Syria : Chính quyền Putin câm lặng trước thất bại của quân đội và tình báo

Le Monde phát hành từ chiều thứ Hai là ấn bản đặc biệt tập trung về hồ sơ Syria : « Sự chấm dứt một triều đại và những bất định ở Syria » với bài xã luận như thở phào nhẽ nhõm : « Cuối cùng cũng đến hồi kết của đao phủ Syria ».

Đăng ngày: 10/12/2024

Ảnh tư liệu : Bachar Al Assad (T) khi còn là tổng thống Syria, và tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Matxcơva, ngày 24/07/2024.
Ảnh tư liệu : Bachar Al Assad (T) khi còn là tổng thống Syria, và tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Matxcơva, ngày 24/07/2024. AP – Valery Sharifulin

Thùy Dương

Ở hơn 10 trang trong, loạt bài viết của Le Monde nói về : « Damas : Giữa niềm hy vọng và nỗi lo », « 12 ngày lật đổ chế độ Syria », « Al Joulani : nhân vật quyền lực mới của Syria », « Trục kháng chiến bị rung chuyển mạnh do Al Assad bị lật đổ », « Bachar Al Assad, kẻ độc tài vô đạo dức và tàn bạo » ; « Đối phó với Bachar Al Assad là 13 năm liên tục chần chừ, do dự của các cường quốc ».

Matxcơva loay hoay che giấu sự thật

Riêng về Nga, đồng minh chủ chốt của chế độ Damas vừa bị lật đổ, Le Monde nhận định đây là « Một thất bại quy mô lớn cho nước Nga của Putin ».

Chính quyền Nga bị đặt trước « sự đã rồi », chấp nhận để vị tổng thống Syria bị lật đổ và gia đình ông sang Matxcơva tị nạn chính trị. Nhưng ở sứ quán Syria tại Matxcơva, lá quốc kỳ chính thức của Syria dưới chế độ Bachar Al Assad đã bị thay thế bằng cờ của lực lượng đối lập. Cho đến nay, Bachar Al Assad vẫn chưa xuất hiện trước công chúng, dù đã sang Nga từ hôm 30/11, khi Aleppo rơi vào tay phe nổi dậy. Bản thân tổng thống Putin cũng không có phát biểu nào.

Matxcơva gần như « câm lặng », cứ như thể không có chuyện gì xảy ra, con trai cả của Bachar Al Assad dường như đã bảo vệ luận án tiến sĩ về khoa học vật lý và toán học hôm 29/11 tại Đại học nhà nước Nga ở Matxcơva. Cả giới chức và các nhà phân tích đều không muốn bình luận về sự sụp đổ của Bachar Al Assad.

Le Monde nhấn mạnh là cả điện Kremlin và ngành ngoại giao Nga đều chỉ đưa ra những tuyên bố ở mức « tối thiểu ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, hôm Chủ Nhật phát biểu : « Assad đã quyết định từ chức tổng thống và rời khỏi đất nước, ra chỉ thị tiến hành chuyển giao quyền lực một cách hòa bình », nhưng không cho biết thêm chi tiết. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga chỉ nói là quyết định ra đi của tổng thống Syria được đưa ra « sau các cuộc thương lượng giữa Bachar Al Assad và một số người tham gia ở mức độ nào đó vào cuộc xung đột vũ trang trên lãnh thổ Syria ».

Đối với Le Monde, điều này có nghĩa đây là một quyết định được đưa ra cùng với Matxcơva, thậm chí là do Matxcơva đưa ra. Ngành ngoại giao Nga, vốn quen bảo vệ đồng minh Al Assad bằng mọi giá, đang vất vả che giấu tầm mức  thất bại của chế độ này.

Về tác động đối với Nga, Le Monde lưu ý về sự giảm sút trong khả năng hoạt động quân sự của Nga tại Syria, đặc biệt là hầu như không hoạt động trong gần 10 ngày được cho là đã định đoạt số phận của Bachar Al Assad. Quyết định chính trị của Nga chịu tác động từ thực tế quân sự: quân đội Nga, được huy động trên mặt trận Ukraina, đã phải giảm mạnh hoạt động ở Syria, nhất là trên không. Chỉ những tướng lĩnh kém cỏi mới bị điều đến Syria. Kết quả : Các căn cứ quân sự của Nga trên lãnh thổ Syria lần lượt bị lực lượng nổi dậy uy hiếp.

