Chính phủ Barnier bị đổ, quốc phòng Pháp sẽ phải trả giá đắt

Quốc Hội đã bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Pháp, dẫn đến việc ông Michel Barnier hôm nay, 05/12/2024, đệ đơn từ chức. Chính phủ kể từ nay chỉ xử lý thường vụ trong lúc chờ tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm thủ tướng mới. Khủng hoảng chính trị này gây lo ngại trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng, nhất là trong bối cảnh địa chính trị quốc tế phức tạp : Chiến tranh Ukraina, xung đột lan rộng ở Trung Đông, từ Gaza, Liban đến Syria…

Đăng ngày: 05/12/2024

French President Emmanuel Macron watches a military drone as he visits the Mont-de-Marsan air base, southwestern, Friday, Jan. 20, 2023 France.
Ảnh tư liệu: Tổng thống Pháp Macron đến thăm căn cứ không quân Pháp Mont-de-Marsan, tây nam Pháp ngày 20/01/2023. AP – Bob Edme

Thùy Dương

Ngay từ trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của thủ tướng Barnier, Ủy ban Quốc Phòng của Hạ Viện Pháp đã lo ngại về những hậu quả của việc giải tán chính phủ đối với các chương trình quân sự của Pháp. Những chương trình có quy mô lớn, chẳng hạn như dự án xây dựng một tàu sân bay thế hệ mới, có thể sẽ phải bị tác động.

Dự luật tài chính cho năm 2025 dự kiến tăng ngân sách quốc phòng lên thành 50 tỷ euro, tức là sẽ tăng 7% trong năm tới, theo đúng lộ trình tăng trong kế hoạch mới về chi tiêu quân sự trong những năm tới. Với dự luật tài chính cho năm 2025, bộ Quốc Phòng Pháp dường như sẽ có phương tiện tài chính, ví dụ như để đặt hàng một tàu sân bay thế hệ mới. Nhưng nay chính phủ bị giải thể, chưa có dự luật tài chính mới thay thế, việc tăng ngân sách cho quân đội phải tạm ngưng.

Một số chương trình khác cũng sẽ phải dừng lại. Dân biểu của tỉnh Morbihan (vùng Bretagne), Jean-Michel Jacques, chủ tịch Ủy ban Quốc Phòng của Hạ Viện Pháp, trả lời đài RFI Pháp ngữ, lưu ý là trước đây Pháp đã có kế hoạch chi 10 tỉ euro mua tàu sân bay, thực hiện ngay từ năm 2025. Như vậy, rõ ràng là rất nhiều dự án sẽ bị ảnh hưởng và điều này chắc chắn sẽ làm mọi chuyện bị chậm đi.

Chủ tịch Ủy ban Quốc Phòng của Hạ Viện Pháp nhấn mạnh đến yếu tố then chốt của hệ thống quốc phòng Pháp là khả năng răn đe hạt nhân cũng bị ảnh hưởng, do chưa thể có ngân sách dự kiến 500 triệu euro. Ngoài ra, 650 triệu euro đã được dành đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhưng cũng chưa thể triển khai được.

Ông Jean-Michel Jacques lo ngại là những điều này có thể sẽ tác động đến các công ty quốc phòng của Pháp. Ủy ban Quốc Phòng của Hạ Viện nhấn mạnh, đối với các chương trình quy mô lớn như đóng tàu, việc tuân thủ tiến độ dự án là cực kỳ quan trọng, bởi vì nếu các khoản tín dụng bị trì hoãn thì toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu quân sự có thể sẽ chao đảo.

Chính bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu cũng đã báo động là việc ngân sách của lực lượng vũ trang Pháp không được thông qua sẽ khiến nỗ lực quốc phòng của Pháp bị đình trệ hoàn toàn trong bối cảnh quốc tế ngày càng nguy hiểm.

Không có dự luật ngân sách mới cho năm 2025, mà chỉ duy trì ngân sách bằng của năm 2024, có nghĩa là quân đội Pháp sẽ không có khoản bổ sung hơn 3 tỉ euro so với ngân sách năm nay, điều này có nguy cơ « làm chậm lại tương đối công cuộc tái vũ trang của Pháp, vào lúc thế giới không chờ đợi chúng ta », theo cảnh cáo của bộ trưởng Lecornu trên báo Le Parisien.

Trên đài RMC ngày 03/12, một hôm trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Barnier, tướng Vincent Desportes, cựu giám đốc trường Chiến Tranh của Pháp, cũng nhận định tình hình đáng lo ngại, bởi vì từ năm 2017 trở lại đây, nước Pháp đã phải vất vả tái cơ cấu quân đội.

Vụ lật đổ chính phủ là một đòn liên đới rất đau đánh vào quân đội Pháp. Vì thế, theo tướng Vincent Desportes, đây là một hành vi vô trách nhiệm của các dân biểu. Các hệ quả đối với nước Pháp nói chung và ngành quốc phòng, công nghiệp và hàng ngàn lao động, sẽ rất nhiều và cũng rất nghiêm trọng.

Cựu giám đốc trường Chiến Tranh của Pháp nhận định, đối với hệ thống phòng phòng của Pháp, rõ ràng là cả 3 binh chủng của quân đội Pháp, Hải quân, Không quân và Lục quân, đều sẽ « phải trả giá »: « Chúng ta sẽ gặp vấn đề về trang thiết bị, các dự án sẽ bị trì hoãn. Chẳng hạn như việc xây dựng tàu sân bay mới thay thế cho tàu sân bay Charles de Gaulle có thể sẽ bị hoãn lại. Tôi cũng nghĩ rằng những chiếc máy bay chiến đấu sẽ không thể được giao cho chúng ta và tôi cũng nghĩ đến những đội xe bọc thép mà hiện giờ chúng ta đang rất cần ».

Dĩ nhiên, nếu quân đội Pháp chậm đặt mua các trang thiết bị quân sự mới, Paris cũng sẽ chậm giao hàng viện trợ quân sự cho Ukraina, trong khi sức ép của Nga trên chiến trường Ukraina ngày càng lớn và Kiev không ngừng thúc giục các đồng minh phương Tây đẩy nhanh tốc độ giao vũ khí.

Bài Liên Quan

Leave a Comment