Ukraina phải « đi dây » để quyến rũ Donald Trump

Nhân sự kiện Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa trở lại, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đến dự lễ khánh thành. Một cuộc họp ba bên cũng đã được tổ chức hôm 07/12/2024 tại điện Elysée để bàn về tương lai của Ukraina. Một ngày sau đó, tổng thống Volodymyr Zelensky đã bày tỏ mong muốn đạt được « hòa bình bền vững » cho Ukraina, còn chủ nhân tương lai của Nhà Trắng kêu gọi « ngưng bắn ngay lập tức ».

Đăng ngày: 10/12/2024

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump (T) bắt tay tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp, ngày 07/12/2024.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump (T) bắt tay tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp, ngày 07/12/2024. © Ludovic Marin / via Reuters

Phan Minh

Trước khi diễn ra cuộc họp ba bên, Donald Trump đã cho biết Hoa Kỳ sẽ giảm viện trợ quân sự cho Ukraina một khi ông nhậm chức vào ngày 20/01/2025. Giờ đây, bài toán nan giải đối với Kiev là tìm những biện pháp hữu hiệu để thuyết phục nhà tỷ phú Mỹ không « bỏ rơi » Ukraina.

Andriy Yermak, một trong những cố vấn có tầm ảnh hưởng nhất của Volodymyr Zelensky, đã đến gặp đội ngũ của Donald Trump hôm 04/12 để bảo vệ lợi ích của Ukraina. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh tổng thống Ukraina dường như đang thay đổi lập trường về đàm phán hòa bình với Nga.

Các nhà đàm phán đang tìm cách xác định sẽ phải thương lượng với ai và về vấn đề gì. Kiev đã mở nhiều mặt trận ngoại giao trong những ngày gần đây, trong bối cảnh khả năng chiến tranh Ukraina kết thúc ngày càng hiện hữu sau chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Tổng thống tân cử đã nhiều lần cam kết sẽ chấm dứt cuộc xung đột ngay khi nhậm chức và « chỉ trong vòng 24 giờ », nhưng không nói rõ bằng cách nào.

Tuy nhiên, rất khó để biết rõ lập trường chính thức của Ukraina về những cuộc đàm phán hòa bình có thể được tiến hành. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa ra nhiều tuyên bố công khai về vấn đề này, nhưng « ông có thể thay đổi giọng điệu tùy vào người mà ông nói chuyện », theo Ryhor Nizhnikau, chuyên gia chính trị Ukraina tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Phần Lan.

Trong một cuộc phỏng vấn rất được truyền thông chú ý trên kênh Sky News của Anh Quốc hôm 30/11, Volodymyr Zelensky đã ngụ ý có thể sẵn sàng « nhượng tạm thời các lãnh thổ » cho Nga để đổi lấy việc Ukraina gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây có phải là bước ngoặt lớn trong lập trường dựa trên nguyên tắc của Ukraina, luôn khẳng định sẽ không nhượng bộ một tấc đất nào ? Không hẳn là vậy, bởi những cố vấn của tổng thống Zelensky sau đó khẳng định Kiev không từ bỏ chủ quyền đối với Donbass, trong khi các phương tiện truyền thông Ukraina giải thích Zelensky không sẵn sàng để Nga chiếm các vùng lãnh thổ Ukraina hiện đang nằm dưới sự kiểm soát quân sự của Matxcơva.

Dõi theo bước chân của Andriy Yermak

Một yếu tố then chốt để hiểu được những nước cờ ngoại giao của Kiev hiện nay là theo dõi các chuyến đi của các nhà đàm phán Ukraina. Đặc biệt là Chánh văn phòng của Volodymyr Zelensky, Andriy Yermak, đã đến Washington để gặp gỡ các cộng sự của Donald Trump.

Cố vấn thân cận của tổng thống Ukraina hôm 04/12 đã có cuộc gặp với Keith Kellogg, đặc phái viên tương lai về chiến tranh Ukraina, theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal. Viên tướng về hưu này nổi tiếng với quan điểm « tương thích với Putin » về cách thức tối ưu để chấm dứt chiến tranh.

Huseyn Aliyev, chuyên gia về chiến tranh Ukraina tại Đại học Glasgow, phân tích « chuyến đi này quan trọng vì Ukraina lâu nay đã coi nhẹ các dân biểu Cộng Hòa và chỉ tập trung vào Kamala Harris và đảng Dân Chủ. Chuyến đi này cho thấy Volodymyr Zelensky muốn bù đắp thời gian đã mất ».

Nguyên thủ quốc gia Ukraina chọn Andriy Yermak để thực hiện chuyến công du không phải là điều ngẫu nhiên. Chuyên gia Ryhor Nizhnikau cho biết « nếu nói đến vai trò không chính thức trong chính phủ, chính ông Yermak phụ trách các vấn đề chính trị quốc tế, và trên thực tế, ngoại trưởng Andriy Sybiha dưới quyền ông ».

Chính quyền Ukraina muốn truyền thông điệp tới Donald Trump rằng đã cử nhân vật quan trọng nhất hội kiến chủ nhân tương lai của Nhà Trắng. Trong khi đó, ngoại trưởng Sybiha được cử đi Malta hôm 05/12 để tham gia hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cũng có sự tham gia của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Cuộc họp này rất quan trọng, đặc biệt đối với Matxcơva, vì đây là lần đầu tiên kể từ khi điện Kremlin xua quân xâm lược Ukraina vào năm 2022, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến một quốc gia thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU). Nhưng về các cuộc đàm phán hòa bình có thể được tiến hành, chuyến đi của Andriy Yermak tới Washington có tầm quan trọng lớn hơn. Trên thực tế, « những gì Sergey Lavrov nói không phản ánh chính xác những gì Vladimir Putin nghĩ. Kremlin chủ yếu sử dụng ông Lavrov để ‘tung hỏa mù’ trên trường quốc tế », theo Natasha Lindstaedt, chuyên gia về các chế độ độc tài tại Đại học Essex.

