một tin nhắn thứ nhì, ông viết tiếp thuế đánh vào hàng Trung Quốc sẽ là 10 %.

Mêhicô-Canada sợ một đòn chí tử 

Căn cứ vào hai tin nhắn trên mạng Truth Social, tổng thống tân cử Hoa Kỳ có vẻ mạnh tay với Canada và Mêhicô, hơn nhiều so với Trung Quốc. Một thỏa thuận tự do thương mại chính Donald Trump đàm phán với hai đối tác Bắc Mỹ đang gắn kết Washington, Ottawa và Mehicô. Đối với chính quyền của nữ tổng thống Claudia Sheinbaum, bị đánh thuế 25 % vào hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ là một « thảm họa », bởi chỉ một mình nước Mỹ mua vào 80 % xuất khẩu của Mêhicô. Mêhicô là « nguồn cung cấp và cũng là khách hàng lớn thứ nhì » của Mỹ.

Canada choáng váng vì dòng tin nhắn của ông Trump : tổng trao đổi mậu dịch hai chiều hàng năm lên tới gần 1.000 tỷ đô la và mỗi ngày khoảng 3 tỷ đô la Mỹ hàng hóa và dịch vụ hai chiều đi qua các cửa khẩu. Hoa Kỳ là thị trường mua vào 77 % hàng xuất khẩu của Canada. Riêng về ngành năng lượng, Canada phụ thuộc đến 81 % vào các khách hàng Mỹ. Nếu ông Trump đánh thuế 25 % vào 150 tỷ đô la vào kim ngạch xuất khẩu năng lượng (chủ yếu là dầu hỏa) của Canada sang Mỹ, « kinh tế của ba tỉnh Alberta, Saskatchewan và Terre Neuve et Labrado/ Newfoundland and Labrador chắc chắn sẽ phá sản ». 

Tại Ottawa, thủ tướng Justin Trudeau hối hả thu xếp để bay sang Florida hội kiến tổng thống 47 tương lai của nước Mỹ. Tổng thống Mêhicô Claudio Sheinbaum điện đàm với Donald Trump vừa cam kết tăng cường các biện pháp ngăn chận người nhập cư trái phép tràn vào Hoa Kỳ qua đường biên giới giữa hai nước, vừa cảnh báo là Mêhicô sẽ « đáp trả » các hàng rào thuế quan mà nước láng giềng áp đặt, « cho đến khi nào đôi bên tìm ra đồng thuận để giải quyết vấn đề với nhau ». Nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mêhicô ngụ ý chính quyền Trump không dễ bắt nạt Mêhicô.

Về phía Trung Quốc, qua lời đại sứ tại Washington, Bắc Kinh bình tĩnh cảnh báo « một cuộc thương chiến bất lợi cho tất cả các bên ». Từng phải ráo riết đàm phán với chính quyền Trump hồi 2018/2019, có lẽ Trung Quốc chờ đợi chính sách thương mại của Mỹ được định hình để cân nhắc các đòn đáp trả.

Tính khả thi các đòn áp thuế uy hiếp đối phương 

Chính quyền Trump luôn xem Trung Quốc là một đối thủ thương mại, là nguồn cướp đi công việc làm của người lao động Mỹ … Nhưng liệu có dễ để Washington dùng thuế hải quan trừng phạt Ottawa và Mêhicô khi mà thỏa thuận tự do mậu dịch USMCA gắn kết ba quốc gia Bắc Mỹ này ? Những đe dọa của tổng thống tân cử Hoa Kỳ qua đó có thể nguy hiểm đến mức độ nào ? 

Trên đài RFI tiếng Việt, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế- CEPII, chuyên gia người Pháp Antoine Bouët trả lời :

Antoine Bouët  : « Đe dọa đó có đáng tin cậy hay không ? Câu trả lời là có, hiểu theo nghĩa Donald Trump có thể sử dụng hàng rào quan thuế cho dù điều đó đi ngược lại với những quy định tự do mậu dịch USMCA gắn kết ba nước Bắc Mỹ. Có thực là Washington sẽ đánh thuế hàng của Canada và Mêhicô nhập vào Mỹ? Theo tôi đây là một đòn để ông Trump mặc cả, để gây áp lực nhằm đổi lấy một cái gì khác.

Đối với Mêhicô chẳng hạn, bị đánh thuế vào hàng bán sang Hoa Kỳ sẽ một cú sốc rất mạnh, bởi vì Mỹ chiếm 75 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Mêhicô. Trump gây sức ép đòi Mêhicô tích cực ngăn chận các làn sóng người nhập cư tràn vào Mỹ qua đường biên giới giữa hai nước, đòi Mêhicô tăng cường các biện pháp chống ma túy, chống ma túy tổng hợp fentanyl. Tương tự như vậy Trump cũng đòi phạt Trung Quốc, vì Bắc Kinh không ngăn chận các đường dây xuất khẩu fentany sang Hoa Kỳ. Các bên bắt đầu đàm phán để xem Canada, Mêhicô và Trung Quốc có thái độ hợp tác hay không ». 

Màn đánh phủ đầu ? 

Trong trường hợp của Canada, chính sách của ông Trump không mấy rõ ràng, bởi Canada không phải là cửa ngõ cho lao động rẻ tràn vào Mỹ, cướp công việc làm của người Mỹ. Nhập cư lao động từ Canada là người có trình độ cao. Canada cũng không là đất dụng võ của các đường dây ma túy và fentanyl để chuyển vào Hoa Kỳ như trong trường hợp của Mêhicô hay Trung Quốc mà giám đốc trung tâm nghiên cứu CEPII Antoine Bouët vừa nêu. Nhưng 2026 là năm mà Washington và Ottawa sẽ đàm phán lại về các điều khoản trong thỏa thuận USMCA, cho nên chuyên gia Pháp cho rằng, rất có thể ông Trump chơi trò « đánh phủ đầu ».

Chính sách của Trump với Trung Quốc chưa định hình ?

Thế còn đối với Trung Quốc, phải chăng vì nhà tỷ phú Elon Musk có cơ sở tại Hoa Lục, từ nhiều tháng qua theo sát chân ông Trump như bóng với hình, nên tổng thống tân cử Mỹ đã « nhẹ tay » hơn khi chỉ đòi đánh thuế 10 % vào hàng Trung Quốc bán sang Mỹ ? Giám đốc trung tâm nghiên cứu Pháp CEPII nhấn mạnh đến lập trường không nhất quán của tổng thống tân cử Hoa Kỳ.  

Antoine Bouët : « Điểm lại tất cả những tuyên bố của ông Trump về chính sách thuế quan trong 12 tháng vừa qua, chúng ta thấy đầy những mâu thuẫn. Lúc thì ông dọa đánh thuế 60 % hàng Trung Quốc, rồi bây giờ thuế nhập khẩu chỉ còn là 10 %. Riêng với xe hơi Trung Quốc sản xuất tại Mêhicô thì Donald Trump đòi đánh thuế 200 %, nhưng có lúc ông chỉ nói đến mức thuế 100 %. Đồng thời Trump chủ trương áp dụng toàn bộ 10 % thuế với hàng hóa của toàn cầu – gồm cả hàng của châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc … nhưng có lúc lại khẳng định là 20 % …

Tóm lại, ông Trump đưa ra rất nhiều các con số nhưng không bao giờ nhất quán. Trump rất thường xuyên mang hàng rào quan thuế ra đe dọa… Tôi không nghĩ rằng Trump sẽ áp dụng các biện pháp này, mà đây chỉ là một màn để uy hiếp các đối tác thương mại của Mỹ. Hơn nữa, lúc thì ông giải thích rằng đánh thuế nhập khẩu để trừng trị các đường dây ma túy và fentanyl, lúc thì là công cụ để chống nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Khi thì tổng thống tân cử Hoa Kỳ xem thuế hải quan là phương tiện để tài trợ cho các dự án đầu tư, để làm sống lại cỗ máy công nghiệp và thậm chí để tài trợ cho các vườn giữ trẻ …

Điều nực cười là chưa chi thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu  Christine Lagarde đã vội vã kêu gọi mua thêm hàng của Mỹ, hàm ý Liên Âu nhượng bộ trước các đòn hù dọa của Washington trước khi ngồi vào bàn thương lượng ».

Về phần chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong nỗ lực làm vừa lòng Donald Trump, từng đề nghị Liên Âu « mua khí đốt của Mỹ thay vì khí đốt của Nga ».

Cũng Antoine Bouët nhắc lại, trong cuộc thương chiến lần thứ nhất với Trung Quốc, chính quyền Trump đã rất ồn ào, nhưng kết quả đạt được với Bắc Kinh không nhiều. Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, cho đến ngày Donald Trump để lại chìa khóa Nhà Trắng cho ê kíp của Joe Biden tháng 1/2021 vẫn chưa được thực thi hoàn toàn. Bắc Kinh cam kết mua thêm hàng của Mỹ để thu hẹp thâm hụt mậu dịch bất lợi cho Washington, nhưng trên thực tế Trump đã gây khó khăn cho nông dân Hoa Kỳ. Nhập khẩu đậu tương, đậu nành của Trung Quốc từ Mỹ giảm 13 % và cùng lúc tăng thêm 29 % với bạn hàng Brazil.

Thiệt hại nặng nề cho tăng trưởng và thương mại Trung Quốc 

Giám đốc trung tâm nghiên cứu CEPII thẩm định chiến tranh thương mại gây nhiều tổn thất cho tăng trưởng vào mậu dịch toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc thiệt hại ngang nhau. 

Antoine Bouët  : « Tại trung tâm nghiên cứu CEPII, chúng tôi đã lập ra một quy trình để thẩm định tác động từ một cuộc chiến thương mại, dựa trên cơ sở Mỹ đánh thuế 10 % toàn bộ hàng nhập khẩu sang Hoa Kỳ và với mức thuế 60 % đánh vào hàng của Trung Quốc. Đương nhiên là thế giới sẽ đáp trả một cách tương xứng các biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump. Kết quả cho thấy, tổng sản lượng toàn cầu sẽ giảm từ 0,5 đến 1 %. Riêng GDP của Trung Quốc giảm 1,5 % và đối với Mỹ cũng giảm tương tự. Tình hình không đến nỗi quá tệ đối với một số quốc gia khác, như trường hợp của Việt Nam hay Mêhicô, nhưng điều này chỉ đúng nếu như Trump giữ thuế hải quan 10 % với Mêhicô và 60 % với hàng Trung Quốc. Nếu hàng Trung Quốc bị đánh thuế 60 % mà hàng Việt Nam bán vào Mỹ chỉ bị đánh thuế 10 % thì Trung Quốc sẽ nhanh chóng di dời sản xuất sang Việt Nam để tránh 60 % thuế hải quan của ông Trump ».

Mỹ cũng bị lôi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại

Thiệt hại đối với Mỹ cũng nặng không kém, vì cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp Mỹ cùng phải trả giá

Antoine Bouët : « Người tiêu dùng phải trả giá, bởi vì hàng ngoại quốc bán sang thị trường Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, trong lúc mà dân Mỹ đã phải đối mặt với lạm phát (và đừng quên rằng, lạm phát là yếu tố khiến một phần cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ đã quay sang bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa trong đợt bầu cử tháng 11 vừa rồi). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ rất chật vật bởi cần nhập khẩu nguyên liệu, cần mua vào hàng thiết bị … để phục vụ các nhà máy sản xuất ở Mỹ. Giá thành các mặt hàng sản xuất ở Mỹ bị đẩy lên cao. Hàng đắt, kém hấp dẫn và các doanh nghiệp Mỹ mất khả năng cạnh tranh. Đó là chưa kể các đối tác thương mại của Hoa Kỳ cũng sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ … ».

Coi chừng các đòn phản công lợi hại của Bắc Kinh

Trong bài tham luận What Trump’s Tariffs Will Mean for China đăng trên Foreign Policy (26/11/2024), phó tổng biên tập tạp chí chuyên về chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, James Palmer, nêu thêm hai yếu tố cho thấy Bắc Kinh không vội tung đòn phản công : Thứ nhất là trong quá khứ, ông Trump từng chơi trò « giơ cao đánh khẽ » như trong các biện pháp trừng phạt các tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc. Tỷ phú địa ốc New York thích dùng đòn uy hiếp đòi đối phương nhượng bộ để thu hoạch những thắng lợi chính trị tượng trưng nhưng hiệu quả về thực chất không nhiều (từ mục tiêu xây tường ngăn chận nhập cư bất hợp pháp ở đường biên giới với Mêhicô đến mục đích giảm thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc). Thứ hai là, theo chuyên gia Mỹ James Palmer, « điều tối kỵ đối với các lãnh đạo ở Bắc Kinh là họ được chỉ đạo phải xử lý các vấn đề nội bộ như thế nào ». Nói cách khác, chắc chắn không vì những đe dọa của Washington mà Trung Quốc can thiệp vào hồ sơ fentanyl.

Điều đó không cấm cản chính quyền Trump sắp tới sẽ dùng các đòn thuế quan để « đánh vào Trung Quốc » bởi hai siêu cường kinh tế thế giới này vẫn đang trong thế « cạnh tranh không ngơi nghỉ ». Đây cũng không chỉ là một cuộc chiến thương mại giữa hai Washington và Bắc Kinh.

Các chuyên gia ở Mỹ cũng như Pháp đồng loạt cho rằng Hoa Kỳ có sử dụng chiến thuật nào đi chăng nữa thì các đòn trả đũa của Bắc Kinh giờ đây đã phong phú hơn nhiều so với thời điểm 2018/2019. Trung Quốc giờ đây được chuẩn bị tốt hơn để đối đầu với một cuộc chiến thương mại mới: 

Antoine Bouët  : « Tôi tin là Trung Quốc đã sẵn sàng hơn để đối mặt với một cuộc chiến thương mại. Bắc Kinh nhập khẩu ít hẳn đậu tương, đậu nành của Mỹ, khiến chính quyền Trump nhiệm kỳ trước đã phải đền bù cho các nông gia đến 14 tỷ đô la trong giai đoạn 2018-2019, để lấp vào chỗ trống mà thị trường Trung Quốc để lại.

Hơn nữa chúng ta thấy là Trung Quốc đã chuyển sang thế công và nhắm vào những mắt xích yếu kém trong dây chuyền sản xuất của Mỹ. Đứng đầu trong số đó là nhu cầu của Mỹ về kim loại hiếm. Bắc Kinh có thể hạn chế, thậm chí cấm xuất khẩu đất hiếm gây trở ngại cho các nhà máy của Hoa Kỳ. Bắc Kinh đánh vào những lĩnh vực mà nền công nghiệp của Mỹ lệ thuộc vào Trung Quốc ».

Trước mắt các đòn « đánh hỏa mù » của tổng thống tân cử Mỹ đặt toàn thế giới trong tình trạng bất an, từ Trung Quốc cho đến các đồng minh thân thiết nhất của Washington. 

Thanh Hà

Bài Liên Quan

Leave a Comment