Le Monde trích dẫn một nhà ngoại giao phương Tây ở Matxcơva : « Sự sụp đổ của Assad, đồng minh mà Matxcơva đặt cược rất nhiều và ủng hộ từ lâu nay, giờ đây là một thất bại nghiêm trọng đối với điện Kremlin, bởi vì về chiến lược, Nga có nguy cơ mất các căn cứ quân sự. Về ngoại giao, Nga mất ảnh hưởng trong khu vực theo hướng có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. »

Tatiana Kastouéva-Jean, lãnh đạo Trung tâm Nga – Á Âu, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, phân tích : « Những gì đang xảy ra ở Syria là một thất bại chiến lược trong khu vực và là một sự sỉ nhục đối với nước Nga. Đây là một thất bại đối với cả quân đội và các cơ quan tình báo Nga. Thất bại này có thể so sánh với kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan » hồi tháng 08/2021.

Chiến tranh Ukraina làm suy yếu lợi ích Nga trên thế giới

Báo Công Giáo La Croix hôm nay cũng quan tâm nhiều đến hồ sơ Syria, nhưng tập trung vào tác động của việc lật đổ tổng thống Assad đối với sự cân bằng lực lượng trong khu vực, qua hàng tít chính trang nhất « Trung Đông : Sóng hiệu ứng ». Trong khi Israel tập trung lực lượng tại cao nguyên Golan thì Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là cơ hội để phục vụ lợi ích của chế độ Ankara, còn Iran phải tự bảo vệ lợi ích của Teheran trước sự sụp đổ của « trục kháng chiến » chống Israel.

Liên quan đến Nga, tương tự Le Monde, La Croix nói đến « Sự thất bại mới của Nga ». Sự sụp đổ của Al Assad là một minh chứng mới về việc cuộc chiến xâm lược Ukraina đã làm suy yếu lợi ích của Nga tại nhiều khu vực trên thế giới. Cho dù vẫn còn quá sớm để nói về vị thế của Nga ở Syria thời hậu Assad, nhưng chắc chắn sự sụp đổ của chế độ Damas sẽ gây nguy hiểm cho bộ máy quân sự – chiến lược của Nga ở Địa Trung Hải và Trung Đông.

Hiện giờ chưa biết liệu Nga có thể duy trì được căn cứ không quân Hmeimim, mở cửa vào năm 2015, và căn cứ hải quân Tartous, có tầm quan trọng lớn đối với năng lực phóng tên lửa. Anton Mardasov, nhà nghiên cứu hợp tác với Viện Trung Đông, cho biết : « Rời khỏi Syria có nghĩa là Matxcơva trên thực tế sẽ rút quân khỏi Trung Đông, và sẽ có hàng loạt vấn đề hậu cần về kết nối với châu Phi ».

Hôm 09/12, điện Kremlin cho rằng thảo luận về việc duy trì hai căn cứ này với chính quyền Syria tương lai là « điều cần thiết ». Kênh truyền thông độc lập Agentstvo nhấn mạnh là các kênh truyền hình Nga từ hôm Chủ Nhật đã ngừng gọi lực lượng nổi dậy là « những kẻ khủng bố », cho thấy một sự thay đổi đường hướng.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Anton Mardasov nói : « Tôi không chắc là phe đối lập (Syria) quan tâm », đồng thời nhận định phe nổi dậy Syria sẽ không quên các vụ đánh bom của Nga. Những căn cứ của Nga tại Syria cũng được Matxcơva sử dụng trong cuộc đối đầu với NATO. Nếu không đạt được nhiều lợi ích về kinh tế và chính trị, có lẽ tân chính quyền Syria sẽ không muốn tham gia vào một cuộc đối đầu như vậy.

