Chính trường Hàn Quốc chứng kiến biến động chưa từng có sau gần 50 năm với việc Tổng thống Yoon Suk-yeol đang đối mặt với nguy cơ bị luận tội sau khi ban bố thiết quân luật.
Ông Yoon Suk-yeol đã viện dẫn mối đe dọa từ Triều Tiên khi ban bố thiết luật. Tuy nhiên, quyết định của ông được xem là phản ứng trước áp lực trong nước.
Ông Yoon đã hành động theo cách của một vị tổng thống đang bị vây hãm, các nhà quan sát đánh giá.
Các nhà lập pháp thuộc các đảng đối lập tại Hàn Quốc hôm thứ Tư 4/12 đã đệ trình một kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon, kích hoạt một tiến trình có thể kéo dài nhiều ngày.
Một khi kiến nghị luận tội được đệ trình, cần ít nhất hai phần ba trong số 300 thành viên của Quốc hội bỏ phiếu thông qua – tức tương đương ít nhất 200 phiếu.
Diễn biến tiếp theo hiện nay là Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik sẽ mở phiên họp để thảo luận về kiến nghị này – có thể diễn ra sớm nhất là trong hai ngày tới.
Sau khi sáu đảng đối lập đệ trình kiến nghị luận tội tổng thống, giờ đây họ có kế hoạch trình lên phiên họp toàn thể của Quốc hội vào thứ Năm 5/12, hãng tin Yonhap đưa tin.
Cuộc bỏ phiếu thông qua đề xuất luận tội phải diễn ra trong vòng 72 giờ tới, tức thứ Sáu 6/12 hoặc thứ Bảy 7/12.
Trả lời phỏng vấn của các hãng tin như Reuters, AFP trên đường phố vào ngày thứ Tư 4/12..., một số người dân Hàn Quốc ở thủ đô Seoul đã thể hiện sự lo lắng về bất ổn tương lai chính trị của đất nước.
Tại Hàn Quốc, cộng đồng người Việt có khoảng hơn 200.000 người, bao gồm sinh viên, người lao động và người nhập cư, theo trang Thông tin Đối ngoại của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với một số người Việt Nam đang định cư tại Hàn Quốc lẫn có thâm niên nghiên cứu về Hàn Quốc để xem họ có suy nghĩ gì sau gần 24 giờ hỗn loạn vừa qua.
‘Không có gì bất ngờ’
Chị Lê Thùy Hương đã sống ở Hàn Quốc trong 18 năm. Chị hiện là giáo viên song ngữ tại trường tiểu học và dạy cho du học sinh, người lao động, cô dâu Việt Nam.
Kể lại cảm nhận từ nhà ở thành phố Daejeon ngày thứ Tư 4/12 với BBC News Tiếng Việt, chị Lê Thùy Hương cho biết người dân ở đây và cả chị không thấy có gì bất ngờ.
“Con trai tôi kêu ‘mẹ ơi coi thời sự đi, có thiết quân luật kìa’, có khi mẹ con mình được nghỉ, không phải đến trường đâu.”
“Nếu là người dân ở nước khác khi mà nghe giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có mâu thuẫn, tập trận Mỹ-Hàn hoặc xáo trộn chính trị trong nội bộ Hàn Quốc thì mọi người cảm thấy tình hình rất nguy. Thế nhưng thực chất những người sống ở đây, gồm cả tôi, đã quen nên rất bình tĩnh, cuộc sống không quá xáo trộn.”
“Khi ông Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật vào hôm qua 3/12, với những người theo dõi chính trị Hàn Quốc kỹ thì cũng biết căng thẳng đã âm ỉ lâu rồi. Tôi đã chứng kiến những cuộc biểu tình chống Tổng thống Yoon, đòi phế truất và luận tội tổng thống trong thời gian qua và cũng có trường hợp sinh viên bị bắt.”
Chị Lê Thùy Hương nói mối bận tâm của chị là về kinh tế khi giá đồng won sụt giảm sau đại dịch Covid và vụ việc mới nhất càng khiến chị thêm bận lòng về viễn cảnh sắp tới.
“Tôi cũng nghĩ tác động rõ ràng là về kinh tế, khi đồng won của Hàn Quốc sụt giảm một các kinh khủng luôn sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật.”
Con đường chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ tại Hàn Quốc diễn ra suốt nửa thế kỷ và không tránh khỏi đổ máu.
Chun Doo-hwan đã tiến hành đảo chính tháng 12/1979, áp dụng thiết quân luật và trở thành lãnh đạo trên thực tế của Hàn Quốc.
Các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra, đỉnh điểm là biến cố ngày 18/5/1980 tại thành phố Gwangju.
Chun ra lệnh quân đội tiến vào Gwangju đàn áp, gây ra thảm sát giết chết hàng trăm người. Con số chính thức mà chính phủ Hàn Quốc sau này công nhận là hơn 200 người đã chết hay mất tích.
Chị Lê Thùy Hương cho biết chính trường rối loạn trong 24 giờ qua đã khiến chị liên tưởng tới vụ thảm sát Gwangju hồi năm 1980.
“Khi tôi nghe vụ biểu tình thì tôi tự nhiên nghĩ đến vụ thảm sát Gwangju mấy chục năm trước.”
“Tôi thấy nếu nhìn lại trong nhiều năm ở Hàn Quốc thì thời của bà Park Geun-hye và ông Yoon Suk-yeol, chính trường Hàn Quốc bị xáo trộn hơi nhiều.”
“Nếu còn thiết quân luật thì trong ba ngày học sinh sẽ được nghỉ học, nhưng trong đêm hôm qua (3/12) đã được giải quyết luôn nên sáng nay học sinh vẫn đến trường bình thường.”
Chị Lê Thùy Hương cho biết đã không nhận được tin nhắn của chính quyền thông báo về xáo động chính trị quan trọng này như tin nhắn khẩn cấp chị từng nhận được, lúc có xảy ra tập trận quân sự, thiên tai…
‘Nhận thức dân chủ của người dân rất cao’
Là một người gắn bó với đất nước Hàn Quốc trong nhiều năm qua, Thạc sĩ Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng Trường Hàn ngữ Katana, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt về cảm nhận của ông liên quan đến biến cố chính trị mới nhất tại Hàn Quốc.
“Mâu thuẫn giữa tổng thống và đảng đối lập xuất hiện từ hơn một năm qua. Ngoài ra, nhận thức về dân chủ của người dân Hàn Quốc rất cao, cho nên hành vi của quan chức đi ngược lại với các giá trị dân chủ thì bị người dân phản đối rất mạnh.”
Ông Khoa cũng từng là trợ lý ngôn ngữ cho ông Park Hang-seo – huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.
“Vụ Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật tối hôm qua 3/12 có thể gây ngỡ ngàng rất nhiều đối với người dân nước ngoài vì lần đầu tiên sau 44 năm ở Hàn Quốc mới có chuyện này, thế nhưng người Hàn Quốc cũng đã được chuẩn bị tinh thần”.
Ông Lê Huy Khoa nói thêm về thể chế dân chủ của Hàn Quốc sau thời gian hơn 10 năm công tác tại Hàn Quốc và 30 năm nghiên cứu văn hóa, chính trị của xứ sở kim chi:
“Ở Hàn Quốc, người dân có mức độ tham dự rất lớn vào nền chính trị của đất nước do họ được bầu trực tiếp đại biểu Quốc hội và tổng thống.”
Là người từng phụ trách lao động tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Lê Huy Khoa nói đến tâm tư của người Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay thông qua quan sát của ông.
“Ở Hàn Quốc thì hiện người Việt gồm có ba nhóm, gồm kiều bào, lao động và du học sinh.”
“Về kiều bào thì theo quan sát của tôi, họ dường như rất quan tâm về quá trình luận tội tổng thống vì người dân Hàn Quốc luôn quan tâm đến chuyện những quyết định của tổng thống sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống của họ.”
“Tối ngày 3/12, nhiều người lao động Việt Nam cảm thấy lo lắng vì giá đồng won bị lao dốc.”
“Về du học sinh thì họ lo lắng về học tập hay nhập cảnh. Thế nhưng cũng có người chẳng lo lắng gì vì chuyện luận tội hay kết tội tổng thống cũng không có gì mới ở quốc gia dân chủ này.”
Điều gì xảy ra nếu ông Yoon bị luận tội?
Các đảng đối lập gần như sẽ có đủ 200 phiếu ủng hộ cần thiết tại Quốc hội để thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon.
Chính đảng của Tổng thống Yoon đã lên tiếng phản đối hành động của ông, nhưng vẫn đang cân nhắc về cách thức phản ứng – mặc dù chỉ cần một số ít thành viên của đảng này bỏ phiếu ủng hộ luận tội thì kiến nghị sẽ được thông qua.
Nếu động thái này được Quốc hội thông qua, quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng thống Yoon sẽ bị đình chỉ ngay lập tức và thủ tướng sẽ trở thành quyền tổng thống.
Sau đó, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ có tiếng nói cuối cùng.
Nếu tòa chấp thuận kết quả luận tội, tổng thống sẽ bị cách chức và Hàn Quốc phải tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày. Nếu họ không chấp thuận, ông Yoon có thể tiếp tục tại vị.
Từ hôm nay 4/12, các nhà hoạt động đã lên kế hoạch tổ chức nhiều ngày biểu tình trên khắp cả nước để yêu cầu Tổng thống Yoon phải từ chức.
Tại Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, các nhà hoạt động đang lên kế hoạch tổ chức biểu tình mỗi ngày trong tuần tới, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.
Khoảng 1.000 công dân dự kiến sẽ tham dự một cuộc biểu tình thắp nến vào tối nay tại Gwangju, một thành phố ở góc tây nam của đất nước.
Nhiều người ở các thành phố vùng đông nam là Daegu và Pohang, và đảo Jeju miền nam, cũng đang lên kế hoạch tổ chức biểu tình tương tự.
Công đoàn lao động chính của Hàn Quốc cũng đã tổ chức một cuộc tổng đình công vô thời hạn.