Dân Lộc Hưng đưa bằng chứng khẳng định quyền sử dụng đất

THÙY LINH (BBC Tiếng Việt) –

Dân Lộc Hưng đưa bằng chứng khẳng định quyền sử dụng đất

.

.

Dư âm của vụ cưỡng chế dường như vẫn chưa thể lắng xuống, khi người dân Vườn rau Lộc Hưng vẫn quyết tâm khiếu kiện đòi lại quyền lợi của mình.

\”Đây không phải tranh chấp đất đai gì hết, mà là chính quyền đã làm sai thủ tục pháp lý!\” bà Trần Thị Minh Thi nói với BBC vào trưa hôm 4/1 khi cuộc cưỡng chế đầu tiên diễn ra.

Người dân Lộc Hưng tin rằng họ có đầy đủ giấy tờ pháp lý để chứng minh quá trình sử dụng đất từ 1954 đến ngày hôm nay. Và việc chứng minh quá trình sử dụng đất là bước đầu tiên trong việc yêu cầu quyền sở hữu đất, theo luật Đất đai năm 1993.

Đất Vườn rau Lộc Hưng trước 1975

Theo người dân, từ những năm 1954, Hội truyền giáo Thừa sai Paris Sơn Tây đã quản lý một mảnh đất dài 5km ở xã Tân Sơn Hòa, Gia Định, nay là khoảng từ đường Cách Mạng tháng 8 đến Lý Thường Kiệt, Quận Tân Bình, TP HCM.

Sau đó giáo dân Bắc di cư vào miền Nam đã được Hội truyền giáo cho mượn một mảnh đất khoảng 60.000m2 để trồng rau.

\"Bản
Bản dịch có công chứng của Văn bản ký ngày 17/2/1955 của Đại úy Moinard xác nhận chủ đất là của Hội truyền giáo và cho phép người dân trồng trọt.

Sau này Hội thừa sai Paris giao lại đất cho Tòa Giám mục Sài Gòn, còn Tổng Nha viễn thông của Pháp xin mượn 12.000m2 trên khoảng đất 60.000m2 để làm đài ăng-ten.

Người dân công bố văn bản được công chứng cho thấy Đại úy Moinard Trưởng đài Phát tín Chí Hòa viết ngày 17/2/1955 rằng:

\”Trồng trọt trên khoảng đất cho anten chiếm với điều kiện thỏa thuận trước với hội truyền giáo công giáo là chủ sở hữu đất, và có thể với những người khai thác đầu tiên.\”

Theođó người dân vẫn canh tác ở khu vực rộng 48.000m2 còn lại.

\"Khế
Khế ước mướn đất của một người dân với Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn vào 1975.

\”Hồi xưa đất nó như một khu rừng, mình về phải khai hoang, canh tác, rồi đóng góp cho các linh mục, ở nhà thờ Chí Hòa, để nuôi các cha về hưu.\”

\”Đất giao cho giáo dân, có người ký để làm nhà, có người ký để trồng rau vì nhu cầu mỗi người rất khác nhau,\” ông Cao Hà Trực, người thuộc ban đại diện dân Vườn rau Lộc Hưng nói với BBC.

Đất Vườn rau Lộc Hưng sau 1975

Sau 30/4/1975, Đài phát tín Chí Hòa bị chính quyền Cộng sản Việt Nam thu hồi, và đưa về thuộc sở hữu của Bưu điện thành phố. Người dân vẫn tiếp tục canh tác trên khu đất 48.000m2, vì họ tin nó không thuộc sở hữu của Đài Chí Hòa.

Theo anh Cao Hà Chánh, một người đại diện khác của dân Lộc Hưng, thì từ năm 1976 đã có quyết định thu thuế nên người dân Lộc Hưng đã góp rau và các sản phẩm hoa màu đã sản xuất ra.

