Đăng ngày: 27/04/2022
Trong cuộc họp với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại điện Kremlin ngày 26/04/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý « về nguyên tắc » việc Liên Hiệp Quốc và hội Chữ Thập Đỏ tham gia vào việc sơ tán thường dân Ukraina đang trú ẩn trong nhà máy Azovstal ở thành phố Mariupol bị quân Nga bao vây từ nhiều tháng nay.
Hãng tin Anh Reuters cho biết các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức giữa Văn phòng Điều phối Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc và bộ Quốc Phòng Nga. Khi tiếp ông Guterres, tổng thống Putin khẳng định Nga rất chú ý đến số phận thường dân và đã sơ tán hơn 130.000 người khỏi Mariupol. Chủ nhân điện Kremlin cũng nhấn mạnh Nga sẽ làm tất cả để tìm ra một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột.
Trước khi đến Nga, ông Guterres đã công du Ankara nhằm mục đích, tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina và Nga thông qua bên trung gian Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trả lời RFI ngày 26/04, nhà nghiên cứu Romuald Sciora, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), cho rằng Liên Hiệp Quốc chỉ có thể đóng vai trò nhân đạo trong cuộc khủng hoảng này.
« Trước đây, Liên Hiệp Quốc không phải là một vỏ ốc như tình trạng hiện nay. Một thỏa thuận đã được tổng thư ký Guterres và ngoại trưởng Lavrov thông qua, có nghĩa là thiết lập các hành lang nhân đạo và giờ chờ Nga tôn trọng lời hứa này. Đây là những điểm có thể trông đợi từ Liên Hiệp Quốc hiện nay.
Một điểm khác được trông đợi trong chuyến thăm này là ông Guterres phải đưa ra lập trường can đảm hơn. Trước đó, ông nói rõ là Liên Hiệp Quốc sẽ không lập ủy ban điều tra về \”các tội ác chiến tranh có thể xảy ra\” vì tổng thư ký không thể tự quyết định. Điều này đúng về mặt pháp lý nhưng tổng thư ký có thể gây ảnh hưởng để thành lập kiểu ủy ban điều tra như vậy. Chuyện này đã diễn ra trong lịch sử của Liên Hiệp Quốc.
Ông Guterres từng khá nhu nhược. Khi người ta nhắc với ông ấy về \”những tội ác chiến tranh\”, ông nói đó chỉ là \”khả năng\” và mọi chuyện chưa sáng tỏ. Điều này cũng đúng. Do đó, hiện giờ chỉ có thể trông đợi vào Liên Hiệp Quốc một cuộc đàm phán chủ yếu về khía cạnh nhân đạo. Còn về mặt chính trị, theo tôi, sẽ không có gì đến từ Liên Hiệp Quốc ».