Thứ Sáu, 06 Tháng Mười Hai 2024
Những năm tháng sau biến cố 1975, có một người đàn ông trung niên hốc hác, xác xơ trong bộ đồ bộ đội Bắc Việt xuôi Nam trên chuyến tàu lửa Bắc Nam.
Trên sân ga buồn, như nỗi buồn thời hậu chiến, ông chợt thấy một người đàn ông bị cụt chân, trong bộ đồ lính miền Nam cũ kỹ, ôm cây đàn hát một bài hát buồn não lòng:
“Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt. Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai. Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến ai hẹn được ngày về…”.
Ban đầu ông không để ý đến lời bài hát lắm, sau thấy dường như quen quen như đã từng bắt gặp ở đâu rồi. Thế là ông liền yêu cầu người thương phế binh kia hát lại. Và lần này, ông không còn nghi ngờ gì nữa…
Vét những đồng bạc nhỏ nhoi trong túi áo bạc màu, người đàn ông từ Bắc vào bỏ vội vào chiếc ca nhựa đang để trước mặt của người đàn ông kia, nói nhỏ:”Đó là tôi!”. Rồi ông bỏ đi, dáng đổ liêu xiêu trong buổi chiều buồn.
…Người ta bảo rằng đó là câu chuyện gặp gỡ có thật giữa thi sĩ Hữu Loan và người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, khi lần đầu tiên ông nghe thấy một phiên bản của tuyệt tác Màu tím hoa sim. Cũng có người cho là giai thoại. Nhưng nào hề gì, bởi một câu chuyện buồn nhưng thấm đẫm nét nhân văn.
Nếu ở Miền Bắc, thi sĩ Hữu Loan phải gánh chịu những nỗi nhọc nhằn và khổ ải phần nhiều do chính bài thơ Màu tím hoa sim của ông. Thì ở Miền Nam, con người tài hoa lãng tử Dzũng Chinh cũng kết thúc phần đời ngắn ngủi của đời binh nghiệp trai thời loạn.
Khoảng năm 1961-1962, Thiếu Úy Bộ binh Nguyễn Bá Chính khi mới ở độ tuổi 20 đã viết nên nhạc phẩm Những đồi hoa sim với bút danh Dzũng Chinh. Và được nữ ca sĩ Phương Dung, biệt danh Nhạn trắng Gò Công trình diễn đầu tiên.
Bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng có thể nói Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh là phổ biến đại chúng nhiều nhất. Và dù nhạc phẩm Những đồi hoa sim không đi theo thứ tự câu chữ của bài thơ mà thêm bớt, đảo ngược thứ tự, cũng không hề sử dụng trọn vẹn lời thơ… nhưng lại được Hữu Loan yêu thích nhất.
Bởi lẽ, nó làm cho ông đau và buồn nhất.”Nó buồn quá, vì nó buồn quá nên tinh thần của nó đúng với tinh thần bài thơ”. Hữu Loan tâm sự.
Thi sĩ Hữu Loan qua đời năm 2010, thọ 96 tuổi. Còn nhạc sĩ Dzũng Chinh vắn số hơn. Thiếu úy bộ binh Nguyễn Bá Chính-Dzũng Chinh đã tử trận vào năm 1969, mãi mãi dừng lại ở tuổi 28.
Và Núi Chà Bang Ninh Thuận, nơi Dzũng Chinh ngã xuống…cũng phủ đầy hoa sim tím!
P.s: Giá như Dzũng Chinh còn sống sau cuộc chiến, chắc cuộc gặp giữa Hữu Loan và Dzũng Chinh sẽ đẹp lắm. Cái đẹp của những con người lãng mạn và tài hoa sinh nhầm thời. Và có lẽ cũng chỉ đơn giản là: “Tôi đây, Hữu Loan đây”. “Còn tôi…Dzũng Chinh”. Và Facebook sẽ tràn ngập những lời lẽ yêu thương dành cho hai kẻ Bắc – Nam. Thế thôi!
VÕ KHÁNH TUYÊN 05.12.2024