Đến 1982 có ra quyết định điều chỉnh mức thuế thu bằng tiền, với giá \”6 tháng nắng thu 10 xu/1m2, 6 tháng mưa thu 5 xu/1m2\”.

\"Quyết
Quyết định thu thuế canh tác đất năm 1982 – một bằng chứng người dân cho rằng chính quyền cách mạng từ lâu đã thừa nhận quá trình sử dụng đất của người dân.

Điều 2 ghi: \”Các hộ hiện đang canh tác phải có trách nhiệm bảo vệ cải tạo đất ….tuyệt đối không được mua bán, sang nhượng đất với bất kỳ hình thức nào\”.

Biên lai ký ngày 27/6/1983, ghi rõ \”Ủy ban nhân dân phường 7 có nhận của: Toàn bộ tổ rau trong phường, 4 tổ rau, số tiền: hai trăm đồng chẵn.\”

\"Biên
Biên lai ký ngày 27/6/1983, ghi rõ \”Ủy ban nhân dân phường 7 có nhận của: Toàn bộ tổ rau trong phường, 4 tổ rau, số tiền: hai trăm đồng chẵn.\”

Đến năm 1999, theo Chỉ thị 24/1999/CT-TTG của Thủ tướng chính phủ về tổng kiểm kê đất đai, người dân vườn rau Lộc Hưng nộp đơn yêu cầu UBND phường 6 (đã đổi từ phường 7) quận Tân Bình xác nhận quá trình sử dụng đất theo chỉ thị trên.

Người dân cho biết họ tiếp tục đóng thuế từ 1976 đến 1999. Cho đến khi ra xin kê khai đất đai thì UBND phường 6 bắt đầu từ chối, ngưng thu thuế dân vườn rau.

Ông Cao Hà Chánh cho biết, người dân đã trao đổi với cả hai cựu chủ tịch UBND phường 6 là ông Vũ Xuân Tâm vào 2000 và bà Nguyễn Thị Ngọ vào 2002, và đều nhận được phản hồi tương tự như sau:

\”Đất do bà con khai phá canh tác mấy chục năm nay mà ai cũng biết, khẳng định chưa có dự án hay quyết định quy hoạch nào nên bà con cứ về canh tác đi. Phường không thể giải quyết được vì đó là chỉ thị của cấp trên.\”

Vườn rau Lộc Hưng từ 2002

Từ 2002, người dân Lộc Hưng đã liên tục gửi đơn khiếu nại, kiến trình tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ phường, quận, thành phố đến trung ương nhưng không cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm trực tiếp giải quyết.

Trong thời gian chờ đợi chính quyền giải quyết đơn từ, để mưu sinh, người dân tiếp tục kiếm kế sinh nhai bằng nghề trồng trọt, vốn là thu nhập chính của họ. Người dân cũng nuôi thêm thỏ vì \”loại động vật này chưa có dịch bệnh nào gây hại cho người\” và không cần thẩm quyền cấp phép.

\"Trong
Trong thời gian chờ đợi chính quyền giải quyết, người dân Vườn rau Lộc Hưng vẫn tiếp tục canh tác.

Đỉnh điểm là 2008, theo lời người dân, chính quyền đã hai lần điều động hàng trăm người gồm công an, trật tự đô thị đến xô xát với dân vì họ xây hàng rào và chuồng thỏ trên khu đất này.

Đến ngày 7/7/2008, Trụ sở tiếp công dân của TW Đảng và Nhà nước ra công văn chuyển đơn tố cáo của các hộ dân Lộc Hưng đến UBND TP HCM tiếp nhận, kiểm tra nội dung, chỉ đạo giải quyết và trả lời công dân.

Đáng chú ý, trước đó, khoảng 2007, công ty xây dựng Sài Thành đưa ra đề nghị bồi thường tiền cho một số dân ở đây để giải tỏa đất tiến hành các dự án xây dựng. Khoảng vài chục hộ được đề nghị đền bù 3 triệu/m2 với điều kiện ký vào một văn bản.