Nhà tù : Góc khuất « địa ngục » của chế độ Assad

Cũng như Le Monde và La Croix, báo Libération dành cả trang nhất, bài xã luận và nhiều trang bài cho sự sụp đổ của dòng tộc Al Assad sau 53 năm cai trị đất nước Syria, gọi đây là thất bại địa chính trị quy mô lớn và mới nhất của Nga, và nhận định « Assad bị lật đổ, vầng hào quang quanh Putin trở nên nhạt nhòa ».

Thế nhưng, khác với các báo đồng nghiệp, Libération giới thiệu bài phóng sự của đặc phái viên Arthur Saradin tại Damas về một « góc khuất » của chế độ Assad : các nhà tù, nơi những tù nhân bị tra tấn kinh hoàng một cách có hệ thống như dưới thời phát xít. 

Nhà tù khủng khiếp nhất là ở Sednaya, cách Damas khoảng 30 km. Đây còn không xứng đáng được gọi là nhà tù, mà phải gọi là « địa ngục », « lò sát sinh » gồm nhiều tầng dưới lòng đất, nơi hàng chục ngàn đàn ông, phụ nữ bị hành quyết trong đớn đau kinh hoàng.

Một số nơi mà nhiều người đã « không dám nhìn » vì quá khiếp đảm, được phóng viên Libération nhắc tới, cũng chính là những nơi mang tính biểu tượng của chế độ Bachar Al Assad : cơ quan tình báo, an ninh khu vực và an ninh nhà nước.   

Còn phủ tổng thống, xa hoa lộng lẫy với đá cẩm thạch và vàng, từng là nơi an toàn nhất Syria, nay là minh chứng cho sự đối lập thực tế trong 13 năm chiến tranh : nhiều người dân Syria không có nước để uống, không có bánh mỳ để ăn, còn cuộc sống của Al Assad thì phủ đầy vàng bạc.

Chiến tranh Ukraina : Ngày càng nhiều binh sĩ từ bỏ vị trí

Không quên đề tài chiến tranh Ukraina, Libération nói đến một thực tế đáng lo ngại tại quốc gia đang phải gồng mình chống quân Nga xâm lược : ngày càng có nhiều binh sĩ « từ bỏ vị trí » chiến đấu. Libération gọi đây là những « người vắng mặt ở chiến trường ». Nhiều quân nhân sau một thời gian điều trị ở bệnh viện, thấy mình được phân công về gần chiến tuyến nên đã không đến nhận nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thông tín viên báo Libération tại Ukraina cho biết nhiều binh sĩ khẳng định họ vẫn có khả năng chiến đấu, vẫn có động lực tham chiến, chỉ là họ không muốn chiến đấu trong lực lượng bộ binh. Có người cay đắng chỉ trích thái độ của các chỉ huy mang tinh thần Xô Viết, chơi đùa với tính mạng binh lính, khi điều quân lên tuyến đầu mà không trang bị cho họ, không bảo đảm kết nối radio, các binh sĩ cũng không biết địch tấn công từ hướng nào …

Những khó khăn trong động viên quân khiến nhiều vị chỉ huy chỉ vì muốn bảo đảm đủ quân số mà phớt lờ tình trạng bệnh tật của các binh sĩ và tình hình của các đội quân.

Lệ thuộc vào hàng Trung Quốc, Ấn Độ thay đổi chiến lược

Báo kinh tế hôm nay cũng quan tâm đến hồ sơ Syria nhưng hướng sự chú ý của độc giả tới công cuộc chuyển giao quyền lực đầy thách thức, nguy cơ sụp đổ của đồng tiền quốc gia Syria. Về di dân, Les Echos nói đến tình trạng châu Âu đóng sập cánh cửa với di dân Syria : Đức, Thụy Điển, Đan Mạch ngay lập tức ngưng xét hồ sơ xin tị nạn của người Syria, Pháp dự kiến làm tương tự, Áo thậm chí ra lệnh trục xuất di dân Syria.

Thời sự Pháp, với tâm điểm là vụ chính phủ Barnier đổ, cũng được Les Echos tiếp tục lưu ý.

Nhìn sang châu Á, Les Echos có bài phân tích về quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc : « Ấn Độ buộc phải theo đường lối thực tế trước bài toán khó về Trung Quốc ». Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi, từ 46 tỷ đô la vào năm 2020 lên thành 85 tỷ đô la, đặt ra vấn đề về tự chủ của quốc gia.

