Gia đình Facebooker Nguyễn Đức Hùng không được thông báo về phiên xử người thân

RFA
2022.07.15

\"GiaFacebooker Nguyễn Đức Hùng giương biểu ngữ phản đối nhà máy thép Formosa

 Fb Nguyễn Đức Hùng

Người thân của Facebooker Nguyễn Đức Hùng ở Đông Yên, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hoàn toàn không hề được thông báo gì về phiên xét xử của ông và họ chỉ được biết thông qua báo đài sau khi phiên xử kết thúc.

Toà án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hôm 13/7 tuyên án Facebooker Nguyễn Đức Hùng năm năm sáu tháng tù giam với tội danh \”phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước\” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Thông cáo báo chí của Tòa án Hà Tĩnh sau phiên xử cho biết, đây là một phiên tòa hình sự công khai tuy nhiên gia đình ông Hùng cho biết không nhận được lời nói hay văn bản gì từ công an hay tòa án.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do liên lạc với ông Nguyễn Văn Sen, bố đẻ của ông Nguyễn Đức Hùng, và được ông cho biết:

Bữa trước xử nhưng gia đình không biết. Gia đình không biết gì cả. Tôi điện ra ngoài trại tạm giam thì được thông báo đã xử hôm kia rồi. Khi tôi hỏi sao không thông báo cho gia đình biết thì phía công an nói gia đình không có liên quan.”

Ông gọi điện cho bên công an điều tra của Công an tỉnh Hà Tĩnh và cũng nhận được câu trả lời tương tự.

Luật sư Hà Huy Sơn, người tham gia bào chữa cho nhiều phiên toà chính trị, nhận xét rằng toà án khi xét xử không bắt buộc phải thông báo hay mời đại diện gia đình đến tham dự phiên toà.

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chỉ quy định thông báo cho gia đình người bị tạm giữ hoặc bị bắt biết trong trường hợp bắt người khẩn cấp, còn quyết định đưa vụ án ra xét xử \”được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa.\”

Ông Nguyễn Đức Hùng, sinh năm 1991, bị bắt vào ngày 6 tháng 1 năm nay và bị biệt giam từ đó tới nay.

Ông Sen cho biết kể từ khi con trai ông bị bắt, gia đình nhiều lần vào trại tạm giam của công an tỉnh để gặp ông Hùng nhưng bị từ chối. 

Ông nói gia đình không thuê luật sư bào chữa nên không rõ con trai mình có luật sư trong phiên toà vừa qua hay không.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Tĩnh nói hành vi của ông Nguyễn Đức Hùng gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự đất nước.

Bố của Facebooker này không bình luận về bản án, chỉ mong con trai được giảm án để trở về với gia đình.

Hiện ông gặp khó khăn trong việc nuôi hai con còn đang học tiểu học của ông Hùng vì người vợ đã bỏ nhà ra đi trước khi chồng bị bắt.

Ông Sen nói thêm, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh nơi gia đình đang sinh sống, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm hoạ môi trường năm 2016 do Nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển và hậu quả vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Truyền thông nhà nước đưa tin sau phiên tòa không nhắc đến việc ông Hùng có luật sư bào chữa hay không, chỉ nói rằng Facebooker này thừa nhận hành vi phạm tội và xin được hưởng khoan hồng.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện đến Toà án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để hỏi về phiên toà vừa qua, nhưng không ai nghe máy. 

Facebooker Nguyễn Đức Hùng có hơn 9 ngàn người theo dõi với những bài viết có nội dung lên tiếng phản đối bất công xã hội, bảo vệ nhân quyền, và tự do tôn giáo, trong đó có vụ các tu sĩ tại Đan viện Thiên An đòi lại đất đai mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế \”mượn.\”

Phản ứng về việc kết tội ông Nguyễn Đức Hùng, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói:

Rõ ràng là Đảng Cộng sản Việt Nam hoang tưởng về những quan điểm bất đồng chính kiến ​​đến mức coi bài viết trên mạng là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Với việc đưa ra bản án năm năm rưỡi tù chỉ vì viết bài chỉ trích chính phủ trên Facebook, chính quyền đã vi phạm quyền của ông Nguyễn Đức Hùng một cách thái quá và không thể chấp nhận được.

Trên thực tế, ông ta không làm gì sai trái nếu ở trong một xã hội dân chủ, nhưng tất nhiên Việt Nam đang bị cai trị bởi chế độ độc tài của một đảng duy nhất.

Sự đàn áp khắc nghiệt đối với quyền tự do ngôn luận của Việt Nam hiện nay có nghĩa là không một nhà hoạt động ôn hòa nào có thể truyền bá quan điểm của mình qua mạng xã hội mà không phải đối mặt với những cáo buộc mơ hồ về an ninh quốc gia và sau đó là nhiều năm tù giam.\”

Đại diện của tổ chức nhân quyền có trụ sở chính tại Hoa Kỳ khẳng định, Việt Nam đã trở thành một trong những chính phủ lạm quyền và độc tài tồi tệ nhất ở Đông Nam Á và bây giờ muốn nối gót Trung Quốc trong việc kiểm soát chặt chẽ Internet.

Ông Phil Robertson cũng khuyên các chính phủ và công ty quốc tế nên suy nghĩ kỹ về việc đầu tư vào một quốc gia như Việt Nam, nơi mà quyền tự do ngôn luận bị vi phạm còn quyền tiếp cận thông tin bị kiểm soát chặt chẽ.

Ông Nguyễn Đức Hùng là Facebooker thứ sáu bị kết tội liên quan đến hành vi “tuyên truyền chống nhà nước” kể từ đầu năm đến nay. 

Năm người khác bị kết án từ năm năm đến tám năm tù giam. Điều 117 Bộ luật hình sự 2015 là điều khoản sửa đổi của Điều 88 Bộ luật hình sự năm 1999 và nằm trong chương An ninh quốc gia thường xuyên được nhà nước Việt Nam sử dụng để bịt miệng giới bất đồng chính kiến.

Nhiều chính phủ dân chủ và tổ chức nhân quyền trên thế giới kêu gọi nhà nước Việt Nam xoá bỏ điều khoản này vì nó đi ngược với quyền tự do ngôn luận có trong chính Hiến pháp Việt Nam cũng như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Bài Liên Quan

Leave a Comment