Ông Chánh cho biết người dân đã làm đơn tố cáo vì nhận thấy điều này là trái luật vì đất vườn rau vẫn chưa được xác nhận quá trình sử dụng đất thì chưa thể bồi thường thu hồi. Sau đó thì công ty Sài Thành rút lui.

\"Giấy
Giấy xác nhận của người dân Lộc Hưng ký năm 2000.

Đến 2010, thì có dự án làm đường ở khu vực gần vườn rau, nhưng kể từ đó hệ thống cống nước quanh vườn rau hay bị ngập úng.

\”Mưa ngập là ngập cả nửa tháng. Rau xanh trồng mà ngập vậy là chết hết. Thỏ thì có đợt bị dịch xuất huyết chết hàng loạt.\”

Lý giải về việc xây nhà trên khu đất, ông Cao Hà Chánh nói khu đất xung quanh là đất thổ cư.

\”Nếu không phải nuôi sống thì dân đã xây nhà lâu rồi. Bao nhiêu gia đình sống bằng nghề này.\”

\”Đến mùa mưa là nước từ các phía đổ về, cho nên rau ngập úng hư hết. Nên bà con mới xây dựng những căn phòng trọ, để kiếm kế sinh nhai, vì vậy chính quyền mới cho là xây dựng trái phép,\” một người dân nói.

Tổng Giám Mục Sài Gòn nói gì?

Trong một văn bản viết 31/8/2007, Linh mục Tổng Đại diện của Đức Hồng ý Tổng Giám mục TP HCM Huỳnh Công Minh Tòa Tổng Giám mục thì khẳng định:

Khu vườn rau khoảng 5ha trên đường Chấn Hưng \”hoàn toàn không phải đất của nhà nước cũ sở hữu. Nhà nước cũ chỉ sở hữu một phần nhỏ (1,5ha), còn lại thuộc quyền sở hữu của giáo hội (3ha) và một số của chủ khác.\”

\”Khu vườn rau … hoàn toàn không phải thuộc khuôn viên Đài phát tín vô tuyến, trạm này tọa lạc ở đường Lê Văn Duyệt, nay là Cách mạng tháng Tám, cách xa khu vườn rau cả trăm mét\”.

\"Giám
Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đi thăm người dân Vườn rau Lộc Hưng hôm 6/1

\”Trung tâm thông tin lưu trữ tư liệu địa chính nhà đất xác nhận rằng đến 30/4/1975, Hội đồng quản trị địa phận công giáo Sài Gòn, nay là Tòa Tổng Giám mục TP HCM vẫn là chủ sở hữu đất có khu đất khoảng 30.000m2 tại vườn rau.\”

\”Sau 30/4, cũng không có cơ quan, đơn vị nào của chính quyền cách mạng tiếp quản khu vườn rau.\”

\”Bà con có có quá trình canh tác tại khu vườn rau liên tục và ổn định từ trước 1975 mãi cho đến 18/2/2000 bà con mới được UBND Quận Tân Bình chính thức thông báo rằng họ là người chiếm dụng đất của Nhà nước, chiếm dụng từ nhà nước cũ (Pháp rồi đến Việt) đến thời Nhà nước cách mạng.\”

Theo quan điểm của Tòa Tổng giám mục TP HCM, \”không hề có cơ sở pháp lý nào cho phép xác định khu vườn rau… thuộc diện chính quyền cách mạng tiếp quản sau 1975 và không có cơ sở pháp lý nào cho phép xác định …khu đất trên đã được Trung tâm viễn thông 3 tiếp quản cùng với các cột anten và khu nhà điều hành của Trạm phát sóng.\”

Và \”Tòa Tổng giám mục thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở vững chắc để khẳng định rằng bà con canh tác tại khu vườn rau… có đầy đủ cơ sở pháp lý để được công nhận quyền sử dụng đất của mình và được quyền hưởng chính sách đền bù mà luật pháp quy định cho người có quyền sử dụng đất, khi đất của họ bị thu hồi\”.