Theo Oxford Economics, trong lĩnh vực điện tử, máy công cụ, hóa chất và dược phẩm, 1/3 lượng hàng Ấn Độ nhập khẩu là từ Trung Quốc. Sự thâm hụt  thương mại này phần nào là do sự yếu kém của ngành công nghiệp Ấn Độ. Tỷ trọng của công nghiệp trong nền kinh tế đang giảm dần, bắt nguồn từ việc thiếu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển cũng không đủ. Và hệ quả là Ấn Độ buộc phải nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm mà họ có thể tự sản xuất trong nước, ví dụ 70 % pin mặt trời.

Nghiên cứu kinh tế thường niên của các chuyên gia của chính phủ Ấn Độ giải thích : « Để thúc đẩy nền sản xuất của Ấn Độ và sự hội nhập vào hệ thống sản xuất tạo giá trị trên toàn cầu, Ấn Độ kết nối với chuỗi sản xuất của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi », giúp tạo hàng triệu việc làm tại Ấn Độ, cho dù có xung đột với Trung Quốc ở dãy Himalaya.

Giới doanh nghiệp Ấn Độ cũng được cho là đã gây áp lực để chính phủ Ấn Độ thiết lập mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, bởi vì chính sách của Delhi đối với Bắc Kinh, trong đó có ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc và áp thuế nhập khẩu quá cao hàng hóa Trung Quốc để thúc đẩy sản xuất nội địa, đã phản tác dụng. Trên thực tế, rất ít nhà đầu tư sẵn sàng sản xuất ở Ấn Độ, khiến các doanh nghiệp Ấn Độ phải chi nhiều tiền hơn để khẩu những sản phẩm Trung Quốc mà họ lệ thuộc. Về phần mình, các doanh nghiệp nước ngoài lo sợ bị cấm nhập khẩu hàng Trung Quốc đột ngột. Les Echos kết luận dường như chính phủ Ấn Độ phần nào đã tiếp nhận những lập luận này.

Kỷ nguyên mới về robot : Trung Quốc nhanh chân đi đầu thế giới

Về kinh tế, doanh nghiệp, ngoài chủ đề triển khai dự luật cấm mạng xã hội Tiktok tại Mỹ thời chính quyền Trump kỳ 2  và chủ đề Hoa Kỳ, nước tiếp nhận nhiều đầu tư nước ngoài trực tiếp nhất, báo Le Monde dành sự chú ý cho « Kỷ nguyên mới về robot đã đến ».

Nhờ sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI) và công nghệ, các loại máy móc tự động hóa đang được « nhân hóa » và đi vào cuộc sống hàng ngày. Các nhà đầu tư đang ồ ạt lao vào lĩnh vực này, nhưng Trung Quốc đã nhanh chân đi trước một bước trong thị trường toàn cầu mới nổi khổng lồ này. Le Monde trích dẫn Tony Li, chủ tịch – tổng giám đốc của Keenon Robotics : « Đất nước của chúng tôi là nhà sản xuất robot lớn nhất thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực giao hàng, lau chùi dọn dẹp và nhiều ứng dụng khác ».

Trước khi lao vào lĩnh vực robot phục vụ thương mại và các hộ gia đình, Trung Quốc, từng được mệnh danh là « công xưởng thế giới », đã bắt đầu với lĩnh vực robot công nghiệp. Theo nghiên cứu thường niên Liên đoàn ngành chế tạo robot quốc tế công bố hồi tháng 09/2024, trên thế giới có hơn 4,2 triệu robot công nghiệp hoạt động, tăng 10% sau 1 năm. Trung Quốc dẫn đầu thị trường này về số robot được triển khai trong năm 2023, kế đến là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Đức. Pháp đứng ở vị trí thứ 8, trước Ý và Ấn Độ.

Tuy nhiên, như đã được chứng minh tại Hội nghị thế giới về robot lần thứ 10, được tổ chức vào cuối tháng 8 tại Bắc Kinh, thị trường robot dịch vụ sẽ có quy mô khác hẳn, mang tính toàn cầu, bởi nhắm đến đông đảo công chúng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment