Abu Mohammed al-Jolani: Thủ lĩnh lật đổ chính phủ Syria là ai?

Abu Mohammed al-Jolani phát biểu trước những người ủng hộ tại Nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở Damascus vài giờ sau khi lật đổ Bashar al-Assad
Chụp lại hình ảnh,Abu Mohammed al-Jolani phát biểu trước những người ủng hộ tại Nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở Damascus vài giờ sau khi lật đổ Bashar al-Assad

  • Tác giả,Mina Al-Lami
  • Vai trò,Chuyên gia về truyền thông thánh chiến, BBC Monitoring
  • 9 tháng 12 2024

Thủ lĩnh nhóm vũ trang nổi dậy Syria, Abu Mohammed al-Jolani, đã từ bỏ bí danh gắn liền với quá khứ thánh chiến của mình và sử dụng tên thật – Ahmed al-Sharaa – trong các thông cáo chính thức từ thứ Năm tuần rồi, ngay trước khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.

Động thái này nằm trong nỗ lực của Jolani nhằm củng cố tính chính danh của mình trong bối cảnh mới, khi nhóm vũ trang Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) do ông ta dẫn dắt cùng các phe phái vũ trang khác tuyên bố đã chiếm được thủ đô Damascus, củng cố quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria.

Sự chuyển hóa của Jolani không phải là điều mới xảy ra mà đã được dày công xây dựng trong nhiều năm trời, thể hiện qua các phát biểu công khai, các cuộc phỏng vấn với các hãng tin quốc tế cũng như qua sự thay đổi về ngoại hình của ông ta.

Jolani từng mặc trang phục truyền thống của chiến binh thánh chiến, nhưng trong vài năm trở lại đây, ông ta đã chuyển sang lối ăn mặc theo phong cách phương Tây.

Hiện nay, khi chỉ đạo các cuộc tấn công, ông ta mặc quân phục, tượng trưng cho vai trò chỉ huy của mình trong các chiến dịch.

Nhưng Jolani – hay Ahmed al-Sharaa – thực sự là ai, và tại sao và bằng cách nào ông ta đã thay đổi như vậy?

Sợi dây giữa IS và Iraq

Trong một cuộc phỏng vấn với đài PBS vào năm 2021, Jolani đã tiết lộ rằng ông ta sinh năm 1982 tại Ả Rập Xê Út, nơi cha ông ta là một kỹ sư dầu khí cho đến năm 1989.

Năm đó, gia đình Jolani trở về Syria và ông ta lớn lên tại khu Mezzeh, Damascus.

Hành trình trở thành một chiến binh thánh chiến của Jolani bắt đầu ở Iraq, gắn liền với al-Qaeda thông qua tiền thân của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) là nhóm al-Qaeda tại Iraq, sau này là Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI).

Sau cuộc xâm lược Iraq do Mỹ dẫn dắt vào năm 2003, ông ta gia nhập các chiến binh nước ngoài khác tại Iraq và vào năm 2005, ông ta bị giam giữ ở trại Bucca. Chính tại nơi đây, ông ta đã củng cố các mối quan hệ thánh chiến của mình và sau đó được giới thiệu với Abu Bakr al-Baghdadi, một học giả trầm lặng, người sau này trở thành thủ lĩnh IS.

Năm 2011, Baghdadi cử Jolani đến Syria với nguồn quỹ để thành lập Mặt trận al-Nusra, một phe nhóm bí mật có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI). Đến năm 2012, al-Nusra đã trở thành một lực lượng chiến đấu nổi trội ở Syria và vẫn che giấu mối liên hệ với IS và al-Qaeda.

Abu Bakr al-Baghdadi cử Jolani tới Syria để thành lập Mặt trận Al-Nusra
Chụp lại hình ảnh,Abu Bakr al-Baghdadi đã cử Jolanitới Syria để thành lập Mặt trận Al-Nusra

Căng thẳng nổ ra vào năm 2013 khi nhóm của Baghdadi ở Iraq đơn phương tuyên bố sáp nhập hai nhóm (ISI và Nusra), tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL, hay còn gọi là ISIS), đồng thời lần đầu tiên tiết lộ công khai các mối liên hệ giữa họ.