Luật Đất đai năm 1993

Luật sư Phùng Thanh Sơn, trả lời BBC hôm 7/1, cho biết:

\”Theo luật Đất đai năm 1987, người dân không được tặng cho, mua bán, thế chấp, cầm cố, để lại thừa kế đối với quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, chính sách này đi ngược lại với quy luật khách quan, trên thực tế người dân vẫn mua bán, tặng cho, để lại thừa kế, cầm cố, thế chấp… mà nhà nước không thể kiểm soát được.\”

\”Do đó, buộc chính quyền phải sửa đổi luật Đất đai năm 1987 bằng luật Đất đai năm 1993 (có hiệu lực kể từ ngày 15/10/1993). Theo Luật mới, người dân được quyền chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, thế chấp, để lại thừa kế quyền sử dụng đất.

\”Để giải quyết hậu quả của các giao dịch trái pháp luật đã diễn ra trước 15/10/1993, nhà nước yêu cầu người dân kê khai việc sử dụng đất. Với tư cách là đại diện chủ sở hữu, bằng quyền lực nhà nước, nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để công nhận theo hiện trạng sử dụng đất của người dân trên cơ sở kê khai sử dụng đất của người dân.\”

Đây là lý do vì sao người dân nói họ muốn kê khai, và xác nhận quá trình sử dụng đất kể từ 1954, tức là thực hiện bước đầu tiên trước khi yêu cầu cấp quyền chứng nhận sử dụng đất.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã luôn từ chối thực hiện việc xác nhận từ năm 1999 đến nay.

Chính quyền nói gì?

Năm 2006, ông Nguyễn Văn Đua, Chủ tịch UBND Thành phố đã có cuộc họp với người dân.

Tại cuộc họp ông Đua nói:

\”Trong những thập niên 70-80 vẫn sử dụng, đến một phần những năm 90, bà con mình từ rất lâu đã trồng hoa màu trên mặt đất, trên các cột anten vì vậy xác nhận phải đúng bản chất như vậy.\”

\”Không chỉ xác nhận có một bên, nếu chỉ xác nhận cho bưu điện cũng không hoàn toàn, mà chỉ xác nhận cho bà con trồng hoa màu cũng không đúng.\”

Ông Đua đề nghị UBND phường xác nhận cho chính xác nhưng người dân cho biết từ 2006 đến nay, UBND phường 6 vẫn không thực hiện.

Theo báo Tuổi Trẻ, UBND Quận Tân Bình vừa thông báo sẽ hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 theo đơn giá đất nông nghiệp đối với người dân ở vườn rau Lộc Hưng.

Đối với các hộ trồng hoa màu bị ảnh hưởng do cưỡng chế đất, không thể tiếp tục trồng rau, sẽ được hỗ trợ chi phí tương đương doanh thu 3 tháng (4-6 triệu).

Quận cũng hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tổ chức đào tạo chuyển đổi ngành nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kinh phí do quận chi trả.

UBND quận cũng hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh neo đơn, diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn sẽ được tạo điều kiện vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội.

\"Vườn
Vườn rau Lộc Hưng sau đợt cưỡng chế hôm 8/1.

\”UBND phường, quận cam kết tạo mọi điều kiện để người dân được chăm lo Tết đầy đủ, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, thăm viếng khi ốm đau,\” báo Tuổi Trẻ viết.

Hiện thành phố đang có dự án xây dựng trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS, hạ tầng giao thông và công viên cây xanh trong khu vực Vườn rau Lộc Hưng với tổng vốn đầu tư là 117 tỷ.

\”Có những sự việc rất bình thường, nhưng các đối tượng chống phá vẫn lợi dụng để kích động. Qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu\”, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói với báo VnExpress.

Nguồn: BBC

Bài Liên Quan

Leave a Comment