Biển Đông: Philippines tập trận với các đồng minh sau cuộc đối đầu với Trung Quốc

RFA
2024.12.07

Biển Đông: Philippines tập trận với các đồng minh sau cuộc đối đầu với Trung Quốc

Ảnh của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Tây Philippines (NTF-WPS) đưa ra vào ngày 4/12/2024 cho thấy một tàu của Hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu của Cục Thủy sản Philippines

 AFP/ NTF-WPS

Philippines đã tổ chức các cuộc tập trận hàng hải với Hoa Kỳ và Nhật Bản bên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông, quân đội nước này cho biết vào ngày 6/12, hai ngày sau cuộc đối đầu trên biển với Bắc Kinh xung quanh một bãi cạn đang tranh chấp.

Các cuộc tập trận, có sự tham gia của một máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ, tàu BRP Andres Bonifacio của Hải quân Philippines và một máy bay nhỏ C-90, cùng tàu khu trục JS Samidare lớp Murasame của Nhật Bản, là vòng tập trận mới nhất của Philippines với các đồng minh trong năm nay trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Các cuộc tập trận được tiến hành “theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế và tôn trọng sự an toàn của hoạt động hàng hải, cũng như quyền và lợi ích của các quốc gia khác”, Lực lượng vũ trang Philippines và Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết trong các tuyên bố riêng.

Vào thứ Tư, Philippines cáo buộc các tàu hải cảnh Trung Quốc đã bắn vòi rồng và quệt vào một trong những chiếc thuyền của họ trong nhiệm vụ tiếp tế cho ngư dân tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đang có tranh chấp.

Manila cũng bày tỏ sự lo ngại về sự hiện diện của một tàu hải quân Trung Quốc tại bãi cạn mà họ cho là đã chặn và theo dõi các tàu cảnh sát biển của họ, trong những gì họ mô tả là “sự leo thang và khiêu khích mạnh mẽ”.

Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough, vẫn khẳng định rằng hành động của mình là hợp pháp.

Brunei, Malaysia, Đài Loan, Philippines và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng biển. Căng thẳng đã gia tăng trong bối cảnh lo ngại rằng các yêu sách mở rộng của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.

EEZ kéo dài 200 hải lý (370km) từ bờ biển của một quốc gia và cho phép quốc gia đó có quyền chủ quyền để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng nước và dưới đáy đại dương.

Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague rằng các yêu sách của họ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough chưa bao giờ được xác lập, nhưng tòa án đã phán quyết rằng lệnh phong tỏa của Trung Quốc ở đó đã vi phạm luật pháp quốc tế và khu vực này là ngư trường truyền thống được ngư dân của nhiều quốc gia sử dụng.

Theo Reuters 

Bài Liên Quan

Leave a Comment