Chế độ Assad sụp đổ: Châu Âu xét lại chính sách với người tị nạn Syria

Chưa đầy 48 giờ sau khi chế độ Assad tại Syria sụp đổ, hàng loạt nước châu Âu đã đình chỉ việc xem xét hồ sơ xin tị nạn của người Syria, chạy trốn chế độ độc tài và chiến tranh. Nhiều chính trị gia thậm chí còn yêu cầu xem xét việc trục xuất người Syria đã định cư tại châu Âu.

Đăng ngày: 10/12/2024

Trọng Thành

Ảnh hưởng gia tăng của các tư tưởng cực hữu bài ngoại ở châu Âu đang khiến vấn đề người tị nạn bị thổi bùng lên, và được nhìn nhận trước hết trên bình diện « gánh nặng di dân » hơn là bình diện quyền con người và địa – chính trị.

Chiến tranh và chế độ độc tài tại Syria đã buộc hơn 6 triệu người phải rời bỏ đất nước. Châu Âu là nơi tiếp nhận hơn một triệu người tị nạn Syria, chiếm khoảng một phần năm dân tị nạn Syria trên toàn thế giới. Hàng trăm nghìn người đã được nhập quốc tịch của một quốc gia châu Âu. Hiện tại còn có hàng trăm nghìn người Syria đang đệ đơn xin tị nạn tại nhiều quốc gia châu Âu.

Việc xem xét hồ sơ tị nạn bị đình chỉ tại nhiều nước

Hôm qua, 09/12/2024, chính phủ các nước như Đức, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Bỉ, Anh, Thụy Sĩ và Hà Lan ngay lập tức quyết định đình chỉ việc xem xét đơn xin tị nạn của người Syria. Đức, quốc gia tiếp nhận gần một triệu người tị nạn Syria, là một trong những nước ra quyết định sớm nhất. Gần 50.000 hồ sơ tị nạn tại Đức tạm thời không được xem xét.

Bộ Nội Vụ Đức cho biết chính sách ngừng xét đơn sẽ được duy trì « cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng hơn ». Bộ trưởng Nội Vụ Đức Nancy Faeser, thuộc đảng Xã Hội – Dân Chủ cánh tả, cũng nói thêm là nhiều người Syria, đã tìm nơi nương náu ở Đức kể từ cuộc di cư lớn năm 2015-2016, « giờ đây có hy vọng trở về quê hương Syria, xây dựng lại đất nước mình ». Tại Pháp, Ofpra, cơ quan xét đơn tị nạn, cho biết đang theo dõi tình hình Syria một cách « cẩn trọng », đồng thời cho biết « có thể tạm thời đình chỉ việc ra quyết định đối với một số yêu cầu tị nạn từ công dân Syria ».

Áo là một trong những nước tiếp nhận nhiều dân tị nạn Syria nhất châu Âu, với khoảng 100 nghìn người. Bộ trưởng Nội Vụ Áo Gerhard Karner giải thích: « Tình hình chính trị ở Syria về cơ bản đã thay đổi ». Quyết định này liên quan đến khoảng 7.300 hồ sơ. Chính phủ Áo thuộc phe cực hữu còn đi xa hơn, ngay lập tức công bố « chương trình hồi hương và trục xuất về Syria ».

Tư tưởng cực hữu bài ngoại thừa cơ lấn tới

Việc chế độ độc tài Assad sụp đổ khiến cho việc tiếp nhận người tị nạn Syria trở lại thành một điểm nóng chính trị. Nước Đức đang trong chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn ngày 23/02/2025. Cổ vũ cho tư tưởng cực hữu bài ngoại được coi là một phương tiện hiệu quả để thu hút cử tri. Lãnh đạo đảng cực hữu Đức AfD, Alice Weidel, nhận định « Bất cứ những ai ăn mừng nước ‘‘Syria tự do’’ ở Đức dường như không còn lý do gì để chạy trốn nữa » và « nên trở lại Syria ngay lập tức ».

Tư tưởng bài ngoại không chỉ của riêng các đảng cực hữu. Nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ cánh hữu Friedrich Merz CDU, ứng cử viên hàng đầu vào chức vụ thủ tướng Đức, kế nhiệm Olaf Scholz, đã ngay lập tức kêu gọi các quốc gia tiếp nhận người tị nạn Syria tổ chức một « hội nghị tái thiết và hồi hương » vào đầu năm 2025. Dân biểu phe bảo thủ Jens Spahn thậm chí đề xuất « thuê máy bay » và cấp tiền thưởng một nghìn euro cho « tất cả những ai muốn quay về Syria ».

Tại Đức, gió đã xoay chiều. Kể từ sau chính sách mở cửa cho người Syria tị nạn những năm 2015 – 2016, nước Đức đã thắt chặt trở lại chính sách nhập cư, nhưng không cản được bước tiến của các đảng phái thù địch với người nhập cư. Đảnh cực hữu AfD lần đầu tiên giành được một chiến thắng trong bầu cử địa phương vào tháng 9/2024. Còn tại Áo, phe cực hữu lần đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vào cuối tháng 9 vừa qua.

Tình hình « đầy bất trắc » ở Syria đòi hỏi thận trọng

Tư tưởng bài ngoại lấn tới trong vấn đề chính sách với người tị nạn Syria đã khiến Phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) phải kêu gọi « kiên nhẫn và cảnh giác » về vấn đề người Syria hồi hương. Tổ chức phi chính phủ Ân xá Quốc tế Amnesty International đã chỉ trích Berlin đưa ra một « tín hiệu hoàn toàn sai lầm », khi quyết định đình chỉ việc xét đơn xin tị nạn của khoảng 50.000 người.

Bên cạnh việc xem xét các hồ sơ tị nạn, Ân xá Quốc tế cũng nhấn mạnh : Không thể bắt những người Syria đã định cư tại quê hương mới từ nhiều năm nay phải « trả giá » vì tình hình đang thay đổi tại Syria, với việc hòa bình và ổn định có cơ hội trở lại.

Theo giới quan sát, vấn đề chính sách với người tị nạn Syria cần được gắn liền với thực chất của chế độ mới sẽ được thành lập tại Syria. Ngay trước khi Assad sụp đổ, nhiều nước châu Âu từng hy vọng việc hợp tác với chế độ độc tài có thể giúp giải quyết vấn đề tị nạn Syria. Hiện tại, ý đồ thực sự của lực lượng Hồi giáo HTS của thủ lĩnh Golani, vốn bị Liên Hiệp Quốc xếp vào nhóm các tổ chức khủng bố, chưa rõ ràng. Trang mạng của cơ quan truyền thanh – truyền hình của cộng đồng Pháp ngữ tại Bỉ (RTBF) đưa ra cảnh báo, châu Âu không nên vội vã hành động, để không lập lại sai lầm trước đây.

Bài Liên Quan

Leave a Comment