Covid và chiến tranh Ukraina thách thức kinh tế Trung Quốc

Đăng ngày: 19/04/2022

\"\"
\"\"
Trên một công trường xây dựng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 14/01/2022. REUTERS – ALY SONG

Thanh Hà

Lo ngại về mối quan hệ mật thiết giữa Bắc Kinh và Matxcơva khiến trong tháng 3/2022 các quỹ đầu tư quốc tế rút 21 tỷ đô la vốn khỏi Hoa lục. Theo thống kê Trung Quốc, GDP trong ba tháng đầu năm tăng « ngoài mong đợi ». Còn ngân hàng Morgan Stanley nói đến một tỷ lệ tăng trưởng gần 0% do tác động kép chiến tranh Ukraina và Covid.

Chiến tranh Ukraina tràn vào Trung Quốc  

Ngày 18/04/2022,  Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc thông báo tăng trưởng trong quý 1/2022 đạt 4,8 %, cao hơn so với các dự phóng của Nhà nước và các thăm dò. Cùng ngày, hãng tin Mỹ Bloomberg đưa ra hai con số : riêng trong tháng 3/2022 các quỹ đầu tư quốc tế « bán lại » 7 tỷ đô la cổ phần đang nắm giữ của các tập đoàn Trung Quốc và chuyển nhượng lại 14 tỷ đô la nợ công của Trung Quốc.

Một quỹ đầu tư lớn của Na Uy rút lui khỏi ngành may mặc của công xưởng thế giới này. Một quỹ đầu tư tư nhân khác của Hoa Kỳ ghi nhận số dự án mới vào Trung Quốc « rơi xuống thấp nhất kể từ 2018 tới nay ».

Đồng giám đốc cơ quan tư vấn SPI Asset Management của Thụy Sĩ, Stephen Innes giải thích : « Các thị trường lo ngại về mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga, đa số đang bán bớt công trái phiếu của Trung Quốc ». Những tuyên bố quan hệ giữa Trung Quốc và Nga « vững như bàn thạch », những dự án hợp tác kinh tế song phương tiếp tục phát triển vào lúc thương mại Nga bị phong tỏa tứ bề không là những dấu hiệu tốt trấn an thị trường.

Từ cuối tháng 2/2022 các thị trường chứng khoán Hồng Kông và tại Haa Lục trong thế « bất an » nhất là khi chính phủ thông báo mục tiêu tăng trưởng 5,5 % cho cả năm vì đây là mức thấp nhất từ thập niên 1980.

Không chỉ có các tập đoàn đầu tư quốc tế, mà ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có ít nhất hai lý do để lo ngại chiến tranh Ukraina kéo dài.

Trả lời RFI tiếng Việt Antoine Bondaz, chuyên gia về khu vực đông bắc Á Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp phân tích :  « Về mặt kinh tế, Trung Quốc có thể phần nào giúp giảm thiểu tác động các biện pháp trừng phạt mà Tây phương áp đặt nhưng không giúp Nga đảo ngược được tình huống. Hiện tại nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang thận trọng vì sợ bị phạt lây, nhất là từ phía Mỹ. Công luận thường cho rằng một nước Nga bị suy yếu sẽ là cơ hội tốt cho Trung Quốc. Có lẽ chúng ta  cần thận trọng hơn với suy nghĩ đó, bởi vì một nước Nga suy yếu về kinh tế một cách lâu dài, không có lợi ích gì cho Trung Quốc cả. Bắc Kinh cần một đối tác vững chắc để làm đối trọng với phương Tây, để đặt ra những luật chơi mới cả về kinh tế lẫn chính trị so với những gì đang được phương Tây đang áp dụng. Từ thập niên 1990 Matxcơva đã xích lại gần với Trung Quốc và quan hệ đó càng khắng khít hơn trong những năm gần đây đặc biệt là kể từ sau 2014 khi quốc tế bắt đầu trừng phạt Nga chiếm bán đảo Crimée của Ukraina».   

Trung Quốc đau đầu vì Nga, Ukraina và châu Âu

Trung Quốc là một nguồn xuất khẩu của thế giới mà châu Âu là một trong những thị trường quan trọng nhất của các doanh nghiệp nước này. Chiến sự Ukraina kéo dài, tăng trưởng của châu Âu đổ dốc bất lợi cho các nhà máy sản xuất của Trung Quốc. Bên cạnh đó, « công xưởng của thế giới » cũng là một khách hàng lệ thuộc vào dầu khí, vào khoáng sản của Nga, vào nông phẩm của cả Nga lẫn Ukraina. Chiến tranh đẩy giá cả của tất cả những mặt hàng đó lên cao bất lợi cho cỗ máy sản xuất của Trung Quốc và tạo ra lạm phát gây, thêm khó khăn cho đời sống của nước đông dân nhất địa cầu.  

