Vì sao mật gấu, nanh hổ, vảy tê tê… bán công khai trên mạng tại Việt Nam?

Động vật hoang dã

7 tháng 12 2024

“Mùa lạnh này mỗi gia đình hãy là người thông thái, có ngay một vài cc mật gấu trong nhà…”

Những lời quảng cáo như vậy tràn lan trên nhiều website thương mại điện tử và nhóm bán các sản phẩm từ động vật hoang dã công khai trên Facebook tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đã có các quy định pháp luật cấm buôn bán voi, tê giác, tê tê, hổ và các sản phẩm liên quan, kể cả trực tiếp và trực tuyến.

Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố cho thấy các quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chào bán sản phẩm từ các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng đang ở quy mô đáng báo động.

Báo cáo do tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát buôn bán động thực vật hoang dã Traffic thực hiện, với sự hỗ trợ từ dự án Cứu hộ động vật hoang dã bị đe dọa của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Khảo sát được thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2023, trên năm loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng là hổ, tê tê, tê giác, voi, rùa cạn và rùa nước ngọt.

So với nghiên cứu tương tự mà Traffic thực hiện năm 2017 tình hình không có dấu hiệu cải thiện.

Thậm chí đã xuất hiện thêm một số sản phẩm mới từ động vật hoang dã.

Một số mặt hàng cũ, như ngà voi, cao hổ, giá lại còn tăng mạnh.

Khảo sát cho thấy gì?

wildlife animal

Thống kê của Traffic như sau:

  • Facebook (51,3%) và Zalo (35%) là hai nền tảng mạng xã hội chính để quảng cáo sản phẩm động vật hoang dã.
  • Hà Nội và TP HCM bán các sản phẩm từ cả năm loài động vật hoang dã được khảo sát.
  • Có tổng cộng hơn 22.000 quảng cáo về các sản phẩm từ 5 loài động vật gồm hổ, voi, rùa, tê giác và tê tê (30 bài đăng một ngày).
  • Các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, từ trang trí, tâm linh, làm thuốc đến làm vật nuôi trong nhà.
  • Với voi, các mặt hàng làm bằng ngà voi được quảng bá thường xuyên nhất, chiếm 94% tổng số các quảng cáo về sản phẩm từ voi. Giá các sản phẩm từ voi cũng tăng đáng kể so với cuộc khảo sát năm 2017 (xem bảng bên dưới) (p23)
  • Với tê giác, sừng là mặt hàng phổ biến nhất (65%) cho dù còn nguyên hay cắt thành từng miếng, hoặc bào thành bột để làm thuốc. Các sản phẩm sừng tê giác được chạm khắc như vòng tay, bùa hộ mệnh và cốc là mặt hàng được quảng cáo nhiều thứ hai (30,3%).
  • Với hổ, móng vuốt và răng (đặc biệt là nanh) là những sản phẩm được quảng cáo phổ biến nhất (81%), chủ yếu được bán dưới dạng mặt dây chuyền hoặc nhẫn.
  • Một sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường là dạng “cao” hỗn hợp làm từ da tê giác, vảy tê tê, cá ngựa và tắc kè. Loại cao hỗn hợp này được quảng cáo là giúp tăng cường sinh lý nam, bổ thận, gan và mắt, cải thiện cảm giác thèm ăn, tăng cường sức khỏe khớp, giải độc, ngăn ngừa ung thư và giảm chứng mất ngủ.

Bà Nguyễn Tuyết Trinh, Giám đốc Tổ chức Traffic tại Việt Nam, nhận định “tình hình buôn bán động vật hoang dã trái phép diễn biến phức tạp, khiến công tác theo dõi và kiểm soát trở nên khó khăn hơn.”

tê giác
voi
Chụp lại hình ảnh,Giá bán các sản phẩm từ voi được quảng cáo trên mạng tại Việt NaNam
ngà voi

Bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, khẳng định:

“Tất cả các bên liên quan đều cần phải chung tay hành động trong cuộc chiến này.”

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp Trung ương, được Traffic trích lời trong báo cáo cho rằng việc “thường xuyên giám sát các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên nền tảng trực tuyến đã và đang cung cấp nguồn tin hữu ích cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc ứng phó với hoạt động này”.

Buôn bán sôi nổi trên mạng

Mặc dù ông Tùng nói rằng công tác giám sát của các tổ chức phi chính phủ giúp ích cho giới thực thi pháp luật như ông, nhưng tình trạng buôn bán sản phẩm động vật hoang dã trái phép trên mạng trong vài năm gần đây có vẻ không hề bị cản trở gì, theo khảo sát của BBC.

Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình

Cách đây hai năm, sau khi Traffic ra một báo cáo tương tự về tình trạng buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã online tại Việt Nam, phóng viên BBC News Tiếng Việt đã thực hiện một cuộc điều tra nhỏ và ghi nhận hoạt động này diễn ra công khai, sôi nổi.

Vào thời điểm đó, BBC News Tiếng Việt thử gọi đến các số điện thoại đăng công khai trên một số website như thaoduochoabinh hay caythuoc để hỏi về mật gấu, và cao hổ, và đều được người bán cho biết hàng đang có sẵn.

Như vậy, tình hình buôn bán các sản phẩm cấm trên chợ online không hề được cải thiện vào thời điểm hiện tại.

Mới đây, khi BBC tìm kiếm từ khóa ‘mật gấu’ trên Facebook, ngay lập tức hàng loạt kết quả nhóm bán mật gấu xuất hiện.

Tại nhóm Facebook có tên Mật gấu tươi nguyên chất, tài khoản Nguyễn Phúc quảng cáo:

“Trong mỗi gia đình hãy là người thông thái có ngay mấy cc mật gấu tươi hay túi mật khô ngâm rượu để dùng hàng ngày.

“Công dụng chữa đau bụng, đau xương khớp, bầm tím máu ,trật gân thì cực kỳ hiệu quả.”

Tại nhóm Hội mua bán mật gấu, tài khoản có tên Bảo Ngọc viết: “Mùa lạnh này mỗi gia đình nên có 1 vài cc mật gấu trong nhà. Em còn ít bán tặng cho mọi người. Giá công khai. 50k/1cc.”

Kèm theo là số điện thoại liên lạc.

Tải khoản Thảo Vân hướng dẫn cách pha mật gấu tươi nguyên chất để uống trước khi đi ngủ nhằm “trị dứt điểm bệnh dạ dày”, hoặc xoa bóp “rất hiệu quả”, công bố giá 60k/1 cc mật gấu cùng số điện thoại công khai.

Tài khoản có tên Thịt Rừng Jp lại quảng cáo “mật gấu chuẩn Nhật”.

Trong khi đó, tài khoản có tên Trần Hải đăng “Mật gấu tươi khô nguyên chất luôn có sẵn”.

Ngoài mật gấu, một số tài khoản còn quảng cáo bán mật kỳ đà sỉ và lẻ, cùng pín hươu, thiên sơn tuyết liên…

Một tài khoản ẩn tên, hướng dẫn cách pha mật gấu tươi 100% “giao hàng toàn quốc”, công dụng “Bảo vệ gan rất tốt, lợi mật, giảm đau, tiêu viêm; Giảm nồng độ triglyceride trong máu; Chống mỡ bọc gan, chống xơ cứng động mạch, hạ đường huyết, chống mệt mỏi; Tan sỏi mật cholesterol, Hấp thụ vitamin B…”

Một tài khoản khác tên Nguyễn Huyền Trang quảng cáo mật gấu ngựa đực Lào tự nhiên và mật bò tót Lào tự nhiên, là “hàng siêu hiếm siêu vip”, cùng số điện thoại liên hệ, khách được “kiểm tra chất lượng thoải mái”.

ĐVHD

Việt Nam từ lâu đã được công nhận là thị trường tiêu thụ động vật hoang dã lớn và là điểm trung chuyển chính cho các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp đến các quốc gia châu Á khác.

Nhu cầu ở Việt Nam được thúc đẩy bởi niềm tin các sản phẩm này có khả năng trị bệnh, tăng cường sức khỏe và nâng cao địa vị xã hội.

Sự xuất hiện của internet, các trang web thương mại điện tử và mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn bán trực tuyến các loài động vật hoang dã, thực vật và các sản phẩm liên quan.

Từ năm 2016, Traffic đã theo dõi các thị trường động vật hoang dã trực tuyến của Việt Nam. Báo cáo mới đây nhất cho thấy tình hình từ đó tới nay không mấy cải thiện.

Một cuộc khảo sát khác năm 2020 được tổ chức phi chính phủ Change thực hiện chỉ ra rằng đối tượng chính tiêu thụ động vật hoang dã là người có tiền, có quyền, trong đó có các quan chức chính phủ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment