Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc : Bảo vệ trật tự quốc tế

Đăng ngày: 27/05/2022

\"\"
\"\"
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington DC, Hoa Kỳ ngày 26/05/2022. © Jacquelyn Martin/Pool via REUTERS

Thanh Phương

Bài phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Đại học George Washington hôm qua, 26/05/2022, đã rất được chờ đợi, bởi vì lần đầu tiên ông công khai nêu rõ chiến lược của tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc, quốc gia mà theo ông Blinken hiện là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế”.

Nội dung bài phát biểu của ông Blinken là theo đúng lập trường của tổng thống Biden đối với Trung Quốc. Theo hãng tin AFP, ban đầu Joe Biden dự trù là đích thân ông sẽ đọc bài này.

Trước bài phát biểu của ngoại trưởng Blinken tại Đại học George Washington hôm qua, ông Biden đã mở chuyến công du châu Á đầu tiên của ông với tư cách tổng thống và đã họp thượng đỉnh với các lãnh đạo Đông Nam Á tại Washington vào đầu tháng 5. Mục đích chính là nhằm chứng tỏ Hoa Kỳ vẫn xem châu Á là khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Kể từ khi lên cầm quyền, tổng thống Biden vẫn xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất của Hoa Kỳ về lâu dài ở cấp độ toàn cầu. Trong bài phát biểu hôm qua, ngoại trưởng Blinken trước hết cũng muốn khẳng định, mặc dù có cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, Trung Quốc vẫn là thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Theo ông Blinken, Trung Quốc là nước duy nhất “vừa có mưu đồ sắp đặt lại trật tự quốc tế, vừa ngày càng có đủ thực lực về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó”.

Tuy nhiên, ông Blinken nói rõ : “Chúng tôi không muốn có một cuộc xung đột hay một cuộc chiến tranh lạnh mới. Trái lại, chúng tôi quyết tâm tránh xung đột và chiến tranh lạnh”. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh : “Chúng tôi không muốn ngăn cản Trung Quốc đóng vai trò cường quốc quan trọng, hoặc ngăn cản Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác phát triển kinh tế và bảo vệ các lợi ích của nhân dân nước họ”.

Nhưng đối với ngoại trưởng Blinken, chỉ có duy trì trật tự thế giới hiện nay, bao gồm việc tôn trọng các luật lệ và hiệp ước quốc tế, thì toàn bộ các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, mới có thể chung sống và hợp tác với nhau. 

Đã nhiều lần chính quyền Biden nêu lên sự cần thiết của việc gây áp lực với Trung Quốc để buộc nước này tuân thủ các quy định hiện hành, nhất là trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và trong lĩnh vực thương mại. 

Nhưng trong bài phát biểu hôm qua ở Đại học George Washington, ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh không thể trông chờ Bắc Kinh tự nguyện thay đổi đường lối, cho nên Hoa Kỳ nhắm đến việc “định hình một môi trường chiến lược” chung quanh Trung Quốc, để hạn chế những hành động ngày càng hung hăng của cường quốc châu Á này.

Thật ra thì nhìn xa hơn, theo như ghi nhận của tờ New York Times hôm qua, điều gây lo ngại cho chính quyền Biden cũng như chính quyền Donald Trump trước đây, đó là là nguy cơ Trung Quốc một ngày nào đó sẽ qua mặt Hoa Kỳ để trở thành siêu cường quốc hàng đầu thế giới. 

Cụ thể, sự hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế của Mỹ và các đồng minh mang lại cho Bắc Kinh một đòn bẩy chiến lược to lớn, giúp nước này dần dần phá bỏ thế thống trị của Mỹ đối với nền kinh tế và công nghệ toàn cầu, cũng như làm suy giảm sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong nỗ lực nhằm tập hợp các đồng minh trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, tại Tokyo ngày 23/05, tổng thống Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương, một sáng kiến trước mắt quy tụ 13 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng Washington cho rằng vẫn có thể hợp tác với Bắc Kinh trong một số lĩnh vực, như chống biến đổi khí hậu.

Bắc Kinh dĩ nhiên đã bác bỏ nội dung bài phát biểu hôm qua của ngoại trưởng Blinken. Hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho rằng mục tiêu bài phát biểu này chỉ là nhằm “ngăn chận sự phát triển của Trung Quốc và duy trì thế bá quyền và sức mạnh của Mỹ”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment