Đăng ngày: 07/05/2022
Nguy cơ Chiến Tranh Thế Giới thứ ba ám ảnh đa số các tuần báo Pháp đầu tháng 5/2022. Courrier International, L’Obs và L’Express đều dành hồ sơ chính cho chủ đề này. Giải mã cục diện chính trị nước Pháp sau cuộc bầu cử tổng thống, và những biến động lớn, đặc biệt với việc đông đảo cánh tả Pháp lập liên minh tranh cử Quốc Hội là một trọng tâm khác.
« Mỹ, Nga có nguy cơ đụng độ trực tiếp không » là chủ đề trang nhất của tuần san Courrier International, trên nền hình ảnh Biden và Putin, mặt giáp mặt, ở giữa hai lãnh đạo Mỹ, Nga là phi cơ, thiết giáp, xe tăng, tên lửa. Tuần san Courrier International đặc biệt chú ý đến phản ứng của tổng thống Nga, hứa hẹn sẽ đáp lại « các đe dọa không thể chấp nhận được về an ninh chiến lược » với các đòn trả đũa « nhanh chóng và kinh hoàng », « phản ứng của Nga sẽ là ngay lập tức và sẽ dẫn đến những hậu quả mà các vị chưa bao giờ phải hứng chịu trong lịch sử ». Tuyên bố của lãnh đạo Nga Vladimir Putin hôm 27/04 trước Quốc Hội Nga « làm lạnh sống lưng ».
Tuyên bố lạnh sống lưng của Putin
Về đe dọa hạt nhân của Nga, Courrier International đặt câu hỏi : « đây chỉ đơn giản là một sự hù dọa, một đe dọa thực sự hay một dấu hiệu yếu thế ? ». Tuần san Pháp nhận định : « chắc chắn có là cả ba, mỗi thứ một phần, căn cứ theo các bài viết tràn ngập trên báo chí nước ngoài về nguy cơ của một cuộc Thế chiến ba ». Courrier International giới thiệu một bài viết trên báo Mỹ The New Yorke Times, nhấn mạnh : tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thay đổi triệt để lập trường, từ chỗ không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, hồi đầu chiến tranh, đến chỗ nước Mỹ giờ đây « trên tuyến đầu » hỗ trợ Ukraina trong một « cuộc chiến trường kỳ » chống xâm lược Nga. Cho đến nay, Mỹ đã chi 3,7 tỉ đô la viện trợ quân sự giúp Ukraina, nhưng kể từ ngày 28/04, ông Biden đã yêu cầu Quốc Hội quyết định chi thêm 20 tỉ đô viện trợ quân sự nữa, một con số kỉ lục.
Mức độ hậu thuẫn gia tăng của Mỹ lôi cuốn các nước châu Âu đi theo, trước hết là Đức. Tuy nhiên, tại châu Âu, phản ứng là không thống nhất. Nếu như nhật báo Đức Frankfurter Allegmeine Zeitung – một trong ba tờ báo có nhiều độc giả nhất tại Đức – hoan nghênh việc Berlin cấp xe tăng phòng không cho Ukraina, thì tuần báo thiên tả Ý The Post Internazionale lên án cuộc chạy đua tái vũ trang mà Hoa Kỳ buộc châu Âu phải đi theo.
Courrier International dẫn báo chí Nhà nước Trung Quốc. Tờ Nhân Dân Nhật Báo – cơ quan phát ngôn của đảng Cộng Sản Trung Quốc – tố cáo Hoa Kỳ « đổ dầu vào lửa, tìm cách kéo dài xung đột Nga – Ukraina ». Courrier International chú ý đến việc Bắc Kinh cố ý tránh chỉ trích châu Âu. Về phần nước Nga, tuần san Pháp dẫn lại quan điểm của hai nhà chính trị học trên Nezavissimaia Gazeta, lên án Mỹ coi chiến tranh tại Ukraina « là dịp để giáng cho Nga một đòn thất bại chiến lược ».
Cũng trong hồ sơ này, Courrier International dẫn thêm một bài viết khác trên báo Mỹ Los Angeles Times, nhấn mạnh đến xu thế phân cắt thế giới thành hai cực, một bên « dưới sự chỉ đạo » của Mỹ, một bên theo Nga và Trung Quốc. Báo Hà Lan De Groene Amsterdammer lưu ý là trong bối cảnh này : « các giới chức chính trị và quân sự cần học lại các bài học thời chiến tranh lạnh, nhưng điều quan trọng hơn là cần học lại : làm thế nào để duy trì Chiến tranh lạnh ».
Putin giương hạt nhân chủ yếu để « gây hoảng sợ »
Tuần báo L’Express có bài nói về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, nhưng tỏ ra không quá lo ngại. Theo nhà địa chính trị học Frédéric Encel, đe dọa hạt nhân của chính quyền Putin trước hết có mục tiêu « gây hoảng sợ ». Trang nhất l’Epxress chạy tựa: « Biden – Putin. Phải chăng chiến tranh thế giới là có thể ? », trên nền hình ảnh hai cánh tay giao chéo, ngón tay mỗi bên đều trực chờ ấn nút. Hai cánh tay mang màu khác nhau, một bên xanh, một bên đỏ, nhưng động tác giao chéo tạo cảm giác như hai cánh tay của chỉ một người. Một bên tay mang biểu tượng búa liềm, bên kia biểu tượng quân đội Mỹ.
Về phần mình, tuần báo L’Obs nhấn mạnh nhiều hơn đến thất bại của tổng thống Nga. « Putin bị dồn vào chân tường » là tựa trang nhất của L’Obs. Ông chủ điện Kremlin – từng mơ tái lập đế chế Nga, và ăn mừng đánh bại Kiev vào ngày 09/05 – giờ đây đang bị dồn vào chân tường, trong lúc phương Tây tăng cường cấp vũ khí cho Ukraina.
Theo L’Obs, hơn hai tháng kể từ đầu cuộc xâm lăng, chính quyền Putin đã không đạt được « một chiến thắng đáng kể » nào. Cuộc chiến tranh của Putin tại Ukraina đã là « một thất bại chiến lược », theo nhiều chuyên gia, trong đó có nhà địa chính trị học Frédéric Encel. Tổng thống Nga đã tìm mọi cách « che giấu thất bại với dân chúng và phần còn lại của thế giới những thất bại » trên thực địa.
Bị đẩy vào chân tường: Putin túng thế làm càn ?
Vào lúc dịp Kỷ niệm Chiến thắng phát xít mùng 9 tháng 5, được coi là « ngày lễ thiêng liêng nhất của nước Nga Putin », đang đến gần, theo chuyên gia Mark Galeotti, chủ nhân điện Kremlin chỉ có thể cố gắng thông báo về một số « thành tích mang tính biểu tượng », cụ thể là việc chiếm được thành phố cảng Mariupol của Ukraina, với cái giá là 28.000 thường dân thiệt mạng, theo chính quyền thành phố. Bên cạnh đó, Matxcơva có thể an ủi với « thành công nửa vời về ngoại giao », nhiều nước lớn, như Trung Quốc, vẫn không tham gia mặt trận trừng phạt kinh tế Nga. Tuy nhiên, một số thành công đó không che được thực tế của một quân đội Nga, giờ đây được ví như « Gấu bằng giấy », như một ví von của một nhà quan sát.
Tình hình nghiêm trọng hơn với Nga, khi quân đội Ukraina nhận được nhiều hơn vũ khí từ phương Tây, và đặc biệt là sự hợp tác của tình báo Mỹ, luồn sâu trong bộ máy chính quyền Nga đến cấp thượng đỉnh, khiến tổng thống Nga Putin có cảm giác đang bị vây hãm, bị dồn đến chân tường.
L’Obs cũng đặt vấn đề « để tìm lối thoát, liệu Putin có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không ? ». Trong giai đoạn đầu tiên của chiến tranh tại Ukraina, cả ba cường quốc hạt nhân đều khẳng định Matxcơva đánh võ mồm là chính. Phương Tây quyết định cung cấp thêm nhiều vũ khí hạng nặng để giúp Ukraina tự vệ. Theo l’Obs, « trong những tuần tới, cuộc đối đầu Mỹ – Nga sẽ gia tăng đáng kể, và có thể đặt châu Âu bên bờ nguy cơ thảm họa hạt nhân ». Bất chấp trấn an của tổng thống Mỹ về đe dọa hạt nhân của Nga chỉ « cho thấy sự tuyệt vọng của chính quyền Nga trước thất bại thê thảm », hiểm họa hạt nhân Nga là có thật.
