Mỹ đã huấn luyện, trang bị cho quân đội Ukraine từ 8 năm qua

April 20, 2022

\"\"
Quân nhân Ukraine dỡ một lô hàng viện trợ quân sự từ Mỹ

Quân đội Mỹ xem thông tin do Ukraine cung cấp là đáng tin cậy, vì họ đã huấn luyện và trang bị cho quân đội Kiev suốt 8 năm qua kể từ thời điểm bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập.

Quân đội Mỹ không trực tiếp có mặt ở những điểm giao tranh tại Ukraine. Do đó, Mỹ và NATO phụ thuộc rất nhiều vào thông tin do chính phủ Ukraine cung cấp.

Trong các cuộc phỏng vấn với CNN, một số quan chức thừa nhận Ukraine có thể chỉ cung cấp những thông tin để giúp họ nhận viện trợ nhiều hơn, cả về vũ khí và hỗ trợ ngoại giao.

Trên thực tế, Mỹ rất khó theo dõi số lượng vũ khí đã chuyển vào Ukraine do thiếu binh sĩ trực tiếp hoạt động tại đây, nhưng chính quyền Biden sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

“Số vũ khí viện trợ đang rơi vào một ‘lỗ đen’ lớn. Chúng tôi hầu như không biết gì về nó sau một thời gian ngắn”, một nguồn tin tình báo Mỹ nói khi đề cập đến số lượng vũ khí nước này đã chuyển giao cho Ukraine.

Trong ngắn hạn, Mỹ coi việc chuyển giao các thiết bị trị giá hàng trăm triệu USD là vấn đề quan trọng để giúp Ukraine phòng vệ. Một quan chức quốc phòng cấp cao hôm 19/4 cho biết đây là “đợt vận chuyển vũ khí lớn nhất của Mỹ cho một nước đối tác trong thời gian gần đây”.

Tuy nhiên, cả quan chức Mỹ và các nhà phân tích quốc phòng đều cho rằng về lâu dài, một số vũ khí trong số đó có thể rơi vào tay quân đội và dân quân khác mà Mỹ không có ý định cung cấp.

Khi đưa ra quyết định gửi hàng tỷ USD vũ khí và thiết bị vào Ukraine, chính quyền Biden đã tính đến nguy cơ một số lô hàng có thể bị chuyển đến những nơi không mong muốn. Nhưng hiện tại, việc không trang bị đầy đủ vũ khí cho Ukraine là rủi ro lớn hơn cả.

\"\"
Các binh sĩ vận chuyển tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin do Mỹ cung cấp cho Ukraine

Rủi ro khi viện trợ vũ khí liên tiếp

Chính quyền Biden và các nước NATO cho biết đang cung cấp vũ khí cho Ukraine dựa trên những gì quân đội nước yêu cầu, bao gồm các hệ thống di động như tên lửa chống tăng Javelin và Stinger, hay hệ thống phòng không S-300 của Slovakia.

Tên lửa Javelin và Stinger, súng trường và đạn dược, đương nhiên khó theo dõi hơn các hệ thống lớn như S-300, vốn được vận chuyển bằng đường sắt. Mặc dù Javelin có số series, rất khó để theo dõi việc chuyển giao và sử dụng chúng trong thời gian thực.

Tuần trước, Mỹ đã đồng ý cung cấp cho Kyiv các loại vũ khí hạng nặng, trong đó có 300 máy bay không người lái Switchblade. Loại máy bay này cũng rất khó theo dõi.

“Tôi không thể nói vũ khí đang ở đâu tại Ukraine và liệu người Ukraine có đang sử dụng chúng vào thời điểm này hay không. Họ không cho chúng tôi biết từng viên đạn họ đang nhắm vào mục tiêu nào và khi nào. Chúng tôi có thể không bao giờ biết chính xác họ đã sử dụng Switchblade ở mức độ nào”, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với phóng viên vào tuần trước.

“Mối nguy hiểm lớn nhất khi ồ ạt chuyển vũ khí vào Ukraine là việc xử lý chúng sau khi xung đột kết thúc hoặc rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài”, Jordan Cohen, nhà phân tích chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện CATO, cho biết.

Đây không phải lần đầu Mỹ đối mặt với rủi ro này. Trong nhiều thập kỷ, Washington đã gửi vũ khí vào Afghanistan, gần đây là hỗ trợ lực lượng của chính quyền cũ trong cuộc chiến chống Taliban. Sau đó, nhiều vũ khí trong số này được bán trên thị trường chợ đen.

Vấn đề không chỉ có ở Afghanistan. Vũ khí được Mỹ bán cho Arabia Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng từng lọt vào tay các chiến binh có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và Iran.

Do đó, một số quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận một kịch bản tương tự có thể sẽ xảy ra ở Ukraine.

Bài Liên Quan

Leave a Comment