Đức vượt trở ngại Hiến Pháp để củng cố quân đội trước mối đe dọa từ Nga

Đăng ngày: 30/05/2022

\"\"
\"\"
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Quốc Hội, Berlin, ngày 19/05/2022. REUTERS – MICHELE TANTUSSI

Trọng Nghĩa

Chính phủ và phe đối lập bảo thủ ở Đức vào tối hôm qua 29/05/2022 đã đạt được một thỏa thuận nhằm miễn áp dụng các quy tắc ngân sách được ghi trong Hiến Pháp. Thỏa thuận này sẽ mở đường cho việc thông qua ngân sách 100 tỷ euro dành để hiện đại hóa quân đội Đức trước mối đe dọa từ Nga. 

Theo hãng tin Pháp AFP, đại diện các đảng phái chủ chốt tại Đức đã xác nhận thỏa hiệp đạt được sau nhiều tuần lễ đàm phán gay go, giữa một bên là liên minh đang cầm quyền (Đảng Dân Chủ Xã Hội, Đảng Xanh và Đảng Tự Do), và bên kia là các đảng bảo thủ đối lập trong phe của cựu thủ tướng Angela Merkel. 

Vào cuối tháng 02/2022, ngay sau khi Nga mở cuộc tấn công xâm lược Ukraina, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết dành một ngân quỹ đặc biệt lên đến 100 tỷ euro để tái vũ trang đất nước và hiện đại hóa quân đội Đức vốn đang lâm vào cảnh có trang thiết bị lỗi thời. 

Theo văn bản của thỏa thuận mà AFP có được, ngân quỹ đặc biệt đó còn cho phép Berlin đạt được mục tiêu do NATO đề ra là dành 2% GDP quốc gia mỗi năm cho quốc phòng. 

Vấn đề đặt ra là ngân quỹ đặc biệt này được tài trợ bằng những khoản nợ bổ sung mà Nhà nước phải gánh vác, trong bối cảnh Hiến Pháp Đức đã ghi rõ một số quy tắc gọi là “kềm hãm nợ công”, hạn chế nghiêm ngặt khả năng thâm hụt ngân sách. 

Để vượt trở ngại Hiến Pháp này, Nghị Viện Đức cần phải thông qua một ngoại lệ được ít nhất là 2/3 nghị sĩ tán đồng. Do đó, chính phủ của thủ tướng Scholz cần đến sự hỗ trợ của phe đối lập chính thuộc hai đảng bảo thủ CDU/CSU bảo thủ để có thể có được đa số 2/3 cần thiết trong Nghị Viện. 

Các cuộc đàm phán rất khó khăn. Không chỉ về vấn đề sử dụng ngân sách, mà còn về chính sách đối với Ukraina, một nguyên nhân bất đồng giữa chính phủ và phe đối lập trong nhiều tuần lễ. Phe bảo thủ đặc biệt chỉ trích thủ tướng Đảng Dân Chủ Xã Hội là còn rụt rè trong việc chi viện vũ khí cho Ukraina để đối phó với Nga. 

Theo AFP, việc giải ngân 100 tỷ euro cho quân đội là một sự đảo ngược lập trường lớn đối với Đức, quốc gia luôn trì hoãn việc tuân thủ các cam kết ngân sách trong khuôn khổ NATO và thường xuyên bị Mỹ chỉ trích trên vấn đề đó.  

Kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Đức đã giảm đáng kể quy mô quân đội, từ khoảng 500.000 người khi thống nhất đất nước vào năm 1990, xuống chỉ còn 200.000 người hiện nay. Ngoài ra, các quan chức quân đội Đức thường xuyên phàn nàn về sự cố hỏng hóc trên máy bay chiến đấu, tàu chiến hoặc xe tăng. 

Thế nhưng, cuộc xâm lược Ukraina do Nga tiến hành đã có tác dụng như một cú sốc điện trên một đất nước vốn đắm chìm trong tư tưởng chủ hòa kể từ sau các tội ác khủng khiếp thời Đức Quốc Xã.

Bài Liên Quan

Leave a Comment