- Tác giả,Tiến sĩ Gwen Adshead
- Vai trò,Bác sĩ tâm thần pháp y
Cảnh báo: Một số chi tiết trong bài viết có thể gây khó chịu.
Vào buổi tối ngày 20/8/1989, hai anh em Erik và Lyle Menendez cùng bước vào một căn phòng trong nhà mình tại Beverly Hills (California, Mỹ). Khi ấy, ba mẹ hai người đang xem bộ phim The Spy Who Loved Me (Tạm dịch: Yêu chàng điệp viên). Hai anh em đã bắn cha mẹ mình ở cự ly gần bằng một khẩu shotgun.
Họ lãnh án chung thân không ân xá, và trong nhiều năm, câu chuyện của họ chìm dần vào quên lãng.
Và rồi, tháng Chín vừa qua, cặp huynh đệ này được quan tâm trở lại khi Netflix ra mắt loạt phim truyền hình và tài liệu về chuyện đã xảy ra.
Vụ án hiện đang được xem xét lại do xuất hiện bằng chứng mới mà trước đó không được đưa ra trước tòa.
Hôm thứ Hai tuần trước, 28 năm sau lần hầu tòa cuối cùng, từ trong tù, hai anh em đã kết nối trực tuyến với một phiên xử vào lúc người bác gái khẩn cầu hãy trả tự do cho hai người cháu của mình.
“Tôi nghĩ đã tới lúc để chúng về nhà rồi,” bà nói.
Trong khi đó, người bác trai gọi hai anh em là “máu lạnh” và tin rằng cả hai cần phải ở sau song sắt suốt đời.
Điều khiến tôi khựng lại khi thấy cách mọi việc diễn ra là sự đối nghịch mà những người khác nhau, ngay cả người thân, nhìn nhận hai anh em Menendez.
Liệu hai người họ có thực sự là “quái vật” như cách bộ phim trên Netflix mô tả? Hay thực ra họ đã thay đổi như lời thỉnh cầu của người bác gái?
Trong 30 năm hành nghề tâm lý học tội phạm và trị liệu tâm lý tại các bệnh viện tâm thần và nhà tù trên khắp nước Anh, trong đó có cả bệnh viện Broadmoor, tôi đã trò chuyện với hàng trăm phạm nhân phạm tội hết sức nghiêm trọng nhằm giúp họ chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân.
Nhiều người cho rằng đó là nhiệm vụ bất khả thi. Tôi từng bị đặt những câu hỏi như: “Có chắc là làm gì với họ được chứ? Không phải chúng sinh ra đã vậy sao?”
Hàm ý là chỉ có một con quái vật bất thường mới có thể gây ra những thương tổn ghê gớm như vậy cho người khác – hoặc những kẻ sát nhân đó, từ Rose West, Harold Shipman tới Lucy Letby và Peter Sutcliffe, theo một cách nào đó thì không phải là người.
Đúng vậy, khi tôi mới làm việc trong ngành này, tôi cũng quan niệm rằng những kẻ phạm tội bạo lực hoặc giết người chắc hẳn rất khác với những người khác.
Nhưng tôi đã bỏ suy nghĩ này.
Điều tôi học được là nguyên nhân chính tạo ra tâm trí bất ổn – chủ đề tôi suy xét trong chương trình The Reith Lectures có bốn tập trên Radio 4 – không được thể hiện qua những bộ phim truyền hình dựa trên các tội ác có thật hay trong bản ghi tại tòa.
Thực tế phức tạp hơn rất nhiều việc gắn mác ai đó là “quỷ dữ” một cách đơn thuần, như điều tôi tự nhận ra.
Kẻ sát nhân ‘mong manh’
Vào năm 1996, không lâu sau khi bắt đầu làm việc ở Broadmoor trong lúc đang theo học khóa huấn luyện trị liệu tâm lý, tôi có một bệnh nhân tên Tony, phạm tội giết ba người và chặt đầu một trong số họ.
Trước đó, tôi đã đọc rất nhiều bản báo cáo rùng rợn về sát nhân hàng loạt nhưng hầu như không có lời khuyên nào về cách trò chuyện hay trị liệu tâm lý đối với một người như vậy, và khiến tôi băn khoăn liệu việc này có ý nghĩa gì hay không.
Làm thế nào để biết ông ta“đã khá hơn”?
Lúc bấy giờ, Tony đã thụ án được 10 năm. Ông vừa mới bị ba tù nhân khác đánh “hội đồng”, bị đâm bằng một cái bàn chải đánh răng mài sắc.
Sau đó, ông ấy đã cố tự tử.
Trong buổi điều trị đầu tiên của chúng tôi, chỉ là im lặng.
Ông ta khoanh tay và né tránh ánh mắt của tôi. Khi ngước mắt lên, đôi mắt ông ta đen như màn đêm.
Tony đang bị trầm cảm và thường gặp ác mộng.
“Tôi cảm thấy yên bình ở đây,” rốt cuộc ông ấy cũng mở lời, phá tan sự im lặng.
“Phòng kế bên tôi có một người đàn ông đêm nào cũng la hét.”
Phải mất mấy tháng trời ông ta mới chịu nói về những cơn ác mộng.
Trong cơn mê, Tony thấy mình đang siết cổ một gã thanh niên đã hóa thân thành cha ông.
Điều này dẫn chúng tôi bàn luận về tội ác của Tony và gia đình của ông ta, chuyện Tony đã chịu bạo hành như thế nào khi còn nhỏ; để rồi đến lượt ông ta bắt đầu bắt nạt người khác.
Sau này tôi biết được rằng “người đàn ông phòng bên” hét lớn hằng đêm chính là Tony.
Tôi suy đoán rằng có lẽ ông ta hét những điều mình không thể giãi bày.
Ông ấy úp mặt vào lòng bàn tay, lẩm bẩm: “Không… tôi không muốn,” ông thú nhận.
“Tôi không thể yếu đuối như vậy được.”
Tôi làm việc với Tony trong vòng 18 tháng và dần cảm thấy thương cảm và tôn trọng sự chân thật của ông, ngay cả khi đầu tôi vẫn chưa dứt ra khỏi những hậu quả khủng khiếp ông ta đã gây ra.
Việc ông ấy tự đề nghị được trị liệu cũng là một dấu hiệu cho thấy trong ông ta phần nào đã cảm thấy tổn thương, yếu đuối.
Trải nghiệm ban đầu đó dạy tôi rằng, bất kể quá khứ ra sao, nếu một người – bao gồm cả sát nhân hàng loạt – có thể cảm thấy tò mò về tâm trí của bản thân, và có cơ hội để tìm ra điều gì có ý nghĩa trong sự rối loạn.
Ác nhân và ác tâm
Khi nhắc tới sát nhân hàng loạt, mọi người thường ngộ nhận rằng đó là những kẻ tâm thần. Nhưng tôi nghĩ điều đó không vận vào Tony.
Những người bị tâm thần thường không tự yêu cầu giúp đỡ do họ không muốn làm bất cứ thứ gì họ coi là hạ thấp bản thân. Riêng ý này thôi cũng đã khiến Tony không được xếp chung mâm với họ, vì ông ta yêu cầu trị liệu cho mình.
Những kẻ tâm thần tôi từng gặp trong sự nghiệp mình đều chẳng sáng dạ, khả năng giao tiếp xã hội tệ và kém duyên.
Họ thường thiếu cảm thông tới mức không hiểu nổi tác động mình gây ra cho người khác.
Trái ngược lại với điều mà người ta thường tin, rất ít sát nhân thực sự là người tâm thần, đặc biệt là những kẻ sát hại người nhà như anh em Menendez.
Câu chuyện của Tony nêu bật tác động của những nghịch cảnh thời thơ ấu đối với tội phạm bạo lực. Anh em nhà Menendez lập luận rằng họ là nạn nhân của bạo hành thể chất và tình dục của người cha – lời bào chữa đã bị phản bác ở tòa trước khi hai anh em nhận án chung thân.
Tuy nhiên, một tỷ lệ dân số tương đối lớn phải chịu sang chấn thời thơ ấu – lên tới 10-12% dân số Anh, theo một số nghiên cứu – nhưng một lượng nhỏ hơn nhiều thực sự phạm tội bạo lực.
Vấn đề này làm dấy lên câu hỏi, điều gì khiến một số người phản ứng với sang chấn thời thơ ấu bằng bạo lực, còn số khác thì không?
Có chắc là những người đó thực sự là “quái vật”? Hoặc, như cách một vài bệnh nhân của tôi từng nói: “Tôi đã phạm những điều xấu xa, nhưng liệu điều đó có biến tôi thành ác quỷ?”
Không có bằng chứng nào cho thấy “nhân chi sơ, tính bản ác”. Và theo kinh nghiệm của tôi, không người nào là kẻ ác nhân cả – thay vào đó, là những trạng thái tâm trí ác độc.
Do đó, thường thì tôi mở đầu hồi đáp của mình với mọi người rằng ai cũng có khả năng rơi vào trạng thái tâm trí này – vốn bị những cảm xúc đời thường như hận thù, ghen tị, tham lam và giận dữ, chi phối.
Tự trong sâu thẳm, hầu hết chúng ta đều có khả năng làm điều tàn ác nhưng yếu tố nguy cơ khiến một người do đó mà có hành động bạo lực cực đoan lại rất cụ thể.
Các yếu tố này giống như mở khóa số chiếc xe đạp vậy. Như cách tất cả các con số phải kết hợp lại để mở khóa, một loạt yếu tố nguy cơ phải tụ hợp trước khi bạo lực bùng phát.
Những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất là thanh niên, trai tráng (có khả năng trở nên hung hăng và bốc đồng cao hơn); say rượu hoặc phê thuốc; có tiền sử gia đình xung đột hoặc tan vỡ; và tiền án, tiền sự.
Chứng hoang tưởng do bệnh tâm thần gây ra cũng có thể được coi là một yếu tố nguy cơ, nhưng hiếm hơn.
Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong một vụ giết người là bản chất của mối quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân, đặc biệt là nếu mối quan hệ giữa họ từng có xung đột.
Một kiến thức phổ biến là phụ nữ thường bị sát hại bởi người tình hoặc người thân, và phần lớn trẻ em là do cha mẹ ruột hoặc cha mẹ kế giết hại.
Hiếm khi có vụ sát hại người lạ. Nếu có thì kẻ phạm tội thường bị bệnh tâm thần nặng.
Vì vậy, hai con số đầu tiên khớp nhau trong ổ khóa có thể là chính trị xã hội, còn hai mã số tiếp theo có thể sẽ là cụ thể cho từng thủ phạm.
Số cuối cùng để mở khóa có khả năng là một chuyện từng diễn ra giữa thủ phạm và nạn nhân – đó có thể là một lời bình ngẫu nhiên, một hành động bị coi là hăm dọa, hoặc một điều giản đơn như kết quả tồi tệ của một trận bóng. (Bạo hành gia đình tăng lên thành 38% khi đội tuyển quốc gia Anh thua cuộc, theo nghiên cứu của Đại học Lancaster.)
Khi ổ khóa bật mở, một lần sóng cảm xúc mạnh mẽ thường sẽ ồ ạt tuôn ra, làm biến dạng cách người ta nhìn nhận sự việc.
Tin tốt là 20 năm qua tỷ lệ giết người ở Anh và một số nơi khác đã suy giảm, phần lớn là do một vài thành phần của những chiếc khóa xe đạp đã thay đổi.
“Ở Anh, sự suy giảm tỷ lệ giết người từ năm 2004 – điều cũng đã xảy ra ở Mỹ, Tây Ban Nha, Ý và Đức – một phần là do thay đổi lối sống như bớt say rượu và hút cần sa trong thanh thiếu niên,” Giáo sư Manuel Eisner, giám đốc Viện Tội phạm học tại Đại học Cambridge, đánh giá.
“Một phần [cũng do] tác động của công nghệ như điện thoại di động và máy quay an ninh, những thiết bị này giúp nâng cao khả năng giám sát và cơ hội tìm kiếm giúp đỡ khi gặp nguy hiểm.”
Bên cạnh đó, ông còn cho rằng sự sụt giảm nói trên là do những thay đổi to lớn hơn, chẳng hạn như củng cố các chuẩn mực văn hóa chống nạn bắt nạt và bạo lực phụ nữ, con gái và trẻ em.
Và dù có một số ít người không thể thay đổi suy nghĩ – là người thuộc nhóm luôn có nguy cơ, bằng cách chú ý tới những ngôn từ lệch lạc trong phần lớn các trường hợp, chúng ta có thể tìm cách thay đổi những tâm trí bạo lực đó trở nên tốt hơn.
Thấu cảm cấp tiến: Ngăn chặn bạo lực
Vào năm 2004, tôi gặp một người đàn ông tên Jack, người đã giết mẹ mình khi tuổi mới ngoài đôi mươi.
Họ phát hiện khi đó anh ta bị tâm thần phân liệt hoang tưởng nên đã đưa tới bệnh viện điều trị.
Sau đó, anh ấy tham gia một nhóm trị liệu do tôi đang điều hành ở bệnh viện Broadmoor.
Trong những buổi gặp mặt kéo dài một tiếng đồng hồ giữa thành viên nhóm (tất cả họ đều đã người thân khi bị bệnh tâm thần), chúng tôi nói về cách thức tránh sử dụng bạo lực trong tương lai.
Jack thường không chịu hòa nhập. Nhưng sau khoảng một năm, ngay sau khi một thành viên khác nói về sự ăn năn trong quá khứ, Jack đột ngột cất lời.
“Tôi ước gì mình có thể xin lỗi mẹ vì chuyện đã làm,” anh ta nói.
“Tôi biết mình bị tâm thần, nhưng tôi ước mình có thể bày tỏ được sự hối tiếc để xin mẹ tha thứ cho. Tôi mong bà ấy hiểu được mình hối hận biết dường nào.”
Qua việc soi chiếu bản thân mình từ những phạm nhân khác, một số thành viên nhóm nhận ra cách họ đã tự lừa dối mình đến ý nghĩ rằng một ai đó cần phải chết; và cách những cơn sóng giận dữ, xấu hổ và sợ hãi có thể khiến họ hiểu nhầm hành động và lời nói của người khác.
Jack tham gia nhiệt tình hơn sau ngày hôm đó. Sức khỏe tinh thần của anh ta cũng dần tốt hơn, đủ tiêu chuẩn chuyển tới một bệnh viện an ninh thấp hơn để tiếp tục điều trị.
Trị liệu nhóm tốn thời gian, nhưng sau đó một số người khác cũng được coi là đủ an toàn để được chuyển tới những cơ sở điều trị an ninh thấp hơn – một dấu hiệu của sự cải thiện và chúng tôi chỉ làm điều đó nếu xác định nguy cơ tái phạm của người này là không đáng kể. Quan trọng nhất là họ cũng được học cách chịu trách nhiệm.
Jack giúp tôi nhận ra rằng sát nhân không phải những con quái vật vô tâm khi sinh ra vốn đã như vậy. Anh ta là một người đàn ông bình thường thực hiện một hành vi bất thường, giống như nhiều người khác.
Tất cả những điều trên không phải cái cớ biện minh cho bạo lực – và mọi tội ác bạo lực đều là tấn bi kịch của bất cứ ai liên quan – nhưng gắn mác quái vật cho họ cũng chẳng ích gì.
Đó đơn giản chỉ là một cách để đối diện với cơn thịnh nộ và sự sợ hãi. Và khi làm vậy, chúng ta lỡ mất cơ hội giảm thiểu và ngăn chặn bạo lực nếu chúng ta chối bỏ tất cả những người từng giết hoặc bạo hành ai đó.
Cần một lòng đồng cảm cấp tiến để ngồi cùng với một người đàn ông đã chặt đầu bạn tình của mình, hoặc với một người phụ nữ đã dùng dao đâm một người bạn.
Nhưng để có thể hiểu họ và rút ra những hiểu biết mới cho bản thân, chúng ta phải đi theo dấu chân và dõi theo ánh mắt của họ.
Và đó là điều rốt cuộc sẽ dẫn tới đổi thay.