Báo chí khen ngợi Pháp kết thúc thành công nhiệm kỳ chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu

Đăng ngày: 30/06/2022

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen họp báo sau cuộc gặp tại Điện Elysee ở Paris, Pháp, ngày 07/01/2022. AP – Michel Euler

Trọng Nghĩa

Đến hết ngày hôm nay, 30/06/2022, nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu của nước Pháp mới kết thúc, nhưng hai tờ báo lớn tại Pháp là Les Echos và Le Figaro đều đã nhất trí cho rằng Paris đã làm rất tốt vai trò này trong sáu tháng vừa qua.

Trong một khung nhỏ ngay trên trang nhất của mình Les Echos chạy tựa: “Châu Âu: Nước Pháp kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch của mình với một thành công”. Ở trang trong, tờ báo nhấn mạnh thêm: “Nhiệm kỳ chủ tịch EU của Pháp được các giới tại châu Âu đồng loạt hoan nghênh

Đối với Les Echos, bất chấp chiến tranh bùng nổ trên lục địa, Pháp đã cố gắng triển khai toàn bộ chương trình nghị sự từng được dự kiến ​​vào cuối năm 2021. Bản thân Pháp ước tính mình đã đạt được 97% mục tiêu đề ra. Ngoài ra, bằng cách mở cửa chấp nhận đơn đăng ký làm thành viên từ Ukraina và Moldova, Liên Âu đã bắt đầu suy nghĩ trở lại về tương lai của mình. Ngọn đuốc được chuyển tới đoàn Tổng thống Séc.

Tuy vậy, theo Les Echos, suýt nữa thì nhiệm kỳ chủ tịch Liên Âu của Pháp kết thúc trong thất bại. Khi thông qua, vào đêm thứ Ba 28 rạng sáng thứ Tư 29/06, năm văn bản chính trong kế hoạch khí hậu của Liên Hiệp Châu Âu buộc các thành viên phải giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các bộ trưởng Môi Trường cuối cùng đã cho phép Pháp kết thúc sáu tháng chủ tịch một cách tốt đẹp.

Cho đến giờ phút chót, các quan chức và bộ trưởng của Pháp đã làm việc không mệt mỏi để hoàn tất chương trình nghị sự. Ngày 30 tháng 6, ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Pháp, Paris vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận với Nghị Viện Châu Âu trên hồ sơ kiểm soát vấn đề Nhà Nước tài trợ cho các công ty tại các nước thứ ba (Trung Quốc, Mỹ, Anh) gây hại cho Liên Hiệp Châu Âu.

Một chủ tịch ngoại hạng

Trong bài xã luận  Les Echos tổng kết kết quả nhiệm kỳ chủ tịch Châu Âu và khen ngợi: \”Châu Âu: một nhiệm kỳ chủ tịch ngoại hạng”.

The tờ báo, 130 văn bản được thông qua tại Hội Đồng Châu Âu, 30 văn bản được xác nhận rõ ràng trong \”bộ ba\” (Nghị viện-Hội đồng-Ủy ban), hàng nghìn giờ họp và sáu \”gói\” trừng phạt nhắm vào Nga: Về khối lượng công việc, đây là điều chưa từng thấy.

Về chất lượng, kết quả cũng đặc biệt tốt, với những tiến bộ lớn chẳng hạn về khí hậu mà trước đó không ai dám bảo đảm như thuế carbon ở biên giới, chấm dứt dùng xe chạy bằng xăng dầu vào năm 2035, v.v. . Việc điều hòa hoạt động của ngành kỹ thuật số (bất chấp sự vận động hành lang mạnh mẽ của nhóm Gafa) cũng như chương trình liên quan đến xã hội cũng đã được hoàn thành, trong khi mà một số văn bản nhất định (mức lương tối thiểu, đại diện của phụ nữ trong hội đồng quản trị) đã bị chặn trong nhiều năm.

Đối với Les Echos, Paris đã “hưởng lợi từ cuộc xâm lược Ukraina của Nga: Một tình huống chiến tranh gần như cản trở mọi thứ, nhưng cuối cùng đã thúc đẩy Châu Âu siết chặt hàng ngũ để thống nhất các biện pháp trừng phạt, đón người tị nạn và cho thấy rằng châu Âu có thể phản ứng. Một bối cảnh đã củng cố khái niệm về chủ quyền của Châu Âu mà Paris thúc đẩy, về mặt quốc phòng, nông nghiệp hay năng lượng.

Tuy nhiên, vẫn còn một thất bại lớn: cải cách thuế doanh nghiệp bị Hungary chặn lại. Nhưng vụ bắt bí không biết lần thứ mấy này của thủ tướng Viktor Orban cũng là một món quà dành cho những người đề xướng cải cách nguyên tắc nhất trí, vốn được áp dụng trên nhiều hồ sơ và bị chứng minh là không thể thực hiện được, đặc biệt là về thuế.

Sự thay đổi về thể chế này sẽ càng cần thiết hơn vì 27 nước thành viên EU dự kiến sẽ chào đón các thành viên mới trong tương lai, một quá trình lại được cuộc xung đột Ukraina đẩy nhanh.

Le Figaro: Thành công kép của Pháp

Tờ báo thiên hữu Le Figaro cũng khen ngợi: “Paris kết thúc thành công sáu tháng nhiệm kỳ chủ tịch EU bị chiến tranh tác động”.

Tờ báo trước hết ghi nhận cảm giác thỏa mãn tại điện Élysée, tại bộ Ngoại Giao, tại cơ quan đại diện thường trực của Pháp ở Bruxelles và nói rộng hơn là trong các cơ quan hành chính khác nhau có liên quan, về công việc đã hoàn thành trong những ngày gần đây,.

Trên thực tế, như Sébastien Maillard, Giám đốc Viện Jacques Delors, đã nêu bật, \”Pháp không phải xấu hổ về kết quả của vai trò chủ tịch châu Âu này\”. Không những hầu như tất cả các ưu tiên được công bố vào ngày 09/12/2021 của Emmanuel Macron đều đã được thực hiện trong một thời gian bị các cuộc bầu cử tại Pháp chi phối, mà các ê kíp Pháp – dù mệt nhoài – cũng đã xoay sở được để đối phó với hậu quả của cuộc chiến ở Ukraina.

Đối với Le Figaro, đó là một trận đại hồng thủy đã bồi thêm vào một lịch trình đàm phán nặng nề để đạt được các thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên, về viện trợ nhân đạo, tài chính và quân sự cho Ukraina hoặc về các lệnh trừng phạt Nga. Và cũng có việc tiếp nhận những người tị nạn Ukraina ở châu Âu, đặc biệt là việc kích hoạt lần đầu tiên chế độ bảo vệ tạm thời.

Bài Liên Quan

Leave a Comment