Vuốt ve « cái tôi » của Donald Trump

Ngoài việc vuốt ve « cái tôi » của tổng thống đắc cử Mỹ, nhiệm vụ của Andriy Yermak là tìm cách làm nổi bật « hình ảnh của một nhà đàm phán kiệt xuất mà Donald Trump cố gắng xây dựng », theo Natasha Lindstaedt. Andriy Yermak được mô tả là một nhà đàm phán sắc sảo, thích những cuộc gặp trực tiếp hơn là các nghi thức ngoại giao chính thức. Hơn nữa, ông đã quen thuộc với những cộng sự thân cận của Donald Trump, vì chính ông là người được giao nhiệm vụ cải thiện mối quan hệ giữa chính phủ của Volodymyr Zelensky và nhà tỷ phú Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng (2016-2020).

Vào thời điểm đó, tổng thống Mỹ đã cáo buộc đồng nhiệm Ukraina « bắtay với đảng Dân Chủ để bôi nhọ ông ». Chuyên gia Natasha Lindstaedt nhận định Andriy Yermak « chắc chắn đã đưa ra những nhượng bộ tiềm năng mà Ukraina có thể thực hiện để đổi lấy sự hỗ trợ từ chính quyền tương lai của Mỹ ». Như vậy Donald Trump có thể tự hào về việc đã đạt được những tiến bộ trong các cuộc đàm phán.

Glen Grant, nhà phân tích cấp cao tại Baltic Security Foundation và chuyên gia về các vấn đề quân sự của Ukraina, lưu ý « cũng có rất nhiều tham vọng cá nhân trong chuyến đi của Andriy Yermak ». Cố vấn lâu năm của Volodymyr Zelensky được biết đến là người có tầm ảnh hưởng lớn trong chính trường Ukraina. Ryhor Nizhnikau bổ sung : « Rõ ràng ông Yermak muốn trở thành người đầu tiên thiết lập mối quan hệ với đội ngũ của Donald Trump. Ông ấy muốn bảo đảm mình sẽ được tổng thống Mỹ tương lai coi là điểm liên lạc ưu tiên trong chính phủ Ukraina. »

Nói cách khác, Andriy Yermak có lẽ cũng đã tìm cách « đánh bóng » hình ảnh bản thân tại Washington, và những gì ông nói không nhất thiết phản ánh 100% lập trường của Volodymyr Zelensky, theo Glen Grant.

Cái bẫy dành cho Matxcơva

Chuyến đi của cố vấn tổng thống Ukraina đến Mỹ ít nhất giúp hiểu rõ hơn về các tuyên bố của Volodymyr Zelensky. Với nguyên thủ Ukraina, « ưu tiên là cố tìm cách áp đặt quan điểm của Ukraina với phe Cộng Hòa, bằng mọi cách có thể, trước khi Donald Trump nhậm chức », theo Will Kingston-Cox, chuyên gia về xung đột ở Ukraina tại International Team for the Study of Security (ITSS) Verona.

Chuyên gia này nhấn mạnh trong bối cảnh đó, Volodymyr Zelensky tìm cách « ve vãn » tất cả mọi người để « bảo đảm an ninh lâu dài cho đất nước ». Bằng cách hé mở khả năng nhượng bộ lãnh thổ, tổng thống Ukraina đã gửi một tín hiệu tới Trump. « Đó là cách để nói với những dân biểu Cộng Hòa rằng ‘chúng tôi sẵn sàng ủng hộ kế hoạch hòa bình của Hoa Kỳ, không phải chúng tôi đang làm mọi chuyện trì trệ’. Họ hy vọng sẽ nhận được sự ưu ái của Donald Trump », theo Huseyn Aliyev.

Và tổng thống Ukraina nhấn mạnh đến việc gia nhập NATO, vì ông « muốn hồ sơ này trở thành một điều kiện then chốt để bảo đảm an ninh cho đất nước, vì ông không thể chắc chắn về lập trường của chính quyền Trump và do đó tìm kiếm một sự bảo đảm », theo Will Kingston-Cox. Chuyên gia Glen Grant cũng nhận định « gia nhập NATO là điều quan trọng nhất đối với Kiev ». Chuyên gia này nhận định « đối với Ukraina, hồ sơ gia nhập NATO còn quan trọng hơn hồ sơ lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ».

Đây cũng là một cái bẫy dành cho Nga để đẩy nước này vào vai « phản diện » trong các cuộc đàm phán. Matxcơva có lẽ sẽ từ chối đàm phán dựa trên những điều kiện này, vì « Kremlin không muốn đề cập đến việc Ukraina gia nhập NATO, điều này có thể tạo ra một Hàn Quốc ở sát cạnh. Tức là một quốc gia có quân đội hùng mạnh và được bảo vệ chắc chắn, ngăn chặn mọi tham vọng mở rộng của Nga », theo Ryhor Nizhnikau.

Nguồn : AFP, France 24

Bài Liên Quan

Leave a Comment