L’Obs nhấn mạnh đến tình trạng đầy bất trắc của việc « Một lãnh đạo độc tài bị dồn vào chân tường », nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân cũng là điều mà Bill Burns, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, nêu ra cách nay ít tuần. Ông Putin rất có thể sẵn sàng cho một quyết định liều lĩnh vào ngày 09/05 tới.
Quyền phủ quyết Hội Đồng Bảo An : Cơ chế nền móng của Liên Hiệp Quốc
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bất lực trong cuộc chiến tại Ukraina. Hội Đồng Bảo An (HĐBA) cần thay đổi theo hướng nào. Đây là chủ đề một bài viết đáng chú ý trên l’Obs của nhà báo Anne-Cécile Robert, nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của nước Pháp. Nhà báo tờ Monde diplomatique – đồng tác giả cuốn « Ai muốn cái chết của Liên Hiệp Quốc ? » (Nxb Eyrolles, 2018) thừa nhận sự bất lực của Hội Đồng Bảo An khi quyền phủ quyết của các thành viên thường trực làm tê liệt việc ban hành các nghị quyết mang tính cưỡng chế. Tuy nhiên, nhà báo Anne-Cécile Robert cũng chỉ trích mạnh mẽ ý tưởng hủy bỏ quyền phủ quyết. Nhà báo Monde diplomatique nhấn mạnh : « nếu không có quyền phủ quyết, đã không thể có Liên Hiệp Quốc, bởi các thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An không bao giờ chấp nhận quyền lực cưỡng chế của HĐBA. Xóa bỏ quyền này cũng có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của chính Liên Hiệp Quốc ».
Cải cách Hội Đồng Bảo An : Vấn đề trước hết là « chính trị »
Theo nhà báo Pháp, điều cần phải nói rõ là « quyền phủ quyết chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của một vấn đề sâu xa hơn, và nghiêm trọng hơn : sự vắng mặt của các đối thoại giữa 5 thành viên thường trực HĐBA ». Việc cải cách HĐBA trước hết là liên quan đến « chính trị », chứ không chỉ là chuyện cải cách về định chế, về cách tổ chức.
Nhà báo Monde diplomatique đề xuất nâng cao vai trò « cường quốc trung gian » của nước Pháp. Pháp có thể phối hợp với Liên Hiệp Châu Phi chẳng hạn, tổ chức một hội nghị đặc biệt với sự tham gia của các thành viên thường trực HĐBA tại một địa điểm mang tính trung lập, để các bên có thể đối chọi quan điểm một cách thẳng thừng, để từ đó tìm ra một khởi đầu mới. Nước Pháp đã từng có một sáng kiến tương tự thời chính quyền Chirac năm 2003.
Nước Nga « luôn là một đế quốc »
Trong các bài viết về xung đột Nga – Ukraina, không thể bỏ qua bài « Cho đến nay người Nga vẫn chưa thoát ra khỏi coi nước Nga như một đế quốc », trên l’Obs, giải mã lý do sâu xa vì sao ý thức hệ độc tài luôn áp đảo ở Nga. Chuyên gia về lịch sử Liên Xô và hậu Xô Viết Françoise Thom giải thích chế độ Putin hiện nay bắt rễ trong « bản chất đế quốc của Nhà nước Nga và của chủ thuyết cứu thế của đạo Chính Thống Nga ». Khác hẳn với các cường quốc như Anh, hay Pháp, trở thành dân tộc hiện đại trước khi trở thành các đế chế toàn cầu. Nước Nga xuất phát điểm là một đế chế. Trước kia, cũng như hiện nay, chính quyền Nga hành xử như chính quyền của một đế quốc chứ không phải của một dân tộc.
Đông đảo giới tinh hoa Nga – bao gồm cả đại văn hào Dostoievski, coi nước Nga có một sứ mạng tôn giáo. Matxcơva là một thủ đô tôn giáo, như Roma. Lãnh đạo Nga Vladimir Putin hoàn toàn hành xử phù hợp với những cội rễ chính trị và tôn giáo này. Xung đột giữa Nga và Ukraina có nhiều lý do, nhưng một điều mà Putin không hiểu, đó là những con người bình thường cũng có khát vọng tự do. Đây là điều xa lạ với truyền thống chính trị – tôn giáo Nga.