Hòa bình cho Miến Điện : Hội Đồng Bảo An bất đồng về tuyên bố chung

Đăng ngày: 28/05/2022

\"\"
\"\"
Một người phụ nữ giương biểu ngữ : \”Đừng giết chúng tôi nữa\”, trong một biểu tình tình \”Global Protest Revolution Day for Myanmar,\” ở Hoa Kỳ, 27/03/2021. AFP – KEREM YUCEL

Minh Anh

Hôm qua, 27/05/2022, sau một ngày đàm phán căng thẳng, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã không đạt được đồng thuận về một tuyên bố chung nhằm thúc đẩy tập đoàn quân sự Miến Điện đưa ra các biện pháp tiến đến một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị.  

Theo AFP, Trung Quốc và Anh – nước soạn thảo văn bản – đã quy trách nhiệm cho nhau về thất bại của đàm phán trong một cuộc họp kín kéo dài suốt cả ngày. Luân Đôn cho rằng Bắc Kinh đòi hỏi « quá nhiều », dẫn đến việc từ bỏ văn bản. Ngược lại, Trung Quốc – thông qua phát ngôn viên phái bộ ngoại giao Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc, cho biết các bên đã không vượt qua được một « sự khác biệt nhỏ ».

Bản dự thảo ban đầu đề xuất Hội Đồng Bảo An bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước « những tiến bộ hạn chế » trong việc thực hiện bản đồng thuận 5 điểm do ASEAN – Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á – đưa ra cách nay hơn một năm, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng. Bản dự thảo tuyên bố còn kêu gọi nên có những hành động để cụ thể hóa lộ trình này. Tuy nhiên, Bắc Kinh đề nghị sử dụng cụm từ tiến bộ « chậm » hơn là tiến bộ « hạn chế ». Theo phái bộ Trung Quốc, cụm từ đó là mang tính « thực tế » hơn, ít có vẻ « kẻ cả » hơn. Bắc Kinh « lấy làm tiếc » là văn bản này đã không được thông qua.

Phần nội dung còn lại mà AFP tham khảo được, chủ yếu bày tỏ lo lắng của Hội Đồng Bảo An trước sự tiếp diễn các hành động bạo lực và những khó khăn về cứu trợ nhân đạo ở Miến Điện. Tình hình này đã được đặc sứ của ASEAN về Miến Điện, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Cam Bốt, ông Sokhonn Prak và nữ đặc sứ về Miến Điện của Liên Hiệp Quốc Noeleen Heyzer trình bày trong cuộc họp của Hội Đồng Bảo An.

Theo các nhà ngoại giao, bà Noeleen Heyzer, được bổ nhiệm vào vị trí này hồi tháng 10/2021, đã được chấp thuận trên nguyên tắc cho chuyến công du Miến Điện đầu tiên, nhưng đến nay vẫn chưa có những giấy phép cần thiết về lịch trình chuyến đi cũng như về những người bà được gặp.

Liên Hiệp Quốc yêu cầu là bà Heyzer phải được nói chuyện với tất cả các bên tại Miến Điện, chứ không riêng gì với tập đoàn quân sự đang cầm quyền.

Bài Liên Quan

Leave a Comment