Đăng ngày: 19/04/2022
Vụ Nga xâm lược Ukraina đang phân cực và cực đoan hóa toàn bộ châu lục : Liên Âu gắn kết và được củng cố với một chính sách trừng phạt Nga thực sự mang tính lịch sử về mặt quy mô ; còn về phía Nga, cuộc xâm lăng đã thúc đẩy Belarus « hội nhập » Liên bang Nga, đồng thời khiến tình trạng trung lập và các khu vực « đệm » trung gian giữa Nga và Liên Âu không thể tiếp tục tồn tại.
Trước đây, châu Âu bị chia tách thành một số khu vực và tổ chức khu vực, nhưng nay châu Âu dường như được xây dựng thành hai khối, căn cứ vào quan điểm của họ với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina. Tất cả các nước châu Âu nay phải xác định đứng về phía nào : ủng hộ hay chống chiến dịch quân sự của Nga ? Ủng hộ hay chống lại các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga ? Thậm chí các quốc gia vốn có truyền thống trung lập cũng đang phải tự đặt câu hỏi về khả năng duy trì đường lối trung lập.
Thời Chiến tranh Lạnh đơn thuần chắc chắn không thể quay lại, nhưng chính điều này lại dẫn đến các nguy cơ châu Âu phân cực : không có sự chia cắt của Tấm màn sắt duy nhất, châu lục không có sự ổn định và phải đối phó với nhiều xung đột tiềm tàng. Trên đây là những nhận định của nhà địa chính trị Cyrille Bret, trường Khoa học chính trị Science Po, Paris, trong bài đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation, ngày 16/03/2022 : « Chiến tranh Ukraina : Từ châu Âu gồm nhiều mảnh nhỏ thành châu Âu theo khối ? ». RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
Một bước đi lịch sử hướng tới đoàn kết châu Âu
Trong vài tuần xảy ra chiến tranh Ukraina, Liên Âu đã có một số bước nhảy vọt lịch sử hướng tới tình đoàn kết thông qua ba đợt trừng phạt mạnh mẽ chưa từng có về số lượng cũng như về mức độ và khẳng định nhất trí ủng hộ chủ quyền của Ukraina.
Cho đến mãi gần đây, « vấn đề Nga » vẫn gây chia rẽ Liên Âu. Nhóm các nước cứng rắn với Nga gồm một số nước bị buộc phải gia nhập Liên Xô, khối các nước cộng sản và Hiệp ước Vacsava. Ba Lan, ba nước Baltic (Litva, Latvia và Estonia), thậm chí cả Rumani đã cảnh báo các nước thành viên Liên Âu về mối đe dọa của Matxccơva.
Các thành viên khác thì có xu hướng thúc đẩy đối thoại và trao đổi với Nga : Đây là các nước có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Nga, như Ý, Síp, những nước có nguồn gốc lịch sử và tín ngưỡng gần gũi với Nga như Bulgari, hoặc các nước tự coi là đồng điệu với chủ nghĩa phi tự do của chế độ Nga như Hungary dưới quyền Viktor Orban hay CH Séc thời Milos Zeman, một số nước thì rất lưỡng lực tiến hành một chiến lược căng thẳng để tránh khiêu khích hoặc mắc sai lầm, chẳng hạn Phần Lan và Pháp.
Sau cuộc cách mạng Maidan năm 2014, tình đoàn kết của châu Âu chỉ ở mức tối thiểu, các lệnh trừng phạt của Liên Âu giới hạn ở mức cứ 6 tháng thì triển hạn một lần.. Nhưng nay, « vấn đề Nga » không còn chia rẽ châu Âu như trước kia, đối phó với cuộc xâm lược của Nga là phản ứng nhanh chóng, tình đoàn kết và quyết tâm của Liên Âu. Cuộc chiến Ukraina đã gắn kết châu Âu với sự thức tỉnh về địa chính trị, nhận thức chung về mối nguy hiểm quân sự. Châu Âu đoàn kết đáp trả Nga với các biện pháp trừng phạt kinh tế, cùng nhau khởi động các sáng kiến nhằm tái vũ trang Ukraina (cho dù hơi muộn) và các thành viên Liên Hiệp.
Nói tóm lại, một khối châu Âu đang trong quá trình thành lập, được gắn kết bằng việc không chấp nhận chiến tranh xảy ra tại châu lục. Liên Hiệp Châu Âu đang hình thành một sức mạnh địa chính trị đoàn kết chống lại Nga.
Nga tái lập vùng đệm ?
Tây Âu và Mỹ lâu nay thích nói về Nga như một nước bị cô lập trên trường quốc tế. Rõ ràng có sự ngăn cách giữa Nga và châu Âu, nhưng nên tránh nghĩ rằng Nga bị gạt ra bên lề hoặc bị cô lập như Bắc Triều Tiên. Từ vài năm nay, Matxcơva đã phát triển các liên minh giúp Nga khắc phục phần nào sự tẩy chay của châu Âu.
Hệ quả đầu tiên của chiến tranh Ukraina là Belarus gia nhập khối Nga. Loukachenko và Putin từng có nhiều xung khắc, nhưng việc quân Nga từ lãnh thổ Belarus phát động cuộc tấn công vào Kiev, đánh dấu sự hoàn tất một tiến trình Minsk lệ thuộc vào Nga, vốn dĩ bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống gian lận hồi năm 2020 của Loukachenko. Belarus quay lại lệ thuộc nặng nề vào Nga cả về năng lượng, kinh tế, ngoại giao và quân sự. Đổi lại, Minsk tạo giúp cho Matxcơva một « chốt » chiến lược nằm giữa Bắc Âu và Trung Âu. Từ Belarus và từ căn cứ quân sự Kaliningrad, Nga có thể thể hiện sức mạnh quân sự như đang làm hiện nay ở khắp khu vực phía bắc Ukraina.
Nếu nói về lục địa Á-Âu, Nga cũng đang củng cố vùng đệm ở Trung Á, nơi mà Matxcơva đã can thiệp để cứu chế độ Kazakhstan trước cuộc nổi dậy hồi tháng Giêng 2022. Nga cũng đang dựa vào các ưu thế vốn có về năng lượng giá rẻ, xuất khẩu vũ khí thế chỗ Hoa Kỳ để tăng cường khống chế một phần vùng Kavkaz, nhất là Armenia. Nhìn từ góc độ này, chiến tranh Ukraina đang tăng tốc nhưng thực ra không làm thay đổi chính sách vốn có lâu nay của Nga : xây dựng các mạng lưới liên minh thay thế Tây phương. Nói cách khác, Nga muốn bớt lệ thuộc vào châu Âu.
Cuối cùng, chiến tranh cũng làm biến đổi mối quan hệ Nga-Trung. Các quan hệ kinh tế, văn hóa, quân sự và ngoại giao lâu dài với Bắc Kinh chắc chắn sẽ là ưu tiên của Matxcơva, bởi chỉ có Trung Quốc mới thực sự có thể bù đắp cho Nga các nguồn tài chính, thị trường thương mại đầu ra và các liên minh khi quan hệ Nga-Tây Âu bị cắt đứt. Trong quan hệ đối tác chiến lược không cân bằng này, Nga có nguy cơ thành đối tác yếu thế so với Trung Quốc, thế nhưng chiến lược « tiêu thổ » của Nga nay buộc Matxcơva lập một khối vững chắc chống lại Liên Âu.
Kể từ khi xâm lược Ukraina, Nga quay lại logic thành lập một vùng đệm ngăn cản bước tiến của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên Âu và các nước tham gia vào chiến lược trừng phạt Matxcơva (Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ …). Dù là phòng thủ hay tấn công, « khối » Nga cũng đang nhanh chóng củng cố vững chắc. Tham vọng của Nga hiện giờ là tính số nước ủng hộ dựa trên tiêu chí : ủng hộ hay chống lại các trừng phạt của châu Âu nhắm vào Nga.
Không thể duy trì tình trạng trung lập : Các nước châu Âu phải chọn phe
Một dấu hiệu của thời thế : Tất cả các vùng đệm và vùng trung gian trong không gian châu Âu đang biến mất. Từ bắc chí nam, không thể tiếp tục duy trì tình trạng trung lập. Trước đây, một số quốc gia rất gắn bó với truyền thống trung lập. Trong những ngày đầu khi chiến tranh Ukraina nổ ra, họ đã ngay lập tức đặt câu hỏi về quy chế trung lập.
Trong nội bộ Liên Âu, các nước trung lập hiến định như Ireland, Phần Lan và Thụy Điển đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và thậm chí còn đẩy nhanh viện trợ quân sự cho Ukraina. Sự trung lập của các nước này chỉ là về mặt thể chế, nhưng quan điểm địa chiến lược của họ thì khác xa tính trung lập. Chính vì lý do này mà tại Ireland, Phần Lan và Thụy Điển đã lại dấy lên các cuộc tranh luận của dân chúng về việc gia nhập NATO để được hưởng sự bảo vệ quân sự của Liên Minh Đại Tây Dương theo điều 5 về sự tương trợ giữa các nước thành viên NATO.
Còn tại « các khu vực không liên kết » khác của châu Âu, chiến tranh Ukraina cũng đang phân cực dư luận và đẩy nhanh các phong trào. Moldova, từ hơn 1 thập kỷ nay đã có thỏa thuận liên kết với Liên Âu, đang lo ngại kịch bản chiến tranh Ukraina sẽ xảy ra với họ : sự hiện diện của quân đội Nga trên lãnh thổ Moldova từ năm 1991 và sự ly khai ở Transnistria, gần vùng Odessa của Ukraina, mục tiêu của quân đội Nga, đang khơi dậy nỗi sợ hãi sâu sắc trong dân chúng. Chính vì lý do này mà tổng thống Moldova hôm 03/03/2022 đã nộp đơn xin gia nhập Liên Âu (nhưng Moldova không xin gia nhập NATO vì việc ứng cử vào Liên Minh Bắc Đại Tây Dương vừa mâu thuẫn với nội dung Hiến pháp nước này, vừa có nguy cơ bị Nga xem là khiêu khích).
Cuối cùng, ở vùng tây Balkan, các nước ứng viên gia nhập Liên Âu, chẳng hạn Serbia và Montenegro, cũng được kêu gọi lựa chọn giữa sự ủng hộ truyền thống dành cho Nga và việc trở thành thành viên Liên Âu.
Châu Âu quay lại thời Chiến tranh Lạnh ?
Đối mặt với cuộc xâm lược của Nga, tất cả các quốc gia châu Âu, theo nghĩa rộng bao gồm cả vùng Balkan và Kavkaz, đều chọn đứng về một phía và cam kết xây dựng các liên minh. « Vấn đề Ukraina » trở thành yếu tố cơ bản cho sự đoàn kết hay thù địch trong nội bộ châu lục. Mọi chuyện diễn ra cứ như thể châu Âu, sau khi tách rời thành từng mảnh sau sự sụp đổ của Liên Xô, giờ đây đã bị chia thành hai khối, một khối thân Nga và một khối thân phương Tây.
Tuy nhiên, sự tương đồng với thời kỳ Chiến tranh Lạnh chỉ là ở bề ngoài. Việc tổ chức châu Âu thời hậu chiến thành hai thực thể, cộng sản và tư bản, đã mang lại cho châu lục này một sự ổn định nhất định, giúp bảo vệ châu Âu khỏi các cuộc xung đột vũ trang. Quyền tự do của các dân tộc ở Liên Xô suy giảm nhưng sự ổn định về địa chính trị lại tăng lên ở châu Âu. Vấn đề là hiện nay chúng ta không sống trong thời Chiến tranh Lạnh mà là Chiến tranh Nóng, thời mà các đường biên giới bị tranh chấp và được vẽ lại.
Châu Âu hiện thiếu đi một số yếu tố mang lại sự ổn định mà Chiến tranh Lạnh trước kia đã tạo ra. Chiến tranh Ukraina còn xa mới phân chia châu Âu hai cực lớn cố định, với tình trạng hòa bình do những kẻ mạnh áp đặt ; cuộc chiến này báo trước những xung đột mới.