Jolani phản đối, vì ông ta muốn tách nhóm của mình ra khỏi các chiến thuật bạo lực của ISI và điều này đã dẫn đến rạn nứt.

Để thoát khỏi tình thế khó khăn đó, Jolani đã cam kết trung thành với al-Qaeda, biến Mặt trận al-Nusra trở thành một nhánh của tổ chức này tại Syria.

Ngay từ đầu, Jolani đã ưu tiên tranh thủ sự ủng hộ của người Syria, tách bạch mình khỏi tính chất tàn bạo của IS và nhấn mạnh cách tiếp cận thánh chiến một cách thực tế hơn.

Gia nhập al-Qaeda

Vào tháng 4 năm 2013, Mặt trận al-Nusra trở thành chi nhánh của al-Qaeda ở Syria, khiến tổ chức này ở thế đối đầu với IS.

Mặc dù bước đi của Jolani phần nào là để duy trì sự ủng hộ của người dân địa phương và tránh việc khiến cho người Syria cùng các phe phái nổi dậy khác bị cô lập, mối liên kết với al-Qaeda cuối cùng không mang lại nhiều lợi ích cho nỗ lực này.

Vào năm 2005, thách thức trở nên cấp bách khi al-Nusra và các phe phái khác chiếm được tỉnh Idlib, buộc họ phải hợp tác trong việc quản lý khu vực này.

Jolani đổi tên Mặt trận al-Nusra thành Jabhat Fatah al-Sham vào năm 2016. Năm sau, nó trở thành Hayat Tahrir al-Sham
Chụp lại hình ảnh,Jolani đổi tên Mặt trận al-Nusra thành Jabhat Fatah al-Sham vào năm 2016. Năm 2017, tổ chức này trở thành Hayat Tahrir al-Sham (HTS).

Năm 2016, Jolani cắt đứt quan hệ với al-Qaeda, đổi tên nhóm thành Jabhat Fatah al-Sham và sau đó thành Hayat Tahrir al-Sham (HTS) vào năm 2017.

Ban đầu động thái này có vẻ chỉ mang tính hình thức, nhưng sự phân tách đã phơi bày những chia rẽ sâu sắc.

Al-Qaeda cáo buộc Jolani phản bội, dẫn đến sự ly khai và việc phải thành lập Hurras al-Din, một chi nhánh mới của al-Qaeda tại Syria nhưng Hurras al-Din đã bị HTS diệt trừ vào năm 2020.

Tuy nhiên, các thành viên của Hurras al-Din vẫn duy trì hiện diện một cách thận trọng trong khu vực.

HTS cũng nhắm mục tiêu vào các tay súng IS và chiến binh nước ngoài tại Idlib, phá hủy mạng lưới của họ và buộc một số phải trải qua các chương trình “giảm bớt cực đoan”.

Những nước đi này được xem là minh chứng cho nỗ lực thống nhất các lực lượng nổi dậy và giảm đấu đá nội bộ, phát đi tín hiệu cho thấy chiến lược của Jolani nhằm định vị HTS là một lực lượng nổi trội và có tính khả thi về mặt chính trị tại Syria.

Mặc dù đã công khai đoạn tuyệt với al-Qaeda và thay tên đổi họ, HTS vẫn bị Liên Hợp Quốc, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Mỹ tiếp tục treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin về nơi ở của Jolani. Các cường quốc phương Tây cho rằng sự tách bạch này chỉ là vỏ bọc.

Thành lập ‘chính phủ’ ở Idlib

Jolani họp báo sau trận động đất kinh hoàng năm 2023 ở Syria
Chụp lại hình ảnh,Jolani mở họp báo sau trận động đất kinh hoàng năm 2023 ở Syria

Dưới sự dẫn dắt của Jolani, HTS trở thành lực lượng thống trị tại Idlib, thành trì lớn nhất của phe nổi dậy ở tây bắc Syria và là nơi sinh sống của khoảng bốn triệu dân, phần lớn trong số này là những người buộc phải di tản khỏi các tỉnh khác của Syria.

Để giải quyết mối lo ngại về việc một nhóm chiến binh cai quản khu vực, HTS đã thành lập một mặt trận dân sự, gọi là “Chính phủ Cứu quốc Syria” (SG) vào năm 2017. Nhóm này được xem như cánh chính trị và hành chính của HTS.

SG hoạt động giống như một nhà nước, với một thủ tướng, các bộ và cơ quan địa phương phụ trách các lĩnh vực như giáo dục, y tế và tái thiết, đồng thời duy trì một hội đồng tôn giáo theo định hướng của Sharia, tức luật Hồi giáo.

Jolani được chụp khi đang ngắm bức tranh của Nhà thờ Hồi giáo Umayyad trong chuyến tham quan hội chợ sách, nghệ thuật và văn hóa ở Idlib vào năm 2022
Chụp lại hình ảnh,Jolaniđang ngắm một bức tranh của Nhà thờ Hồi giáo Umayyad trong chuyến tham quan hội chợ sách, nghệ thuật và văn hóa ở Idlib vào năm 2022

Để định vị lại hình ảnh của mình, Jolani tích cực tương tác với công chúng, đến thăm các trại của dân di tản, tham dự các sự kiện và giám sát các nỗ lực viện trợ, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng như trận động đất năm 2023.

HTS nêu bật những thành tựu trong quản trị và hạ tầng để chính danh hóa vai trò cai quản của mình và chứng minh khả năng cung cấp cho người dân sự ổn định và các dịch vụ.

Nhóm này từng ngợi ca Taliban khi Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021, xem Taliban như nguồn cảm hứng và hình mẫu về cách cân bằng hiệu quả giữa các nỗ lực thánh chiến và khát vọng chính trị, bao gồm cả việc thực hiện những thỏa hiệp mang tính chiến thuật để đạt mục tiêu.

Những nỗ lực của Jolani tại Idlib phản ánh chiến lược rộng hơn của ông ta nhằm chứng minh rằng HTS không chỉ có khả năng tiến hành các cuộc thánh chiến mà còn có thể quản trị hiệu quả.

Bằng cách ưu tiên sự ổn định, cung cấp các dịch vụ công và tái thiết, Jolani muốn biến Idlib thành một hình mẫu thành công dưới sự cai quản của HTS, từ đó nâng cao tính chính danh của nhóm và tham vọng chính trị của chính mình.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Jolani, HTS đã nghiền nát và gạt phăng các phe phái chiến binh khác, cả thánh chiến lẫn phe nổi dậy, trong nỗ lực củng cố quyền lực và thống trị khu vực.

Biểu tình chống HTS

Trong hơn một năm trước khi cuộc tấn công của quân nổi dậy do HTS dẫn dắt nổ ra vào ngày 27 tháng 11, Jolani đã phải đối diện với các cuộc biểu tình ở Idlib từ những người Hồi giáo cực đoan cũng như các nhà hoạt động Syria.

Những người chỉ trích so sánh sự cai trị của ông ta với Assad, cáo buộc HTS theo chủ nghĩa độc tài, đàn áp bất đồng chính kiến và bịt miệng những người lên tiếng phê phán. Người biểu tình gọi lực lượng an ninh của HTS là “Shabbiha,” một thuật ngữ dùng để mô tả những tay sai trung thành của Assad.

Họ còn cáo buộc rằng HTS đã cố tình tránh các cuộc giao chiến đáng kể chống lại lực lượng chính phủ và gạt ra rìa các chiến binh thánh chiến cùng những chiến binh nước ngoài tại Idlib, nhằm ngăn những người này tham gia vào các hành động như vậy, tất cả đều nhằm xoa dịu các tác nhân quốc tế.

Ngay cả trong cuộc tấn công gần đây nhất, các nhà hoạt động vẫn liên tục kêu gọi HTS trả tự do cho những người bị giam giữ tại Idlib – những người mà họ nói rằng đã bị giam do quan điểm bất đồng.

Đáp lại những lời chỉ trích này, HTS đã thực hiện một số cải cách trong năm qua. Nhóm đã giải tán hoặc đổi tên một lực lượng an ninh gây tranh cãi bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và thành lập một “Cục Khiếu nại” để người dân có thể nộp đơn khiếu nại. Tuy nhiên, giới phê phán cho rằng các biện pháp này chỉ là màn kịch nhằm kiềm chế sự bất mãn.

Đầu năm nay, những người biểu tình ở Idlib yêu cầu thả những người bị giam giữ và chấm dứt sự cai trị của HTS
Chụp lại hình ảnh,Đầu năm nay, người biểu tình ở Idlib đã yêu cầu thả những người bị giam giữ và chấm dứt sự cai trị của HTS

Để hợp thức hóa việc củng cố quyền lực ở Idlib và đàn áp sự đa dạng giữa các nhóm chiến binh, HTS lập luận rằng việc thống nhất dưới một ngọn cờ duy nhất là điều cốt yếu để đạt được tiến bộ và cuối cùng là lật đổ chính phủ Syria.

HTS và cánh dân sự của mình – Chính phủ Cứu quốc Syria (SG) – như người đi trên dây khi một mặt phải cố gắng xây dựng một hình ảnh hiện đại, ôn hòa để được lòng dân và cộng đồng quốc tế, mặt khác vẫn duy trì bản sắc Hồi giáo để làm hài lòng những người theo đường lối cứng rắn trong các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát và ngay trong nội bộ HTS.

Ví dụ, vào tháng 12 năm 2023, HTS và SG đã vấp phải những phản ứng dữ dội sau khi một “lễ hội” được tổ chức tại một trung tâm mua sắm mới hào nhoáng bị những người theo đường lối cứng rắn lên án là “vô đạo đức”.

Và vào tháng 8 năm nay, một buổi lễ lấy cảm hứng từ Thế vận hội Paralympic cũng hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ những người có quan điểm cứng rắn, khiến SG phải xem xét lại việc tổ chức những sự kiện như vậy.

Những sự việc này cho thấy thách thức mà HTS đang đối mặt trong việc dung hòa kỳ vọng giữa nền tảng Hồi giáo của mình với các yêu cầu rộng hơn từ người dân Syria, những người đang tìm kiếm tự do và sự chung sống hài hòa, sau nhiều năm nằm dưới ách cai trị chế độ độc tài Assad.

Hướng đến con đường mới?

Khi cuộc tấn công mới nhất diễn ra, truyền thông toàn cầu tập trung vào quá khứ thánh chiến của Jolani, khiến một số người ủng hộ phe nổi dậy kêu gọi ông ta rút lui, coi ông ta là một gánh nặng.

Mặc dù trước đây ông ta đã bày tỏ việc sẵn lòng giải tán nhóm và bước sang một bên, nhưng những hành động gần đây và các lần xuất hiện công khai của ông ta lại thể hiện một câu chuyện khác.

Thành công của HTS trong việc thống nhất các phe nổi dậy và nắm quyền kiểm soát gần toàn bộ đất nước trong vòng chưa đầy hai tuần đã củng cố vị thế của Jolani, át đi những lời chỉ trích từ những người cực đoan và những người cáo buộc rằng ông theo chủ nghĩa cơ hội.

HTS và đồng minh phát động cuộc tấn công lật đổ Assad cuối tháng 11
Chụp lại hình ảnh,HTS và các đồng minh khai chiến lật đổ Assad cuối tháng 11

Jolani và Chính phủ Cứu quốc Syria (SG) kể từ đó đã trấn an được cả công chúng trong nước và quốc tế.

Đối với người Syria, bao gồm cả các nhóm thiểu số, họ đưa ra cam kết bảo đảm an toàn; đối với các quốc gia láng giềng và các cường quốc như Nga, họ hứa hẹn duy trì quan hệ hòa bình. Jolani thậm chí đã cam đoan với Nga rằng các căn cứ của Nga tại Syria sẽ không bị tổn hại nếu các cuộc tấn công chấm dứt.

Sự chuyển hướng này phản ánh chiến lược “thánh chiến ôn hòa” của HTS từ năm 2017, nhấn mạnh tính thực dụng hơn là lý tưởng cứng nhắc.

Cách tiếp cận của Jolani có thể là dấu hiệu cho sự quá độ của các phong trào thánh chiến toàn cầu như IS và al-Qaeda, khi sự cứng nhắc của họ ngày càng cho thấy tính không hiệu quả và không bền vững.

Con đường của ông ta có thể là nguồn cảm hứng cho các nhóm khác để thích nghi, đánh dấu một kỷ nguyên mới của “thánh chiến” có tính địa phương và linh hoạt về chính trị, hoặc chỉ là sự chệch khỏi tạm thời con đường truyền thống để đạt được các mục tiêu chính trị và lãnh thổ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment