Nội chiến tại Syria : Liệu Nga có sẽ bỏ rơi Bachar Al Assad ?

Tại Syria, lực lượng nổi dậy tiếp tục đà tiến. Sau khi chiếm được Aleppo và thành phố chiến lược Hama, lực lượng nổi dậy, tập hợp các nhóm Hồi giáo cực đoan, hôm nay, 05/12/2024, đã tiến gần đến thành phố Homs, rào cản cuối cùng để đến thủ đô Damas. Bị sa lầy tại Ukraina, Nga không dễ dàng chi viện quân sự cho chế độ Bachar Al Assad. Nhưng điện Kremlin cũng khó thể bỏ rơi đồng minh chiến lược Trung Đông.

Đăng ngày: 06/12/2024

Rebel fighters hold weapons in front of Hama governor's building as they gather after Syrian rebels captured the city during their advance across northern Syria, in Hama, Syria December 5, 2024.
Các chiến binh của phiến quân tại Hama sau khi chiếm được thành phố chiến lược này, 05/12/2024. Hama, Syria. REUTERS – Mahmoud Hassano

Minh Anh

Matxcơva đang trong thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về việc Nga có thể hỗ trợ đồng minh Syria như đã từng làm hồi năm 2016. Trang The Interpreter, Viện Lowy của Úc, nhận định lý do đầu tiên là Nga không còn có thể trông cậy vào tập đoàn Wagner, nhóm lính đánh thuê từng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các lợi ích của điện Kremlin tại Syria trong quá khứ.

Thứ hai, bị sa lầy tại Ukraina, Nga cũng không thể gởi quân tiếp viện cho đội ngũ binh sĩ hiện đang trú đóng tại Syria. Theo ước tính ( do số liệu chính thức chưa bao giờ được công bố), Nga duy trì từ năm 2016 khoảng từ 2.000 – 4.000 binh sĩ tại Syria. Số lính đánh thuê như từ tập đoàn Wagner gần như tương đương vào thời điểm đó. Chiến lược Nga đưa ra lúc bấy giờ là « lực lượng dân quân Syria, Iran và Hezbollah chiến đấu, quân đội Nga chỉ hỗ trợ. »

Ông Pavel Luzin, một chuyên gia về quân đội Nga, được Deutsche Welle trích dẫn, lưu ý Matxcơva sẽ rất khó gia tăng viện trợ cho Assad mà « không làm suy yếu quân đội Nga tại Ukraina ». Hiện tại, việc duy nhất mà Nga hỗ trợ chế độ Damas là oanh kích vào các vị trí của phe nổi dậy.  

Tuy nhiên, giới chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả của các cuộc oanh kích này, do có nhiều thông tin rằng Nga đã rút đi một số máy bay chiến đấu, và nhiều hệ thống tên lửa phòng không S-300 đã được chuyển đến cảng của Nga gần bán đảo Crimée. Điều ngạc nhiên nhất là sự thiếu vắng nhiều máy bay trinh sát (IL-20) và chỉ huy (A-50) tại căn cứ không quân Khmeimim ở Lattaquié.

Hiện tượng này cũng diễn ra tại căn cứ hải quân Tartous. Nhiều tầu chiến của Nga, được triển khai ở đây, đã rời căn cứ những ngày gần đây. Rồi binh sĩ Syria đã được tập hợp và di chuyển từ các vị trí nhỏ hơn đến các căn cứ lớn hơn. Những chuyển dịch quân sự này đã làm dấy lên nhiều lời đồn thổi về việc Nga đang triệt thoái một phần lực lượng ra khỏi khu vực.

Trang Geo của Pháp nhắc lại, sau khi giúp Syria chiếm lại thành phố Aleppo và nhiều vùng khác từ tay quân thánh chiến hồi năm 2016, Nga đã ký kết hợp đồng thuê hai căn cứ quân sự trên của Syria với thời hạn là 49 năm.

Liệu Nga có để mất hai căn cứ quân sự này hay không, những cánh cửa ngỏ cho Nga đặt chân tại vùng nước ấm Địa Trung Hải, để đối phó với sườn phía nam của NATO, và cũng là bệ phóng để Nga mở rộng ảnh hưởng ra vùng Trung Đông và châu Phi ?

Theo nhiều nhà quan sát được Deutsch Welle trích dẫn, nếu như Ukraina vẫn là ưu tiên hàng đầu của Nga, thì đây có lẽ sẽ là một sai lầm nếu tổng thống Putin bỏ rơi đồng minh Bachar Al Assad. Đối với điện Kremlin, Syria có một vị trí quan trọng trong việc duy trì hình ảnh siêu cường của Nga. Sau thất bại của phương Tây khi can thiệp vào Irak và Libya, Nga muốn thể hiện là một nhân tố ổn định trong khu vực và đã thành công khẳng định vị thế của mình.

Tuy nhiên, cuộc tấn công của phe nổi dậy đặt Matxcơva trong một thế khó. Danh tiếng của Nga có nguy cơ bị tổn hại trên trường quốc tế nếu không bảo vệ được đồng minh. Giờ đây, ông Bachar Al Assad, người luôn trung thành với điện Kremlin, dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chủ động chơi lá bài Iran. Nếu như Teheran giúp Damas ổn định được tình hình và chiếm lại Aleppo, Nga có nhiều nguy cơ mất Syria vào tay Iran.

Trong bối cảnh này, dường như Matxcơva đang thúc tiến con đường ngoại giao, tìm cách liên lạc với các cường quốc có liên quan là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Nhà phương Đông học Ruslan Suleimanov, trả lời DW, cảnh báo, « đây sẽ là những cuộc đàm phán rất khó khăn và mệt mỏi cho điện Kremlin, vốn đang dành nhiều tâm trí, sức lực và nguồn lực vào mặt trận Ukraina ! » 

Bài Liên Quan

Leave a Comment