Mặc dù Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc thông báo « thành tích » tăng trưởng trong quý 1/2022 cao hơn mong đợi, nhưng hiếm khi nào cơ quan này nhìn nhận rằng « những khó khăn và thử thách đang ở phía trước ».

Bắc Kinh dự báo tổng sản phẩm nội địa cho cả năm 2022 tăng 5,5 % nhưng ngân hàng Mỹ Morgan Stanley bi quan hơn nhiều với nhận định « ngay cả mục tiêu khiêm tốn đó cũng khó mà đạt được » trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng lên trở lại và hiện tại 18 trong số 31 tỉnh thành của Trung Quốc đang bị phong tỏa với ở các cấp độ khác nhau với các biện pháp nghiêm ngặt nhất.

Virus corona làm tiêu tan hy vọng kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại ?

Các hoạt động kinh tế, tại hai thành phố lớn là Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông và Thượng Hải bị đóng băng từ nhiều tuần qua. Ngay sau khi có lệnh phong tỏa Thâm Quyến, hôm 17/03/2022 chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải và Hồng Kông sụt giá mạnh. Thâm Quyến là thành phố lớn thứ ba trên toàn quốc và được mệnh danh là « Thung lũng Silicon » của Trung Quốc, nơi các tập đoàn như công nghệ cao như Hoa Vi, Tencent, hay hãng cung cấp ổ cứng máy điện toán của Trung Quốc Netac đặt trụ sở.

Theo thẩm định của Bocom International, một công ty tư vấn tài chính trụ sở tại Hồng Kông, « phong tỏa Thâm Quyến, một trung tâm công nghiệp và công nghệ của Trung Quốc, một hải cảng lớn, là một quyết định đau đớn ». Có ít nhất 6 tập đoàn gia công cho hãng điện thoại và máy tính Apple của Mỹ đóng đô tại Thâm Quyến đều đã phải đóng cửa các nhà máy những tuần qua.

Virus corona không dừng lại ở Thâm Quyến mà đã lan rộng ra gần hết các tỉnh thành trên toàn quốc. Hãng tin Pháp AFP đưa ra con số gần một phần tư dân số Trung Quốc bị giới hạn đi lại, từ biên giới phía bắc, Cát Lâm đến Hồng Kông và bất ngờ nhất là Thượng Hải. Thành phố với 25 triệu dân này đang « trả giá đắt » sau ba tuần lễ gần như bị cách biệt với thế giới bên ngoài. Jean François Huchet, giám đốc Viện Ngôn Ngữ Đông Phương INALCO ghi nhận :  « Hoạt động kinh tế tại Thượng Hải giảm mạnh chủ yếu do các biện pháp phong tỏa rất ngặt nghèo nhắm vào tất cả các lĩnh vực, mà đứng đầu là ngành vận tải đường biển, đường bộ. Lá phổi kinh tế của Trung Quốc bị tắc nghẽn(…) Trước đây đã có dấu hiệu kinh tế Trung Quốc chựng lại. Tiêu thụ nội địa, chỉ số đầu tư vào cơ sở hạ tầng bị đình trệ. Ngành địa ốc lao đao như đã biết. Nhưng từ những tuần lễ vừa qua rõ ràng là các biện pháp phong tỏa đè nặng lên các sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ có Thượng Hải bị phong tỏa, mà cả những thành phố lớn như Thâm Quyến với trên 15 triệu dân, Tây An-thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Tô Châu … Rất nhiều nơi đang bị phong tỏa là những thành phố công nghiệp lớn của Trung Quốc. Hiện tại, chính các biện pháp ngăn dịch quá khắt khe đang làm tê liệt nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc, gây khó khăn cho công nghiệp dệt may. Các hoạt động vận tải đường biển cũng bị bế tắc, những cảng lớn ở Thượng Hải, Hồng Kông như những thành phố chết. Đương nhiên là ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc ». 

Trung Quốc nhiễm Covid-19 thế giới hoảng loạn

Giáo sư Mary Françoise Renard đại học Clermond Ferrand phân tích thêm về những hậu quả đợt dịch lần này đối với tăng trưởng của Trung Quốc và thậm chí là đe dọa cả đà phục hồi của kinh tế toàn cầu : « Có những hậu quả về kinh tế rất lớn. Trong ngắn hạn, những lĩnh vực như dịch, vụ, nhà hàng, buôn bán, giải trí, giao thông, tài xế tắc xi bị ảnh hưởng. Kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại nhiều vì các biện pháp phòng dịch khắt khe đó. Kế tới, khu vực sản xuất hoạt động chậm hẳn lại, tiêu thụ của doanh nghiệp và các hộ gia đình sụt giảm. Nhìn xa hơn một chút, do các nhà máy Trung Quốc bị chựng lại, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của toàn cầu và qua đó là cả hệ thống mậu dịch quốc tế. Trung Quốc nhập khẩu nhiều sản phẩm để rồi chế biến thêm và xuất khẩu trở lại. Riêng trong tháng 3/2022 kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã bất ngờ sụt giảm và cần biết rằng Trung Quốc là nguồn cung cấp đến 1/3 những thành phẩm cho thế giới để rồi những mặt hàng đó được sử dụng để làm ra những mặt hàng khác nữa, thí dụ như Trung Quốc cung cấp các phụ tùng xe hơi để phục vụ cho các nhà máy của các hãng xe Nhật hay Đức … ở những châu lục khác. Hiện tại do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn tại Hoa lục cho nên nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động. Điều này có thể sẽ đè nặng lên tăng trưởng của toàn cầu ».  

Từng bước nới lỏng phong tỏa

Ngày 19/04/2022 chính quyền Thượng Hải vừa thông báo cho phép 600 nhà máy hoạt động trở lại và đây là bước kế tiếp sau tuyên bố của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Hôm 18/04/2022 chủ trì một cuộc họp ông đã nhấn mạnh rằng « chuỗi sản xuất vẫn phải được bảo đảm ngay cả trong thời điểm đang có đại dịch » và Bắc Kinh thông báo sẽ lập ra một « danh sách trắng » với những doanh nghiệp được coi là ưu tiên trong ngành sản xuất và xuất khẩu.  

Tân Hoa Xã giải thích, đó là những hãng xưởng « cần được bảo đảm vẫn hoạt động » trong khi chờ đợi bên y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm để bảo đảm khống chế virus corona.

Tập đoàn xe hơi điện của Mỹ Tesla vừa thông báo khởi động lại nhà máy Thượng Hải nhưng theo hãng tin Bloomberg trong ngày đầu tiên hoạt động, chi nhánh của Tesla tại Hoa lục đã gặp nhiều khó khăn thí dụ như công nhân vẫn bị kẹt không thể đến được nhà máy. Thêm một khó khăn nữa là phụ tùng và vật liệu cần chuyển đến các nhà máy tại Thượng Hải và các khu vực lân cận vẫn bị ách tắc tại hải cảng, hay các nhà kho. Thượng Hải vẫn là vùng « bất khả xâm phạm ». Chính quyền chỉ cấp giấy phép một cách nhỏ giọt cho các tài xế xe tải đến giao hàng. Phần lớn các nhà máy thiếu nhiên liệu và phụ tùng, thậm chí là cả công nhân để có thể hoạt động bình thường như thông tín viên báo Le Monde ghi nhận tại chỗ.  Giáo sư Jean François Huchet ghi nhận đây là hệ quả trực tiếp từ chủ trương bài trừ Covid triệt để của Bắc Kinh : « Hiện tại giới lãnh đạo Bắc Kinh tránh nhìn thẳng vào sự thật. Hơn thế nữa tỷ lệ người được chích ngừa ở Trung Quốc rất thấp và vac-xin Trung Quốc lại không hiệu quả. Bắc Kinh dứt khoát từ chối dùng thuốc của phương Tây, bởi vì như vậy là công khai nhìn nhận sự thua kém của chính mình. Chính thái độ đó của giới lãnh đạo, khiến Trung Quốc khó kiểm soát được đà lây lan của biến thể Omicron và vì vậy Bắc Kinh bằng mọi giá phải áp dụng chính sách zero Covid. Đương nhiên là Trung Quốc đang trả giá đắt về mặt kinh tế như trường hợp ở Thượng Hải, và bên cạnh đó còn nhiều tác động khác nữa về mặt xã hội, tâm lý … Vấn đề đặt ra là làm thế nào thoát khỏi bế tắc mà không bị mất thể diện ». 

Theo giới quan sát tình hình ở Thượng Hải hiện nay tệ hơn cả so với quý 1/2020 khi Trung Quốc mới bắt đầu công nhận dịch Covid-19, bởi cách nay 2 năm Thượng Hải ít bị lây nhiễm hơn và không bị phong tỏa nghiêm ngặt như hiện giờ.  

Hãng tin Anh Reuters thực hiện một cuộc thăm dò cho thấy GDP của Trung Quốc trong ba tháng đầu năm tăng 0,6 % : con số này thấp hơn rất nhiều so với thành tích 4,8 % mà Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc vừa công bố.

Bài Liên Quan

Leave a Comment