Đăng ngày: 20/06/2022
Qua cuộc bầu cử Quốc Hội năm nay, như vậy là dân Pháp đã sắp xếp lại bàn cờ chính trị, nhất là đã không cho tổng thống vừa tái đắc cử Emmanuel Macron một đa số tuyệt đối. Trong vòng hai Chủ nhật 19/06/2022, liên minh Ensemble! ( Đồng Lòng ! ) của tổng thống Emmanuel Macron đã về nhất, nhưng chỉ thu được từ 245 ghế, thấp hơn nhiều so với đa số tuyệt đối ( 289 ghế ).
Với kết quả như trên, như vậy là chỉ hai tháng sau khi tái đắc cử, tổng thống Macron đã phải đối đầu với một Quốc Hội mà cả hai đảng đối lập chính đều là theo xu hướng cực đoan . Liên minh NUPES, mà nòng cốt là đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, đã thu được đến 131 ghế, còn đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc của bà Marine Le Pen thì chưa bao giờ có nhiều dân biểu như thế trong Nghị Viện, với 89 ghế.
Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 13/06 trước khi diễn ra vòng hai bầu cử Quốc Hội Pháp, ông Thierry Vedel, chuyên gia về truyền thông và chính trị ghi nhận đây là lần đầu tiên kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống Pháp giảm xuống còn 5 năm, một tổng thống tái đắc cử bị mất đa số tuyệt đối:
“ Trước đây, bầu cử tổng thống và bầu cử Quốc Hội tách biệt hoàn toàn với nhau. Điều này rất quan trọng. Mỗi cuộc bầu cử có một nhịp độ riêng. Từ năm 2002, tức là kể từ khi nhiệm kỳ của tổng thống Pháp từ 7 năm giảm xuống còn 5 năm, các cuộc bầu cử Quốc Hội gắn liền với bầu cử tổng thống. Cho tới nay, trong các cuộc bầu cử Quốc Hội, cử tri Pháp vẫn dồn phiếu cho đảng của tổng thống vừa đắc cử.
Kể từ khi nhiệm kỳ rút xuống còn 5 năm, tất cả các tổng thống như François Hollande, Nicolas Sarkozy hoặc là bị thua khi ra tái tranh cử, hoặc không thể ra tái tranh cử. Đây là lần đầu tiên có một tổng thống mãn nhiệm được bầu lại. Cho nên, có thể là cử tri muốn dùng bầu cử Quốc Hội như là một hình thức tạo đối trọng quyền lực.”
Với một đa số tương đối trong Quốc Hội mới, tổng thống Emmanuel Macron sẽ chỉ có hai phương án. Hoặc là ông phải liên minh với các đảng khác hoặc tìm sự ủng hộ của các đảng khác để có được đa số tuyệt đối và như vậy thì các dự luật do chính phủ của ông đề nghị mới có thể được thông qua dễ dàng. Trong trường hợp này, ngoài các đối tác trong liên minh tranh cử Đồng lòng! ( đảng cánh trung Modem và đảng Horizon – Chân trời của cựu thủ tướng Edouard Philippe), đảng Cộng hòa Tiến bước của ông Macron chỉ có thể dựa vào đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa với 61 ghế.
Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 13/06, Emmanuel Rivière, chuyên gia thuộc viện tư vấn Kantar Public, đã nêu trước một số kịch bản:
“Nếu liên minh tổng thống Macron không có một đa số tuyệt đối, ông sẽ phải tìm các đồng minh khác. Có hai trường hợp. Nếu chỉ thiếu khoảng chục ghế thì lúc nào cũng có thể tìm được những dân biểu sẵn lòng tham gia để giúp hội đủ đa số tuyệt đối. Nếu thiếu đến hàng chục ghế mới đủ đa số để thông qua được các cải tổ, phe của Macron phải thương lượng với các đảng khác, mà trong bối cảnh hiện nay, đó chính là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa. Như vậy phe đa số sẽ quy tụ nhiều thành phần khác nhau, mà thật ra thì điều này cũng chẳng có gì là quá bất thường. Các nền dân chủ xung quanh chúng ta vẫn thường làm như thế.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ mới của tổng thống Macron sẽ không giống như trước, vì ông sẽ tùy thuộc vào thiện chí của các đồng minh, phải thương lượng với họ về một số đường lối, chính sách, không phải dễ dàng. Trước đây, tổng thống Macron cũng đã từng trải nghiệm thời kỳ mà những người chống đối trong nội bộ đảng Xã Hội đã gây khó khăn rất nhiều cho nhiệm kỳ của tổng thống François Hollande. Nhưng có thể là tình hình không đến nỗi gay gắt như thế, cái quan trọng là phải chú ý duy trì được sự cân bằng giữa các xu hướng khác nhau để có thể cầm quyền. Có thể đó chính là điều mà dân Pháp chờ đợi, bởi vì họ có cảm tưởng là chính quyền quá rời xa dân, không tham khảo đầy đủ ý dân. Có lẽ đó là điều mà tổng thống Macron nên làm.\”
Phương án thứ hai đối với tổng thống Macron là lãnh đạo với một chính phủ “thiểu số”, giữ lại thủ tướng mà ông chọn, trong trường hợp này chắc là bà Elisabeth Borne, vì bà đã đắc cử dân biểu.
Đã từng có một tiền lệ như vậy, đó là chính phủ của thủ tướng Michel Rocard từ năm 1988 đến 1991. Vào thời gian đó, sau khi tổng thống François Mitterrand tái đắc cử, cánh tả đã không thu được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội. Thủ tướng Rocard đã phải nhiều lần sử dụng đến điều 49-3 của Hiến Pháp cho phép thông qua các dự luật do chính phủ đề nghị mà không cần đưa ra Quốc Hội biểu quyết. Nếu không đồng ý, phe đối lập có thể đệ trình lên Quốc Hội một kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ và nếu kiến nghị được thông qua, chính phủ sẽ đổ.
Nhưng nay, việc sử dụng điều 49-3 đã bị hạn chế rất nhiều, vì chính phủ chỉ có thể sử dụng điều khoản để thông qua ngân sách hoặc để thông qua một dự luật cho mỗi kỳ họp Quốc Hội.
Có một điều mà các chuyên gia đã nhìn thấy ngay từ trước vòng hai bầu cử Quốc Hội Pháp, đó là trong Nghị Viện mới, lực lượng đối lập chủ chốt sẽ là cánh tả, như nhận định của ông Emmanuel Rivière, chuyên gia thuộc viện tư vấn Kantar Public:
“Với tổng thống Emmanuel Macron, phe đối lập ở Quốc Hội sẽ đổi sang màu khác. Trước đây, nhóm đối lập lớn nhất ở Quốc Hội trước đây là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, với khoảng 100 dân biểu hoặc nhiều hơn nếu tính luôn các đồng minh của đảng này.
Còn bây giờ, dù tổng thống Emmanuel Macron giành được đa số tuyệt đối hay đa số tương đối, lực lượng đối lập chủ chốt sẽ là các đảng cánh tả”.
Như vậy là trong Quốc Hội mới của Pháp, hình thành ba khối chính: thứ nhất là liên minh cầm quyền của tổng thống Macron, khi cần có thể liên kết với đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, thứ hai là liên minh cánh tả NUPES và thứ ba là đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Nhưng đối với ông Thierry Vedel, chuyên gia về truyền thông và chính trị, xét về quan điểm chính trị thì có đến bốn khối trong Nghị Viện mới:
“ Người ta vẫn nói là sẽ hình thành ba khối. Nhưng riêng tôi, qua các nghiên cứu mà chúng tôi đã tiến hành, tôi cảm thấy là về mặt quan điểm chính trị của các cử tri, không phải chỉ có ba khối mà là bốn khối, dựa trên 2 tiêu chí căn bản, có nghĩa là chủ trương phát triển tự do hay nhà nước can thiệp về mặt kinh tế, về mặt xã hội, chúng ta có những người bảo thủ tự do như đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa. Nhưng trong đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc có những người chủ trương nhà nước can thiệp vào kinh tế, nhưng bảo thủ về mặt xã hội. Nói chung có bốn thành phần.
Nhưng về mặt đại diện tại Quốc Hội, sẽ có nhiều xác trộn, bởi vì, một mặt, NUPES là một liên minh mà sẽ nhanh chóng có những bất đồng bởi vì họ vẫn chưa giải quyết được những khác biệt quan điểm căn bản về châu Âu, về năng lượng hạt nhân, về một số giá trị phổ quát…
Ngay cả đảng Cộng hòa Tiến bước hay trong liên minh Đồng lòng ( Ensemble ! ) cũng là những tổ chức quy tụ nhiều thành phần, có những người đến từ cánh tả hay đúng hơn là theo xu hướng Dân chủ Xã hội, những người khác thì theo xu hướng kinh tế tự do…Trong nhiều vấn đề, chắc chắn sẽ có những đối chọi”
Một điều chắc chắn, theo nhận định của hãng tin AFP, đó là Quốc Hội mới của Pháp sẽ manh mún, với rất nhiều nhóm dân biểu, nhiều chống đối và nhất là đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc nay đã có một nhóm đông kỷ lục ( 89 dân biểu ) ở Nghị Viện và sẽ dùng trọng lượng này để gây tác động lên những cuộc biểu quyết. Nếu tính riêng, thì rõ ràng là đảng cực hữu này là đảng đối lập có số ghế cao nhất, hơn cả đảng Nước Pháp Bất Khuất của ông Mélenchon.
Đặc biệt, với 131 ghế, liên minh cánh tả NUPES của ông Jean-Luc Mélenchon chắc chắn sẽ gây nhiều cản trở cho việc thông qua các dự luật không phù hợp với quan điểm của họ. Quốc Hội mới có nguy cơ biến thành “vùng phòng thủ khổng lồ” trước một đảng Nước Pháp Bất Khuất mạnh hơn bao giờ hết. Trong nhiệm kỳ của Quốc Hội mãn nhiệm, mặc dù đảng cầm quyền của tổng thống Macron nắm một đa số rất rộng rãi, thế mà các dân biểu đảng Nước Pháp Bất Khuất đã từng gây cản trở rất nhiều trong việc xem xét thông qua dự luật về cải tổ hệ thống hưu trí, đệ trình đến … 20.000 điểm sửa đổi. Đến mức chính phủ đã phải dùng đến điều 49-3 của Hiến Pháp để thông qua, trước khi từ bỏ dự luật này. Lúc đó, đảng cực tả Nước Pháp chỉ mới có 17 dân biểu, còn bây giờ với tổng cộng 131 ghế của liên minh NUPES, khả năng quấy rối của phe Mélenchon còn lớn hơn nhiều!
Thật ra, còn phải xem trong Quốc Hội mới, liên minh cánh tả NUPES với bốn thành phần ( Nước Pháp Bất Khuất, Đảng Xã Hội, Đảng Cộng Sản và đảng Xanh ) sẽ được tổ chức ra sao và sẽ phối hợp ra sao. Và nhất là liên minh này sẽ tồn tại lâu dài hay sẽ nhanh chóng bị tan rã vì những bất đồng quan điểm?
Một điều chắc chắn là kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội lần này đẩy nước Pháp là một thời kỳ đầy xáo trộn, vì tổng thống Macron sẽ phải đối đầu với một Quốc Hội \”bất trị\”. Theo nhận định của giáo sư đại học Panthéon – Sorbonne Dominique Rousseau, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, 20/06/2022, nhiệm kỳ hai của tổng thống Macron sẽ là “một nhiệm kỳ thương lượng, thỏa hiệp với Quốc Hội. Sẽ không còn một Jupiter ( vua của các vị thần theo thần thoại La Mã ), mà là một tổng thống không có đa số ở Nghị Viện. Đây sẽ là một nhiệm kỳ mà vai trò của Quốc Hội sẽ được phục hồi, giống như toàn bộ các nền dân chủ khác ở châu Âu”.